Tay nâng cốc rượu cồn cào nhớ quê

(Baohatinh.vn) - Người Việt sang Nga mang theo phong tục, tập quán phương Đông đến miền xứ lạnh. Người Nga thực sự biết đến một lễ hội lớn nhất của người Việt là Tết Nguyên đán. Từ chỗ còn ngỡ ngàng, sau một phần ba thế kỷ, họ đã quen với sự có mặt của người Việt, quen với nét văn hóa của một dân tộc vốn gắn bó hữu nghị với nhân dân Nga.

Tết Việt trong lòng người xa Tổ quốc

Ảnh: vtv.vn
Ảnh: vtv.vn

Những cái tết của người Việt trước thập kỷ chín mươi, sau này, người ta gọi là thời hậu Xô viết, thường diễn ra trong các ký túc xá, nơi ăn ở của hàng trăm công nhân. Hồi đó, mỗi tuần chỉ có một chuyến bay từ Hà Nội sang Mátxcơva với chặng hành trình 18 tiếng, hành khách ta ngoài một số tư trang, hầu như không mang theo đồ thực phẩm. Do vậy, tết trong ốp (gọi tắt từ ký túc xá trong tiếng Nga), chủ yếu là các món ẩm thực tự biên, tự diễn.

Người Việt mua chân giò, nấm Nga, thịt lợn về tự chế biến giò thủ, giò lụa, măng, nấm, làm thịt đông, nấu mứt. Họ tự chế biến phồng tôm từ bột khoai tây và tự làm dưa hành củ. Ở các chợ Nga, anh em vẫn lùng ra gạo nếp và đậu xanh vùng Trung Á về gói bánh chưng, dùng bao ni lông thay lá dong và dây nhựa thay lạt giang, dùng nồi áp suất đun lên, bày ra mâm, nó cũng gợi nhớ chiếc bánh chưng xanh quê nhà ngày tết.

Công nhân Việt Nam được nghỉ hai ngày ba mươi và mồng một tết và được nhà máy cho mượn hội trường. Sau các tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn, mọi người cùng nhau ăn bữa cơm tất niên và đón giao thừa. Thời gian này, chưa có VTV4, đài phát thanh rất khó tiếp sóng, hầu như ở trong nước chưa ai có điện thoại nhà riêng, hàng trăm người nhìn qua khung cửa sổ bời bời tuyết trắng, tay nâng cốc rượu mà lòng cồn cào nhớ quê hương.

Nhưng cho đến khoảng năm 1992, 1993 thì tình hình khác hẳn. Những ký túc xá biến thành thương xá (ốp - chợ), là nơi tá túc và kinh doanh của những tiểu thương người Việt. Cơ chế thị trường mở ra, hàng hóa tràn ngập, các chuyến bay tăng dần và thời gian bay được rút ngắn, các thứ tiêu dùng ngày tết được mang từ Việt Nam sang tràn ngập khu hàng khô trong thương xá.

Với Noel và Tết dương lịch, người Việt dường như dửng dưng. Chỉ sau ngày rằm âm lịch tháng 12 ta thì chợ người Việt bắt đầu sôi động. Các khu hàng khô kìn kìn hàng hóa từ trong nước chuyển sang. Không thiếu thứ nào, từ mộc nhĩ, nấm hương, măng khô, lá dong, nem, miến... Các thứ giò chả truyền thống, mứt, bánh kẹo đủ loại bày trên sạp giống như một siêu thị mi ni ở Hà Nội, chỉ có điều giá “trên chín tầng mây”. Và các chuyến bay về nước luôn kín chỗ. Giá vé bay về các hãng thường tăng đến ba chục phần trăm so với các dịp thường kỳ.

May mà năm nay cả hai hãng Nga và Việt khai thác tối đa, mỗi tuần có tới 12 chuyến về Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nên tình trạng khan vé cũng đỡ hơn. Còn những người ở lại, ngày 23 âm lịch cũng cúng ông Táo về trời bằng cá chép sống mua ở chợ, hoặc cá chép giấy trang kim nhãn hiệu Trung Hoa.

Trong nước, phong tục, tập quán thế nào thì bên Nga mô phỏng lại đúng như vậy, điều đó nói lên sự âm thầm nhưng mãnh liệt của văn hóa tâm linh Việt. Chiều 30 tết, dù ai đi đâu, làm gì, bận bịu bao nhiêu cũng phải về nhà làm mâm cơm tất niên cúng gia tiên và cùng ngồi ăn cơm chung với gia đình.

Mâm cỗ nhà nào cũng có bánh chưng, dưa hành, măng miến và nem Việt. Nếu không có cảnh tuyết bay trắng xóa và cái lạnh âm mấy chục độ, nếu không nhìn xa ra ngoài đường phố Nga thì ai cũng ngỡ đây là căn phòng Việt trên đất Việt. Còn trong các thương xá, không khí sôi động như ở đình làng. Hình ảnh chặt, băm thịt, nấu nướng, gọi nhau í a, í ới và hương khói mù mịt cả hành lang là bức tranh đặc tả ngày cuối năm ở các khu Bến Thành, sông Hồng Togi, Rubac...

Bây giờ, ở Nga có 8 hội đồng hương. Giáp tết, hội nào cũng làm lịch và tổ chức tết cho bà con, có ăn uống, có các trò chơi, phát lì xì cho trẻ con và mời đoàn văn nghệ cộng đồng biểu diễn. Chiều ba mươi tết, trước đây là tám giờ, nhưng bây giờ là bảy giờ, khi đó, ở Việt Nam là giao thừa, nhà nhà đều kính cẩn thắp hương lên bàn thờ, bái vọng về quê cha, đất tổ. Vào thời khắc đó, khắp thành phố, những nơi có người Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc ở, tiếng pháo vang lên làm ấm cả bầu không khí tuyết lạnh. Các màn pháo sáng kéo dài không ngớt hàng tiếng đồng hồ. Chính quyền Nga chỉ cấm đốt pháo ở trên đường phố, những khu nhà dân sinh sống, chỉ được đốt ở các nơi quy định.

Ngày mồng một tết, sau khi có người xông đất, người Việt rủ nhau đi chúc tết người thân, nhưng những người chọn được ngày tốt thì vẫn ra chợ bán hàng như những ngày thường. Chừng một tuần sau, những người về tết trong nước lại lục tục bay sang, không khí tết còn kéo dài hết rằm tháng giêng mới lắng lại.

(Từ Mátxcơva)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast