Tết vạn chài

(Baohatinh.vn) - Cuộc mưu sinh bao đời của ngư dân phụ thuộc vào những chuyến ra khơi nên thờ phúc thần đã trở thành một phong tục, nét đặc sắc trong đời sống văn hóa của người dân vùng biển. Chính vì thế, mỗi dịp tết đến, xuân về, họ lại cùng nhau thành kính chuẩn bị những phẩm vật dâng lên các vị thần sông, thành hoàng để cầu mong một năm sóng yên, biển lặng, mưa thuận, gió hòa.

Được mùa cá

Được mùa cá

Khi nhà nhà, người người rộn ràng trong bầu không khí chuẩn bị đón chào xuân mới thì những ngư dân trên khắp các làng chài vẫn buông câu, giăng lưới. Hy vọng về chuyến đi biển cuối cùng trong năm cũ sẽ mang về những sản vật góp thêm hương vị ngày tết đã làm ấm lòng họ giữa muôn trùng biển khơi. Theo lời của những lão ngư đã một thời vẫy vùng sông nước thì các tàu thuyền sẽ lần lượt trở về cập bến vào giáp tết và muộn nhất là ngày 30 tháng Chạp. Khác với những chuyến đi trước, đón những ngư dân trong thời khắc đoàn viên, trong giờ phút tiễn đưa năm cũ là mâm cỗ được chuẩn bị cho lễ sắp ấn. Được biết, đây là lễ cúng tiễn thần cửa lạch, cửa sông về thiên đình báo cáo hoạt động một năm qua. Lễ cúng được người dân chuẩn bị chu đáo với mâm cỗ, tấu sớ, hương đăng, phẩm vật… Ngoài ra, lễ sắp ấn cũng là khoảng thời gian để bà con ngư dân vùng cửa lạch nghỉ ngơi, lau dọn các phương tiện chuẩn bị chào đón năm mới.

Cũng như người dân ở vùng biển Cửa Sót, tại Xuân Hội (Nghi Xuân), đêm giao thừa là khoảnh khắc thiêng liêng, đáng nhớ của những ngư dân bởi trong giờ phút trời đất giao hòa, bà con lại cùng nhau ra bến làm lễ quay mũi thuyền (có nơi gọi là lễ dời sào) cho các phương tiện đánh bắt với niềm hy vọng một năm mới thêm nhiều may mắn.

Hòa chung niềm vui với các ngư dân trong một năm đánh bắt thành công, sức xuân trên vùng biển Xuân Hội cũng đã hiện hữu dưới những nếp nhà khang trang, trong từng nụ cười hồ hởi của bà con làng biển. Anh Đậu Văn Liệu – Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Xuân Hội cho biết: “Có thể nói, năm nay là 1 năm được mùa của ngư dân Xuân Hội khi sản lượng đánh bắt đạt 5.448 tấn - tăng hơn so với năm trước gần 1.000 tấn. Niềm vui ấy không chỉ là nhờ sự quan tâm của cấp trên bằng những chính sách giúp ngư dân bám biển, sự mạnh dạn của bà con trong việc cải hoán, đóng mới đội tàu có công suất lớn để vươn khơi, mà còn nhờ vào sự phù hộ của biển mẹ, của các đấng thần linh cho cuộc sống ấm no”.

Lễ hội cầu ngư của ngư dân Cửa Nhượng (Cẩm Xuyên)

Lễ hội cầu ngư của ngư dân Cửa Nhượng (Cẩm Xuyên)

Vì lẽ đó, sau lễ quay mũi thuyền vào đêm giao thừa, người dân Xuân Hội lại cùng nhau đến dâng hương tại điện Cô, điện Cậu (điện thờ Cá Ông) để cầu mong may mắn, bình yên. Không riêng Xuân Hội mà với những ngư dân trên địa bàn toàn tỉnh, quanh năm lăn lộn với những con sóng ngoài khơi nhưng mỗi dịp tết đến, xuân về, việc mà họ quan tâm nhất là dâng hương cầu an ở miếu thờ Cá Ông và Thành hoàng làng. Nếu như ở Xuân Hội, điểm đến của người dân là điện Cô, điện Cậu; ở Cẩm Nhượng là đền thờ Cá Ông, thì ở vùng biển Cửa Sót là đền Lê Khôi, đền Chúa Mậu. Còn với ngư dân Kỳ Ninh (Kỳ Anh) thì vị thành hoàng của họ là Chế Thắng phu nhân – Nguyễn Thị Bích Châu. Tết Nguyên đán, họ lại chuẩn bị những cặp bánh chưng đẹp nhất đến dâng thờ tại đền.

Đối với bà con trên những làng chài, tết không phải là những ngày vui chơi mà tùy theo thời tiết và cách xem ngày của các nhà thuyền, việc xuất bến có thể bắt đầu ngay từ sáng mùng 1, hoặc mùng 2 tết. Ngư dân Nguyễn Văn Thanh (Cẩm Nhượng) cho biết: “Chúng tôi chọn ngày xuất bến theo thời tiết, tuổi và quan niệm của từng chủ thuyền. Trước khi xuống thuyền rời bến trong chuyến xuất hành đầu năm, điều không thể quên đó là phải làm lễ cúng tại hòn đá thờ nơi cửa lạch.

Lớn lên nhờ lộc biển, chung với niềm vui được mùa của ngư dân và thấp thỏm trong những ngày biển nổi cơn sóng dữ, chính quyền các địa phương nơi đây cũng hết sức quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của bà con. Ngoài chủ động thành lập nghiệp đoàn nghề cá, các tổ hợp tác giúp nhau trên biển… chính quyền còn kêu gọi nguồn lực để tu bổ các miếu thờ Thành hoàng, thờ Cá Ông trên những làng chài. Anh Trần Hải Dương - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng cho biết: “Để góp phần củng cố các di tích trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con ngư dân thể hiện mình trong đời sống tâm linh, vừa qua, chúng tôi đã kêu gọi người dân và những người con xa quê góp 1,2 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo miếu thờ Cá Ông. Đây là một trong những việc làm được bà con hết sức ủng hộ”.

Cũng trong chuyến đi tìm hiểu về những phong tục đón tết trên khắp các làng chài, chúng tôi nhận thấy một điều: Dường như hương vị của mùa xuân trên những ngôi làng ven chân sóng đọng lại lâu hơn, bởi sự sôi động, phong phú về đời sống văn hóa của người dân nơi đây. Đó không chỉ là việc trẩy hội mùa xuân từ lễ hội đền Bà Hải, đền Lê Khôi, lễ hội cầu ngư mà còn được thể hiện ở các hoạt động văn hóa - văn nghệ dân gian như: đua thuyền, đi cà kheo, kéo co, đánh cờ người...

Ngày cuối cùng của năm cũ, những chiếc thuyền đang nối đuôi nhau trở về cập bến bình yên. Và những mong ước, khát vọng của ngư dân đang được mở ra trước thềm năm mới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast