Thạch Hà đi lên từ truyền thống nghìn năm

(Baohatinh.vn) - Đi qua thời gian, Thạch Hà hôm nay là huyện phụ cận thành phố, đang từng bước khơi dậy tiềm năng, lợi thế để ổn định và phát triển, hòa nhịp vào sự nghiệp xây dựng Hà Tĩnh thành tỉnh có kinh tế, văn hóa – xã hội phát triển của khu vực Bắc Trung bộ...

Thạch Hà, danh xưng một huyện được gợi từ sự tích đá giữa lòng sông, đã trở thành mảnh đất hơn nghìn năm có lẻ. Mang tình cảm ruột rà với tỉnh lỵ Hà Tĩnh, Thạch Hà trở thành chứng nhân của đất và người Hà Tĩnh với nhiều niềm vui, nỗi buồn, cả những thiên sử vàng chói lọi.

Phân tích bằng chứng tại các di chỉ khảo cổ học ở Thạch Lạc, Cồn Lôi Mốt (Thạch Vĩnh), Phái Nam (Thạch Lâm), các nhà khoa học đã kết luận rằng, Thạch Hà là vùng đất cổ, lưu dấu đời sống cha ông hơn 4.000 năm. Đón nhận và trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống, các thế hệ người Thạch Hà đã liên tiếp làm rạng danh cho quê hương nghìn tuổi.

Đua thuyền trên sông Cày - một trong những hoạt động mang đậm nét đẹp văn hóa của người dân Thạch Hà. Ảnh: Văn Bảy

Đua thuyền trên sông Cày - một trong những hoạt động mang đậm nét đẹp văn hóa của người dân Thạch Hà. Ảnh: Văn Bảy

Cùng với giả thuyết cho rằng, Thạch Hà là quê hương của 3 vị vua (Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Ngô Quyền), nơi đây còn sản sinh ra nhiều tấm gương tiêu biểu như: Đô đốc Hồ Phi Chấn, Thượng tướng quân Võ Tá Sắt, Nguyễn Hiền, Từ Hữu Hòe, Nguyễn Sỹ Quý, Đặng Hữu Cán, Nguyễn Hữu Từ, Tiến sĩ quan Thượng thư Trương Quốc Dụng; những người con kiên trung của Đảng như: Lý Tự Trọng; các Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thiếp, Mai Kính... Tinh thần ấy giải thích tại sao, trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng đầu thế kỷ, Phù Việt, tiếp đó là Đồng Bàn, Cổ Kênh, Đan Hộ, Tiền Lương, Chi Phan đã thành lập các chi bộ cộng sản, làm cơ sở cho Đảng bộ Hà Tĩnh hoạt động trong thời kỳ đầu, lãnh đạo nhân dân làm nên ngọn lửa cao trào Xô viết 1930-1931.

Nói đến Thạch Hà, người ta còn nói đến một vùng văn hóa đậm đà mà tiêu biểu là các làn điệu ví, giặm, hò. Trong cần lao, khó nhọc, người Thạch Hà luôn tự tạo cho mình niềm lạc quan, tin tưởng. Khi nghiên cứu địa chỉ giặm Nghệ Tĩnh, nhiều nhà nghiên cứu đã gọi tên “giặm Thạch Hà”. Trong 36 nghệ nhân hát giặm mà Giáo sư Nguyễn Đổng Chi giới thiệu trong Hát giặm Nghệ Tĩnh, có tới 26 người quê Thạch Hà như: dái Kình, dì Tương, thầy Nhung (Ba Giang); cố Ngờn, o Chuột (Đan Chế); Út Lan (Hà Hoàng), ông Cương (Hương Nao)… Nghệ nhân hát ví có thầy Tín, o Đĩ Em (Trung Tiết); bà Hương Vịnh, cố Hoành, cố Thừa Canh, o Tửu (Hương Nao)…

Bên cạnh ví, giặm được phổ biến ở nhiều vùng quê, Thạch Hà còn có “đặc sản” hò Thạch Khê với hình thức hò “đánh trống khắc chang” nổi tiếng, xuất hiện thời kỳ chống Mỹ, trong đó, có những câu hò ngạo nghễ: “Hò ơ hò… Hò từ chi bộ hò ra/ Hò từ em bé cố tra hò vào”. Đây là hình thức cụ thể hóa chủ trương “văn nghệ hóa chính trị” của Đảng, làm sinh động mặt trận tư tưởng. Chính tình yêu với sinh hoạt văn hóa – văn nghệ mà Thạch Hà có những nghệ sĩ như Xuân Năm, những nông dân như Nguyễn Thanh Bình (Thạch Ngọc) sáng tác nên bài giặm Thần sấm ngã khi Hà Tĩnh trận đầu thắng Mỹ. Cùng với sinh hoạt văn hóa, bàn tay khéo léo của người Thạch Hà còn tạo ra các sản phẩm làng nghề tiêu biểu mà đến nay vẫn tiếp tục duy trì như: làng nón (Phù Việt), làng đan (Đan Chế), bưng trống (Thạch Hội), thợ xây Đình Hòe (Thạch Đỉnh)...

Nhiều hiện vật khảo cổ có niên đại hàng nghìn năm được phát hiện tại các di chỉ Thạch Lạc và Rú Điệp (Thạch Hà)

Nhiều hiện vật khảo cổ có niên đại hàng nghìn năm được phát hiện tại các di chỉ Thạch Lạc và Rú Điệp (Thạch Hà)

Qua nhiều lần biến động địa giới, Thạch Hà diện tích hiện chỉ còn 313,924 km2 với 31 xã, thị trấn. Dầu vậy, Thạch Hà vẫn mang trong mình tiềm năng, lợi thế: là huyện phụ cận TP Hà Tĩnh; có núi, sông, đồng bằng, bãi biển. Truyền thống lịch sử, khí chất con người đã tạo nên động lực để huyện thúc đẩy phát triển mọi mặt KT-XH. Nhiệm kỳ 2010-2015, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ và đúng hướng, địa hình với 3 vùng (trà sơn, đồng bằng, duyên hải) được tập trung phát huy lợi thế, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 tăng gấp 3,2 lần so với đầu nhiệm kỳ…

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều khởi sắc. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với phong trào “Toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới” được đẩy mạnh. Nếp sống văn hóa trong từng gia đình, dòng họ, làng xã gắn với truyền thống, phong tục địa phương được chăm lo xây dựng. Nhiều di tích lịch sử, văn hóa được trùng tu, tôn tạo; toàn huyện hiện có 63 di tích được xếp hạng, trong đó, có 6 di tích cấp quốc gia.

Các lễ hội đền Lê Khôi, đền Nen, lễ rước Phật chùa Giai Lam, lễ giỗ Trương Quốc Dụng... và nhiều hoạt động tín ngưỡng lành mạnh làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Mạng lưới giáo dục được quy hoạch hợp lý, đáp ứng cơ bản nhu cầu dạy và học. Toàn huyện có 56 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt 70,7% tổng số trường). Chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân từng bước được nâng cao. Toàn huyện có 19 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020.

Chương trình “Nông thôn ngày mới” gắn với các trò chơi dân gian góp phần tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa của quê hương Thạch Hà.
Chương trình “Nông thôn ngày mới” gắn với các trò chơi dân gian góp phần tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa của quê hương Thạch Hà.

Truyền thống nghìn năm làm nên sức mạnh phát triển không chỉ cho hôm qua mà còn cả hôm nay và tương lai. Điều đó còn gián tiếp khẳng định tính đúng đắn trong tư duy về quy hoạch, quản lý. Trước yêu cầu của thời đại và dựa vào lợi thế nội sinh, Đảng bộ huyện Thạch Hà xác định thường xuyên rà soát, điều chỉnh, đấu nối với quy hoạch không gian TP Hà Tĩnh. Gắn với quy hoạch phát triển tổng thể KT-XH, huyện đã đầu tư phát triển du lịch. Không chỉ du lịch ven biển với điểm nhấn khu dịch vụ - du lịch biển Văn - Trị, danh thắng Quỳnh Viên, các điểm du lịch tâm linh, mà các trung tâm mua sắm, không gian dành cho nghỉ ngơi, giải trí với chuỗi kết nối các nhà hàng, khách sạn cũng được định hình để đầu tư trong tương lai.

Cùng với du lịch, phương hướng phát triển các sản phẩm làng nghề gắn với phát huy giá trị văn hóa dân gian, đầu tư phát triển nguồn nhân lực, chú trọng các giải pháp nghiên cứu, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, nhất là dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh... cũng được hoạch định cụ thể, phù hợp với thực tiễn.

Thạch Hà hôm nay, đường về xuôi nối đường lên ngược, các vùng kinh tế - văn hóa khác nhau được kết nối tiện lợi. Mạng lưới giao thông như con tàu hối hả, thức dậy bao tiềm năng ẩn giấu trong lòng đất, trong khát vọng đổi mới của mỗi vùng quê. 2015 - năm diễn ra đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, cũng là năm danh xưng Thạch Hà tròn 1010 năm xuất hiện trong chính sử, tin rằng, Thạch Hà sẽ hội tụ đủ sức mạnh nhân tâm, thổi bùng huyền thoại rồng ẩn mình trong lòng sông có đá để vươn xa hơn, mạnh mẽ hơn trước bể cả hội nhập.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast