Tháng Giêng chơi nhiều sẽ thêm trì trệ

Quan niệm “tháng Giêng là tháng ăn chơi” không còn phù hợp trong xã hội công nghiệp.

Đi lễ chùa đầu năm đã ăn sâu vào tiềm thức và là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Đối với từng cá nhân, việc đi lễ chùa giúp cho người ta thư giãn hơn sau một năm vất vả với công việc, tạo cho người ta niềm tin vào tương lai để tiếp tục phấn đấu. Tuy nhiên, việc tập trung quá nhiều thời gian, công sức cho việc đi lễ chùa, cầu may đầu năm của một bộ phận công chức khiến cho công việc bị đình trệ đang gây ra một tâm lý bức xúc trong dư luận xã hội, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn.

Đi lễ chùa đầu năm đã ăn sâu vào tiềm thức của toàn xã hội (Ảnh: Kim Anh)
Đi lễ chùa đầu năm đã ăn sâu vào tiềm thức của toàn xã hội (Ảnh: Kim Anh)

Lý giải cho hiện tượng trên, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, người xưa có câu “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” để thấy việc đi lễ chùa đầu năm đã tồn tại từ rất lâu và trở thành thói quen của toàn xã hội. Công chức là một bộ phận của xã hội nên chịu ảnh hưởng bởi thói quen của toàn xã hội cũng là điều tất yếu.

Tuy nhiên, “tháng Giêng ăn chơi” đó nằm trong bối cảnh của xã hội nông nghiệp, thời đó trong tháng Giêng nhà nông có rất ít việc phải làm, có thể ăn chơi được. Còn hiện tại, khi đất nước đang hướng tới một xã hội công nghiệp, mọi người làm việc theo một nguyên tắc khác, tháng Giêng cũng như các tháng khác trong năm, có công việc cụ thể, con người ta vẫn phải làm việc chứ không thể dành tháng đó để chơi như trong xã hội nông nghiệp.

Lễ chùa cầu may đầu năm mới là nhu cầu tất yếu, là một hiện tượng xã hội. Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho rằng, do chúng ta chưa có một nền hành chính công chuyên nghiệp dẫn đến việc nhiều công chức không biết cách ứng xử, sử dụng và phân chia thời gian hợp lý cho công việc và hoạt động cá nhân. Bên cạnh đó, sự bất an của xã hội khiến người ta phải trông chờ nhiều vào tâm linh. Công chức cũng như vậy.

“Tâm lý của người Việt đầu năm đi lễ chùa càng nhiều thì càng có nhiều tài lộc. Có lẽ cũng vì thế mà họ bỏ nhiệm sở đi lễ hội”, ông Sơn chia sẻ. Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng đó là tâm lý mang tính lây lan trong xã hội. Sau một thời gian dài người ta không quan tâm nhiều đến vấn đề tâm linh giờ có phản ứng ngược nhưng lại chưa có hiểu biết nhiều về tâm linh. Hy vọng rằng, giống như hiệu ứng con lắc, khi nó lên tới phía không coi trọng tâm linh, và bây giờ lắc về phía quá nhấn mạnh đến tâm linh sau đó sẽ đạt được độ hài hòa. “Tôi tin rằng văn hóa có quy luật, luôn hướng tới cái tốt, cái đẹp”, ông Sơn nói.

Vấn đề đáng bàn ở đây là làm sao để không còn tình trạng lạm dụng thời gian giờ giấc làm việc của Nhà nước để đi lễ chùa. Theo TS XHH Đỗ Thị Vân Anh, Phó Chủ nhiệm Khoa Công tác xã hội, trường Đại học Công đoàn Hà Nội, điều đó phụ thuộc phần lớn vào trách nhiệm của người quản lý, người đứng đầu cơ quan. Người quản lý phải đưa ra những quy định cụ thể đồng thời giám sát chặt chẽ việc tuân thủ thời gian làm việc của các nhân viên của mình.

Bà Vân Anh cho rằng, sở dĩ vẫn còn hiện tượng một bộ phận công chức rời nhiệm sở trong thời gian làm việc để đi lễ chùa là do chính lãnh đạo của họ cũng chưa sẵn sàng với tâm thế chỉ đạo công việc đầu xuân nên mặc nhiên để anh em thư giãn chơi xuân. Điều đó cũng có nghĩa là tâm lý của người đứng đầu cơ quan chưa sẵn sàng cho công việc, vẫn giữ suy nghĩ để anh em du xuân thoải mái rồi mới quay lại với công việc để sau đó họ có thể làm việc tốt hơn. Tuy nhiên họ không hiểu rằng theo nhịp sinh học, nghỉ ngơi càng lâu tâm lý sẽ càng uể oải, càng quen với ăn chơi và ngại làm việc.

Còn theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, việc đi lễ chùa tồn tại có lý do chính của nó. Cốt lõi của câu chuyện này chính là thói quen của quần chúng. Để thay đổi được thói quen của xã hội, về logic phải thay đổi nhận thức của xã hội./.

Thanh Hà

Nguồn: VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast