Thành nhà Hồ - “vô tiền khoáng hậu” trong khu vực

“Kỹ thuật xây dựng các bức tường thành bằng đá lớn, kỳ vĩ nhất, đặc sắc nhất chỉ có Thành nhà Hồ. Nó được xem như một hiện tượng đột khởi “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử xây dựng kiến trúc thành quách Việt Nam và khu vực” - đó là đánh giá của Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ về di sản vừa được UNSECSO chính thức công nhận là Di sản Văn hóa thế giới này.

Thành nhà Hồ trở thành Di sản Văn hóa thế giới:

Theo thông tin từ Ủy ban UNESCO Việt Nam, vào 13 giờ địa phương (tức 18h Việt Nam) ngày 28/6, tại Paris, Pháp, Thành nhà Hồ của Việt Nam đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới.

Suýt phải hoãn lại... 3 năm

Hồ sơ xin “ứng thí” của Thành nhà Hồ đã được Cục Di sản văn hóa, Viện Khảo cổ học VN, Sở VH,TT&DL Thanh Hóa hoàn thiện và đệ trình lên UNESCO từ 22/9/2009. Tuy nhiên, theo thông tin từ Ủy ban UNESCO Việt Nam, hành trình để cụm di tích này được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới không hề suôn sẻ. Thậm chí, trước khi được đưa ra xem xét tại kỳ họp thường niên thứ 35 của Ủy ban Di sản Thế giới (đang diễn ra tại Paris), hồ sơ đề cử của Việt Nam đã bị ICOMOS (tổ chức chuyên môn độc lập xem xét các hồ sơ ứng cử di sản văn hóa của UNESCO) đề nghị hoãn việc xem xét công nhận trong vòng... 3 năm tới.

Cổng Thành nhà Hồ. Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng
Cổng Thành nhà Hồ. Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng

Việc bị ICOMOS đề nghị hoãn xét danh hiệu đã từng diễn ra với trường hợp của hồ sơ về Hoàng thành Thăng Long trong năm 2010 - ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam cho biết. Theo lời ông Thắng, ngoài những lý do chủ quan, việc Việt Nam vừa có một cụm di tích “thành cổ” là Hoàng thành Thăng Long được công nhận ngay trong năm vừa qua cũng dẫn tới những khó khăn nhất định từ phía UNESCO để tiếp tục công nhận cho chúng ta cụm di tích “thành cổ” thứ 2 này.

Được biết, để giành được kết quả đáng mừng trên, phía đoàn đại biểu và Ủy ban UNESCO Việt Nam đã mất khá nhiều thời gian để thảo luận. Việc Thành nhà Hồ được UNESCO vinh danh chủ yếu dựa vào các tiêu chí số 2 và 6 trong số những tiêu chí mang tính quy chuẩn của UNESCO .

Di sản văn hoá thế giới Thành nhà Hồ bao gồm vùng đề cử 155,5ha nằm trong một vùng đệm (5078,5ha), bao gồm toàn bộ tòa thành đá, la thành, hào thành, các di tích khảo cổ dưới lòng đất, các làng cổ, các di tích chùa đền, hang động liên quan đến Thành nhà Hồ, toàn bộ cảnh quan núi non, sông nước liên quan đến địa hình phong thủy thể hiện sự giao lưu văn hóa về nét đặc sắc của tòa thành được bảo tồn toàn vẹn.

Cụ thể, ở tiêu chí số 2 (chiều dài lịch sử văn hóa), hồ sơ về Thành nhà Hồ đã phân tích các phương diện thiết kế cảnh quan đô thị, kiến trúc thành đá, kỹ thuật xây dựng đá lớn... cũng như những ảnh hưởng nhiều chiều từ Thành nhà Hồ tới kỹ thuật xây dựng thành quách sau đó tại Đông Á và Đông Nam Á. Từ đó, các lập luận của phía Việt Nam khẳng định: Cụm di tích này cho thấy những giao thoa trao đổi quan trọng về các giá trị văn hóa kiến trúc giữa Việt Nam và khu vực trong giai đoạn cuối thế kỷ 14 - đầu thế kỷ 15 (giai đoạn Việt Nam đang có sự tiếp thu các tư tưởng tích cực từ Nho Giáo của Trung Quốc và kết hợp với việc vận dụng sáng tạo các giá trị văn hóa bản địa).

Tương tự, ở tiêu chí số 6 (tính liên tục của tài sản trong tư cách là một trung tâm quyền lực), hồ sơ cũng đã chứng minh rằng khu di sản bằng đá này vừa là một kiểu kiến trúc hoàng thành biểu tượng cho quyền lực của hoàng gia (ở đây là triều đại nhà Hồ) vừa là một pháo đài quân sự bề thế, chắc chắn mang tính đột khởi trong lịch sử xây dựng Việt Nam.

Thành nhà Hồ - hiện tượng đột khởi “vô tiền khoáng hậu”

Đó là đánh giá của ông Nguyễn Xuân Toán (Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ). Được xây dựng từ năm 1397, Thành nhà Hồ (thuộc 2 xã Vĩnh Long, Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá) là tòa thành duy nhất của Việt Nam được xây bằng đá. Đóng vai trò là kinh đô của nước Đại Việt trong 3 năm cuối của đời Trần, Thành nhà Hồ còn có tên gọi khác là Tây Đô (để phân biệt với Thăng Long - Đông Đô) và sau đó là kinh đô của nước Đại Ngu (1400-1407).

Hai con rồng đá trong Thành nhà Hồ. Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng
Hai con rồng đá trong Thành nhà Hồ. Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng

Thành gồm 4 cổng, lớn nhất là cổng chính phía Nam gồm 3 mái vòm lớn với chiều cao 10m, rộng 38m, được ghép bằng những phiến đá xanh. Theo cổ sử, trong thành từng có nhiều công trình kiến trúc cũ như điện Hoàng Nguyên, cung Phù Cực, cung Diên Thọ... Tuy nhiên, hiện tại cụm di tích này chỉ còn tường thành, các cổng và một phần la thành bằng đất bao phía ngoài.

Nói về giá trị của di sản này, ông Nguyễn Xuân Toán cho rằng: “Khu di sản cũng là ví dụ nổi bật về một loại công trình kiến trúc được xây dựng bằng đá lớn vừa là một kiểu kiến trúc hoàng thành biểu tượng cho quyền lực hoàng gia tiêu biểu dưới tác động của giao thoa các giá trị nhân văn ở phương Đông, vừa là một pháo đài quân sự bề thế, chắc chắn, uy nghiêm. Kỹ thuật xây dựng đá lớn độc đáo, duy nhất của Việt Nam được thấy ở đây đã được kết hợp một cách sáng tạo, tài tình với truyền thống kỹ thuật và nghệ thuật xây dựng ở Việt Nam, Đông Á và Đông Nam Á với một hệ thống thao tác kỹ thuật thủ công liên hoàn như khai thác đá, gia công đá, vận chuyển các khối đá nặng từ 10 tấn đến 26 tấn, xử lý móng nền đá, nâng các khối đá lớn lên độ cao trên 10m vừa đảm bảo được công năng kiến trúc vừa đáp ứng yêu cầu mỹ thuật cần thiết của một đô thành”.

Tường thành được xây dựng bằng những phiến đá đồ sộ. Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng
Tường thành được xây dựng bằng những phiến đá đồ sộ. Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng

Ông Toán nhấn mạnh: “Kỹ thuật xây dựng thành công các bức tường thành bằng đá lớn đã phát huy ảnh hưởng của nó tới kỹ thuật xây dựng nhiều tòa thành sau đó ở khu vực, nhưng kỳ vĩ nhất, đặc sắc nhất chỉ có Thành nhà Hồ vốn được xem như một hiện tượng đột khởi “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử xây dựng kiến trúc thành quách Việt Nam và khu vực”.

Theo thethaovanhoa.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast