Thể thao Việt Nam, bao giờ có thể tự nuôi mình?

Nhiều năm chỉ quan tâm đến thành tích, thể thao Việt Nam lơ là việc xây dựng “nền tảng kinh tế” - một trong những “điều kiện tiên quyết” của thể thao chuyên nghiệp.

Hoàng Anh Gia Lai là thương hiệu đầu tiên tham gia vào việc đầu tư cho bóng đá ở Việt Nam. (Ảnh: Bongda.com.vn)
Hoàng Anh Gia Lai là thương hiệu đầu tiên tham gia vào việc đầu tư cho bóng đá ở Việt Nam. (Ảnh: Bongda.com.vn)

Giờ đây, cùng với xu hướng xã hội hóa thể thao, tìm kiếm nguồn thu cho thể thao đã trở thành vấn đề cấp thiết. Vẫn biết, tài trợ, bản quyền truyền hình, bán vé... là những nguồn thu chính cho thể thao, nhưng làm thế nào để khơi nguồn "tài lực” này lại là bài toán không dễ giải.

"Phát cỏ tìm đường đi"

Không thể mãi chỉ biết tới thành tích, đã đến lúc thể thao Việt Nam phải đối diện với những vấn đề “cơm, áo, gạo, tiền” đầy khắc nghiệt. Không có tiền, sẽ không thể có thành tích cao và ổn định... Thừa nhận điều này, và các nhà làm thể thao Việt Nam “đành phải” nhanh chóng vào cuộc.

Mùa giải trước trong hoàn cảnh “nhà nghèo”, Sông Lam Nghệ An buộc lòng phải bán Công Vinh cho T&T Hà Nội với cái giá 7 tỉ đồng, dù biết rằng mất Công Vinh có nghĩa là mất một trụ cột của đội bóng.Và bản thân số tiền gần chục tỉ đồng đó còn lớn hơn nhiều ngân sách mà tỉnh Nghệ An chu cấp cho cả đội một năm! Vậy nên, không còn đường nào khác, khi không có tiền, không thể “nói mạnh”, nói gì tới việc giữ một ngôi sao sáng như Công Vinh.

Với Sông Lam Nghệ An, sự hy sinh đó là giải pháp hợp lý và nó cũng minh chứng một điều: Không thể đùa với tài trợ được!

Trung tuần tháng 8, Ban tổ chức Asian Indoor Games 3 đã trao bằng chứng nhận đơn vị tư vấn, độc quyền vận động tài trợ cho Công ty cổ phần thế giới thể thao (SWC). Theo đó, SWC sẽ vận động số tiền tài trợ trị giá 22 tỉ đồng (khoảng 1,2 triệu USD). Dù chỉ đáp ứng được 1/3 số tiền cần có nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn thì số tiền đó có ý nghĩa quan trọng đến sự thành bại của AIG3.

Việc đặt niềm tin cho một đơn vị chuyên trách vận động tài trợ đã cho thấy những cán bộ làm thể thao Việt Nam đang dần thấy ý nghĩa quyết định của các nguồn tài trợ đối với các đại hội thể thao.

Ngay sau đó, SWC đã tìm được nhà tài trợ kim cương cho AIG 3 là Công ty Tân Hiệp Phát với hợp đồng trị giá 9,9 tỉ đồng và Tân Hiệp Phát sẽ là thương hiệu nước uống duy nhất tại đại hội. Có được những sự tài trợ này, AIG3 đã có thể “thanh thản” để vào cuộc!

Chưa có thống kê “đại cuộc”, nhưng chỉ trong giai đoạn lượt đi của mùa giải 2009, số tiền VFF thu về cũng đã tạm coi là đạt kỷ lục với gần 1,5 tỉ đồng. Đây là một cột mốc mới trong việc kinh doanh V-League của VFF. Theo ước tính, số tiền bản quyền truyền hình cho lượt về còn cao hơn. Nguồn thu từ VTV lên đến 485 triệu đồng/13 trận. Còn từ VTC là 350 triệu đồng/14 trận và 300 triệu đồng từ việc đàm phán với kênh thể thao VCTV3.V-League bán được bản quyền truyền hình là một tín hiệu tích cực trên con đường chuyên nghiệp hóa bóng đá Việt Nam. Theo quy định, 50% tiền bản quyền truyền hình được chia cho các câu lạc bộ, trong đó, đội chủ nhà của trận đấu được truyền trực tiếp hưởng 35%, còn đội khách hưởng 15%.

Dù số tiền đó cũng chưa thấm vào đâu so với việc các câu lạc bộ phải nuôi những danh thủ với mức lương cao ngất nhưng cũng là một tín hiệu khả quan trong việc tạo một môi trường để bóng đá thực sự chuyên nghiệp!

Lợi nhuận vô hình

Nhìn ra thế giới, có những “kinh nghiệm” thu lợi nhuận thể thao mà có lẽ các nhà làm thể thao Việt Nam có thể học hỏi. Real dù không vô địch nhưng lợi nhuận cũng không giảm và vẫn là câu lạc bộ có doanh thu cao nhất thế giới với 365,8 triệu euro, Manchester United về thứ 2 với 324,8 triệu euro.

Không chỉ có nguồn thu từ tiền bán vé, tài trợ, bản quyền truyền hình... những câu lạc bộ lớn còn hàng trăm cửa hàng bán đồ thể thao trên khắp thế giới, các hoạt động giải trí trong và ngoài sân cỏ với các ngôi sao của mình.

Có vô vàn cách đầu tư đã nuôi sống và làm giàu cho các câu lạc bộ theo những cách riêng. Sẽ quá khập khiễng để so sánh nhưng đó cũng là điều mà các doanh nghiệp bóng đá trong nước nên suy ngẫm.

Hiện các đội bóng đá được xã hội hóa dù đã có nguồn thu khá lớn nhưng vẫn sống dựa vào nguồn tiền từ hoạt động kinh doanh khác. Thể thao nói chung và bóng đá nói riêng vẫn chỉ mang ý nghĩa là một công cụ quảng cáo của các doanh nghiệp.

Ông Đoàn Nguyên Đức, người tiên phong trong việc đầu tư vào bóng đá để kiếm tiền cũng phải thừa nhận: Trong những năm qua và cả hiện nay, đừng có mơ là kiếm tiền một cách cụ thể từ bóng đá khi mà tiêu cực, yếu kém còn tồn tại khiến khán đài trống vắng; khi mà chưa thu được tiền bản quyền truyền hình... Không nói thì ai cũng hiểu cái lãi của bóng đá hiện nay là vô hình.

Cụ thể, trước khi nhảy vào bóng đá, thương hiệu Hoàng Anh Gia Lai mấy ai biết. Nhưng hiện nay doanh thu của Hoàng Anh Gia Lai đã tăng rất nhiều nhờ quảng bá thương hiệu qua bóng đá. Vì vậy, một năm, việc bầu Đức chi cho bóng đá chục tỉ đồng được xem là sự thay thế chi phí quảng cáo.

Tương tự, vụ chơi “ngông” sẵn sàng chi 30 tỉ đồng để mua Như Thành, Việt Thắng và một hai ngoại binh khác, “bầu” Trường của Ninh Bình cũng nhằm quảng bá cho thương hiệu Vissai.Tại hội thảo Phát triển ngành thể thao diễn ra ở Đại học Thể dục Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh ngày 8/9 vừa qua, Phó Gíam đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang Phạm Thế Triều đã công bố việc chuẩn bị áp dụng chế độ đãi ngộ mới cho các vận động viên của tỉnh này.

Đó chính là việc tính điểm tích lũy thành tích của vận động viên đạt được ở các giải trong nước và quốc tế. Với cách tính này, khi giải nghệ, tùy điểm số tích lũy các vận động viên sẽ nhận được 100, 200 đến 300 triệu đồng/người. Ngoài việc kích thích nỗ lực tập luyện, chế độ này sẽ giữ chân các vận động viên An Giang.

Khi còn ở Thái Nguyên, “Nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương chỉ được hưởng mức lương 900.000 đồng/tháng. Về An Giang mức lương của Hương vào khoảng 12 - 15 triệu đồng/tháng. Với những chế độ đãi ngộ như vậy thì chẳng có gì khó hiểu khi An Giang qua mặt cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong việc giành lấy những vận động viên xuất sắc.

Vũ Thị Hương từng tâm sự: "Nói rằng tôi chê tiền lương thấp và mong muốn ra đi thì không phải. Nhưng thể thao nói chung đang đi theo con đường chuyên nghiệp và tôi cũng sẽ đi theo hướng đó"..

Nguồn: TTXVN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast