Thiêng liêng dòng máu Lạc Hồng

Nguồn cội, đó là hai tiếng thiêng liêng và thẳm sâu trong trái tim của 86 triệu người dân nước Việt hôm nay - những hậu duệ hàng nghìn năm sau của Vua Hùng. Từ thuở Lạc Long Quân và Âu Cơ để ra 100 người con trong một bọc trăm trứng, sau bao nhiêu chuyến lên rừng xuống bể, khai sơn phá thạch, lấn biến khai hoang, đến nay đồng bào ta từ Móng Cái đến Cà Mau, từ Trường Sơn đến Trường Sa dù làm ăn ở đâu, sinh sống nơi nào vẫn một lòng hướng về tiên tổ.

Dòng máu Lạc Hồng vẫn chảy suốt 4.000 năm, khi âm ỉ khi mãnh liệt nhưng luôn thôi thúc những thế hệ cháu con cống hiến sức lực, trí tuệ, máu xương để gìn giữ dải đất của quê hưong, gìn giữ nền văn hiến của dân tộc.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà dù sống nơi đất khách quê người, xa quê hương bản quán, nhiều người Việt đã tìm đến với nhau để được hưởng một chút không khí ngày xuân quê nhà của qua nồi bánh chưng, nhành hoa đào bằng giấy, nồi xôi gạo nếp, con giò… và để nói cho nhau nghe bằng tiếng mẹ đẻ thật thoả thích. Xa quê biền biệt để mưu sinh, hễ nhìn thấy nhau, qua vài câu chào hỏi, biết là người Việt mình, họ bông thành thân thiết như con một nhà.

"Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước"
"Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước"

Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng người Trường Lưu, Can Lộc (Hà Tĩnh) trong chuyến du lịch một vòng quanh các nước châu Âu mới đây đã kể lại những chi tiết thật cảm động về người tình người “chung một bọc” ở các nước Pháp, Bỉ, Đức. Nhiều người chưa biết mặt anh song nghe tin anh sắp sang, họ đã liên lạc và đón anh như người thân trở về với ước mong được cùng nhau nói tiếng Việt, ăn vài món ăn mang đậm hương vị quê nhà.

Dì ruột tôi sống ở Tây Đức gần 20 năm. Mặc dầu có chồng con bên cạnh song nỗi nhớ quê hương, người thân đã khiến dì nhiều lúc gầy mòn héo hon. “Không đâu bằng quê nhà, giá lúc này mà được ăn một miếng cà xứ Nghệ hay ngọn rau lang chấm nước cáy thì tuyệt vời làm sao, hơn cả mọi cao lương mỹ vị trên đời!”, có lần qua điện thoại dì đã ao ước như vậy.

Khi còn trẻ thì ai cũng hăng hái ra đi, hoà nhập vào thế giới để được học tập và làm giàu, càng về già người ta lại càng hoài nhớ cố hương mãnh liệt. Những người không thể trở về đành gửi chút quà cho người thân và đóng góp giúp đỡ quê hương lúc hoạn nạn để lòng luôn được nhẹ nhàng thanh thản.

Múa rồng trong ngày hội non sông
Múa rồng trong ngày hội non sông

“Chim có tổ, người có tông”. Gần đây, làn sóng người Việt khắp các nước tìm về quê hương lúc Tết đến Xuân về và vào dịp giỗ Tổ ngày càng đông đảo. Đặc biệt là trong đợt lũ lụt ở Miền Trung năm 2010, nhiều ban liên lạc người Việt ở Ba Lan, Nga, các nước thuộc Liên Xô cũ, Slovakia, Italia, Đức... đã không quản ngại đường sá xa xôi mang chút tiền của bà con Việt Kiều về san sẻ bớt đau thương cho bà con mình.

Quê hương dù còn nghèo, còn lạc hậu nhưng tình thương nước, thương quê, thương đồng bào luôn luôn đầy ắp trong trái tim của những người dân Việt Nam trên thế giới. Và khi “máu chảy thì ruột mềm”. Tiếng gọi của những người cùng chung một bọc lan toả đi khắp hành tinh, trở thành niềm thao thức, thành hành động chung tay góp sức chia ngọt sẻ bùi.

Văn hóa Việt tưởng như mai một khi những người con đi ra, hòa nhập vào cộng đồng các dân tộc trên thế giới. Nhưng không, qua thời gian, tiếng nói, tập quán, sinh hoạt văn hóa tinh thần và văn hóa ứng xử hàng ngày của người Việt vẫn được họ âm thầm gìn giữ, cùng với việc tiếp thu những nét văn minh của nhân loại để nâng bậc thang giá trị người Việt Nam lên một tầm cao mới.

Ai đó làm hổ thẹn dòng giống Tiên Rồng, bỏ quên nguồn cội cha ông, quay lưng với lịch sử dân tộc sẽ bị cộng đồng người Việt ở nước đó lên án, coi như kẻ vong bản. Qua bao nhiêu lớp song thời gian, người Việt trên thế giới đã ấp ủ dòng máu thiêng liêng Việt Nam, truyền huyết mạch ấy sang thế hệ cháu con, để rồi “đi xa lại nhớ về, khổ đau càng nhớ về…”

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast