Thư hiếm tiết lộ giai đoạn cuối đời của thiên tài Bach

Một bức thư mới được tìm thấy cho biết trong những năm cuối đời, nhà soạn nhạc Johann Sebastian Bach (1685-1750) đã cực kỳ sao lãng công việc. Phát hiện này khiến các học giả đang tự hỏi, Bach như vậy là do bị đào thải hay đây là quyết định của chính ông?

Ngay trước Giáng sinh năm nay, tại trung tâm tư liệu thành phố ở Dobeln, Đức, nhà nghiên cứu âm nhạc Michael Maul đã tìm thấy một bức thư thỉnh cầu được viết vào năm 1751, khoảng 1 năm sau khi Bach qua đời.

Manh mối từ một bức thư

Người viết bức thư này là Gottfried Benjamin Fleckeisen, cựu thành viên của dàn đồng ca nam trong nhà thờ Saint Thomas ở thành phố Leipzig. Ông từng là học trò của Bach. Trong thư, Fleckeisen xin được đảm nhiệm vai trò người điều khiển ca đoàn trong nhà thờ ở thành phố Dobeln quê hương ông, thuộc bang Sachsen.

Fleckeisen khoe rằng, ông “đã dẫn dắt, chỉ huy” nhiều màn diễn tại các nhà thờ Saint Thomas, Saint Nikolai tại Leipzig trong suốt 2 năm và thấy "vinh dự khi hoàn thành vai trò đó”. Theo tiểu sử của Fleckeisen, 2 năm đó là 1744 và 1746, giai đoạn Bach vẫn phụ trách âm nhạc của các nhà thờ trong Leipzig.

Những gì Fleckeisen viết trong thư thực sự khiến các nhà nghiên cứu kinh ngạc, bởi từ trước họ vẫn cho rằng Bach làm việc rất nghiêm túc và Fleckeisen sẽ không thể thay thế ông như vậy.

“Các nhạc phẩm của Bach vẫn được ưa chuộng trên khắp toàn cầu, tuy nhiên chúng ta chưa thực sự biết được rõ về con người ông. Không ai có thể tưởng tượng được rằng nhà chức trách thành phố Leipzig lại có thể thay thế người vào vị trí của Bach trong một thời gian dài như vậy. Chúng ta không biết được rõ đó là quyết định của Bach hay của hội đồng thành phố?” – Maul nói trong cuộc phỏng vấn của tờ DW.

Bị đào thải?

Maul đang điều hành một dự án tại Trung tâm tư liệu Bach, qua đó họ sẽ điều tra một cách có hệ thống cuộc đời các học trò của Bach. Với cuộc nghiên cứu này, nhiều khả năng họ sẽ tìm được những thông tin mới về Bach.

Từ năm 1723 cho đến khi qua đời vào năm 1750, Bach phụ trách âm nhạc nhà thờ ở Leipzig. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy rằng ông dần dần mất hứng thú với công việc. Bach chỉ là lựa chọn thứ 3 khi ông được giao vai trò vai trò người điều khiển ca đoàn trong nhà thờ Saint Thomas.

Hơn nữa, trong các cuộc họp của hội đồng thành phố, người ta chỉ trích nhiều về Bach, cho rằng ông là người “không siêng năng” và “không thể sửa được”. Về phần mình, Bach cho rằng, hội đồng thành phố đưa ra những chính sách văn hóa không đúng hướng.

Người ta vẫn biết, có thời điểm Bach bị mất quyền tuyển giọng ca cho dàn đồng ca nam của nhà thờ Saint Thomas. Thậm chí năm 1749, hội đồng thành phố còn tiến hành cuộc tuyển chọn nhạc sĩ kế nhiệm Bach ngay trước mặt ông. Đây là một việc làm lăng mạ Bach, bởi vai trò người điều khiển ca đoàn trong nhà thờ Saint Thomas là công việc suốt đời.

Hay tự rút lui

Wolfram Gortz, bác sĩ đồng thời là một học giả âm nhạc, nhận xét: “Thật khó xác định được rằng Bach đã bị loại khỏi vị trí của mình. Nếu giải thích ông chán nản với công việc thì trong thập kỷ cuối đời, ông không thể sáng tác được như vậy”.

Nghiên cứu các nhạc phẩm của Bach, như Art of Fugue hay Mass in B Minor, Gortz cho rằng Bach thiếu tự tin, cảm thấy mình thấp kém hay thậm chí mất hẳn mục đích sống. “Bach thích làm việc nhanh và hiệu quả. Ông yêu phụ nữ, theo cách của mình, và yêu âm nhạc” – Gortz kết luận và giải thích tại sao Bach lại rút lui khỏi công việc - “Chúng ta đừng quên rằng thị lực của Bach rất kém và có lẽ ông không thể thực hiện được những công việc hằng ngày nhất định do những vấn đề liên quan đến mắt”.

Peer Abilgaard, bác sĩ thuộc bệnh viện Helios ở Duisburg đồng thời là giáo sư về sức khỏe của giới nhạc sĩ tại Đại học Âm nhạc Cologne, đã đồng tình với cách giải thích của đồng nghiệp Gortz và mở rộng vấn đề: “Trong đời mình Bach đã phải chịu nhiều nỗi đau mất người thân. Năm lên 9 tuổi, Bach đã mất cả cha, mẹ. 12 tuổi, anh trai của ông, người mà Bach gần gũi nhất, cũng qua đời. Bach thậm chí không có cơ hội từ biệt người vợ đầu mà ông rất yêu. Bà qua đời khi ông đang đi công tác. Bach có 20 đứa con, nhưng ông phải chôn cất tới 10 đứa. Tôi không hiểu Bach làm thế nào để có thể tạo nên một di sản âm nhạc đồ sộ, khi phải chịu nhiều nỗi đau như thế” – Abilgaard nói.

Hiện người ta không tìm được bất cứ nhạc phẩm nào soạn cho các nghi lễ nhà thờ được Bach sáng tác trong 10 năm cuối đời. Các nhà nghiên cứu cho rằng, chúng đã bị mất hoặc có thể bị những người thừa kế của ông bán đi. Tuy nhiên, nhà âm nhạc học Maul lại nghĩ khác: “Có thể trong 10 năm cuối đời, Bach đã không hề soạn bất cứ nhạc phẩm nào cho các nghi lễ nhà thờ”.

VIỆT LÂM (theo DW)

Nguồn: Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast