Thư tay

Giờ tôi vẫn lưu giữ những lá thư tay nhận được của bạn bè. Thỉnh thoảng mở ra đọc, thấy gặp lại tuổi đôi mươi phơi phới của mình mà bùi ngùi. Thời gian trôi quá nhanh!

Thư tay, viết được bao điều muốn nói, được trải lòng với người mình yêu thương. Thư tay từng là phương tiện kết nối tình yêu mực tím một thời. Có cậu học trò viết thư bí mật để trong ngăn bàn cho cô bạn mình yêu quý học cùng phòng. Lại có chàng trai trước ngày nhập ngũ, mới dám tỏ tình với bạn gái mình thầm yêu trộm nhớ qua lá thư tay. Có anh chàng lại giả vờ mượn vở bạn gái rồi hôm sau trả lại, kèm theo bức thư tình. Những thổn thức đầu đời ấy của tuổi học trò trong sáng, mộng mơ là hành trang vào đời của bao thế hệ.


Người ta gọi là cánh thư, bức thư, lá thư để thể hiện tình cảm trân trọng đối với thư tay. Những lá thư gửi từ chiến trường về, bao giờ cũng khiến người thân vỡ òa hạnh phúc bởi biết rằng con em mình vẫn đang đạp bằng gian nguy, chiến đấu anh dũng nơi chiến trường. Thư viết thật hồn nhiên kể chuyện chiến trường đầy gian khổ mà vẫn phơi phới yêu đời. Có anh lính thổn thức viết trong thư thèm bát canh cua đồng mẹ nấu, miếng cơm nắm mẹ đưa ngày tiễn lên đường, về nỗi nhớ quê qua cánh diều tuổi thơ mộng mơ và cả những lằn roi bố đánh khi nghịch như quỷ sứ... Có lá thư gửi nửa năm mới về đến hậu phương. Thư về thì người chiến sỹ đã mãi mãi ra đi. Bao nước mắt tuôn rơi Lá thư ấy đã trở thành kỷ vật cuối cùng để người thân ngắm nghía cho nguôi ngoai nỗi tiếc thương với con em mình.

Những cánh thư dạt dào yêu thương, lòng tự hào của người mẹ, người vợ, người yêu ở hậu phương là sức mạnh vô biên để người chiến sỹ chân cứng đá mềm, vượt mọi hiểm nguy, chiến thắng kẻ thù. Thăm thành cổ Quảng Trị, không ai cầm được nước mắt khi đọc những lá thư đã hoen ố qua thời gian của người con viết trước ngày hy sinh anh dũng, chưa kịp gửi về cho mẹ, cho gia đình. Lại có người lính đã viết hàng nghìn bức thư cho người yêu ở phương xa. Tình yêu chắp cánh từ những bức thư mỏng manh ấy để họ nên vợ nên chồng. Bây giờ, Trường Sa được phủ sóng điện thoại, mạng 3G, nhưng nhiều người lính vẫn có thói quen viết thư tay cho người thân và bạn gái. Nét chữ chân phương trong thư làm vơi bớt nỗi nhớ nhung. Thư tay mỏng manh mà nặng nghĩa, sâu tình!

Ý nghĩa biết bao khi nhiều trường học đã phát động phong trào " Thư gửi chú bộ đội, Hoàng Sa, Trường Sa". Nhìn những nét chữ non nớt mà chứa chan lòng yêu quý, kính trọng, tự hào của các em với người lính, với biển đảo quê hương mà cảm động rơi nước mắt. Có em ước mơ sẽ nối tiếp cha anh để chắc tay súng bảo vệ biển đảo Tổ quốc thân thương. Nhiều thư, các em viết chữ rất đẹp, nhưng có thư chữ viết còn xấu, nhưng tất cả đều ấm áp, dạt dào tình cảm, lòng biết ơn, tin tưởng với những người lính.

Có lá thư của cô con gái chứa chan yêu thương đã cứu vãn cuộc ly hôn của mẹ cha. Nhìn nét chữ nguệch ngoạc, giọng văn non nớt nhưng da diết của con mà họ nguôi quên hận thù để giữ lại một mái ấm thiêng liêng.

Thời đại Hi- tech, nhiều người bảo: Nhắn tin hay thư qua Email cũng tha hồ trải lòng, sao phải thư tay, nhiêu khê. Họ đã lầm. Hiện nay, nhiều công ty yêu cầu người viết thư tay xin việc để qua đó sơ bộ biết về "nét chữ, nết người" và nhiều kỹ năng của họ. Ở Mỹ hiện đại là thế mà các công ty cũng chi 3,1 tỷ đô la Mỹ hàng năm để nâng cao kỹ năng viết tay cho công nhân viên...

Mới thấy, thư tay vẫn rất quan trọng đối với cuộc sống. Thư tay còn là nét văn hóa rất đẹp của người Việt. Đó không chỉ là cầu nối yêu thương hữu hiệu mà còn thể hiện hoa tay viết chữ của nhiều người. Thật buồn nếu khi mai này, những lá thư tay chỉ còn trong hoài niệm!

Theo Báo Tin tức

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast