Thúc đẩy công nhận hội Gióng là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

Ngày 20-4, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc tế “Bảo tồn và phát huy lễ hội cổ truyền trong đời sống xã hội đương đại, trường hợp hội Gióng”.

Sự kiện có ý nghĩa với công tác quản lý lễ hội cổ truyền này thu hút sự tham gia của hơn 70 nhà khoa học, nghiên cứu văn hóa, trong đó có 24 tham luận của các nhà nghiên cứu quốc tế.

Các tham luận đã tập trung đề cập tới việc bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống, kinh nghiệm của các nước trên thế giới, kết hợp lễ hội cổ truyền và phát triển du lịch bền vững...

Nhiều ý kiến khẳng định đây là lễ hội độc nhất vô nhị của người Việt ở châu thổ Bắc bộ… Từ những hương lễ, hội Gióng đã trở thành hội vùng và có tầm cỡ quốc gia. Người dân đã sáng tạo một hệ thống biểu tượng vừa thực vừa ảo, vừa thiêng liêng vừa đời thường để tái hiện chiến công đánh giặc giữ nước, giữ làng của một anh hùng trong truyền thuyết khiến cho hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc ở Hà Nội luôn hấp dẫn và cuốn hút.

Lễ hội Gióng tại đền Sóc, Hà Nội.

Lễ hội Gióng tại đền Sóc, Hà Nội.

Trong tâm thức người Việt, trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Thánh Gióng đã trở thành biểu tượng mang tính đa diện, thể hiện phẩm chất và hành động của người anh hùng chống giặc ngoại xâm, người bảo trợ cho mùa màng, người mang mưa gió thuận hòa đến các làng quê, hiện thân mẫu mực cho sự trung hiếu.

Hội thảo nhằm góp thêm luận cứ khẳng định giá trị hội Gióng - lễ hội tôn vinh một trong 4 vị thánh bất tử của dân tộc, góp thêm tiếng nói khoa học đối với việc UNESCO xem xét việc công nhận đối với hồ sơ hội Gióng là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Nguồn: SGGP Online

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast