Tiếng vọng non sông

Những ngày tháng Bảy này, đi trên mọi nẻo đường đất nước quê hương, ngẩng đầu nhìn bầu trời hòa bình trong xanh, nghe tiếng sóng biển rì rào ca hát, ngắm những đại lộ, cao ốc, những tượng đài kiêu hãnh vươn cao trong nắng, tôi cảm nhận được tiếng nói của cha ông vọng về. Tiếng của lịch sử dân tộc ngàn năm đau thương mà anh dũng, tiếng của những người ông, người cha, người anh, người chú đã ngã xuống để giữ gìn bầu trời, mặt đất, nắng gió và những ngôi nhà bình yên cho con cháu hôm nay...

Nước chúng ta, nước của những người chưa bao giờ khuất

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất

Những buổi ngày xưa vọng nói về

(Nguyễn Đình Thi)

Một đất nước nằm bên bờ biển Thái Bình Dương trải bao thế kỷ binh lửa đạn bom vẫn vươn lên với một sức sống diệu kỳ. Máu xương của cha ông, những gian lao quật khởi của bao thế hệ đã làm nên hồn thiêng sông núi, trở thành tài sản tinh thần quý giá cho thế hệ hôm nay và mai sau. Quên sao được hình ảnh hào hùng của những người lính trong những giờ phút cùng cả nước lên đường, để lại vườn tược ruộng nương cho vợ hiền, chia tay giếng nước gốc đa để ra trận , cắn răng chịu những cơn sốt rét rừng, những cơn đói dai dẳng, hăm hở hành quân xẻ dọc Trường Sơn...

Gương anh dũng hy sinh của 10 liệt nữ TNXP tại Ngã ba Đồng Lộc đã tạc nên tượng đài bất tử trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam
Gương anh dũng hy sinh của 10 liệt nữ TNXP tại Ngã ba Đồng Lộc đã tạc nên tượng đài bất tử trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam

Với quyết tâm tiêu diệt kẻ thù, trả lại bình yên cho đất nước, họ đã anh dũng ngã xuống, không một chút băn khoăn do dự. Quên sao được hình ảnh những anh, những chị thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyền, những người lái xe, những công bình… bất chấp bom đạn ngày đêm bám trụ mặt đường, vận tải hàng hóa ra mặt trận; những chiến sĩ quân y bám sát trận địa cứu chữa thương binh, những anh chị em văn nghệ sĩ, nhà báo…đem sức lực và tài năng của mình phục vụ khắp các chiên trường. Cả nước hành quân, tất cả thành chiến sĩ. Và hàng triệu người đã ngã xuống, đem máu xương của mình dệt nên bức tranh hòa bình hôm nay

Có nơi đâu như trên đất nước này, đi từ Bắc chí Nam, đâu đâu cũng bắt gặp những nghĩa trang, tượng đài liệt sĩ, những di tích chiến tranh?. Lịch sử hôm qua còn đó, khi ta bắt gặp hầm Dờ Cát, Đồi A1, Him Lam…và nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên với tên tuổi của hang nghìn người con khắp mọi miền đất nước, trong đó có những tên tuổi không bao giờ phai mờ như Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Bề Văn Đàn…

Chiến công của cha anh vẫn còn đây, khi ta bắt gặp con đường Trường Sơn huyền thoại với những di tích Truông Bồn ( Nghệ An) Đồng Lộc ( Hà Tĩnh), đường Quyết Thắng và Hang tám Cô ( Quảng Bình) Nghĩa trang Đường 9, địa đọa Vĩnh Mốc, bến sông Thạch Hãn , đặc biệt là nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn với 10 ngàn ngôi mộ, trong đó có hàng ngàn mộ vô danh ở Quảng Trị. Những Cồn Tiên, Dốc Miếu, Củ Chi, Bến Dược… còn mang trong mình những câu chuyện bi tráng của lịch sử, kết tinh nên chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, làm nên hồn cốt của cả một dân tộc, như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã viết:

Và ở đâu trên khắp ruộng đồng bờ bãi

Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha

Ôi đất nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy

Những cuộc đời đã hóa núi sông ta

Có nơi đâu như trên đất nước này, chiến tranh đã lùi xa hơn 35 năm nhưng dưới những mái nhà, sau lũy tre xanh, vẫn còn những bà mẹ mái tóc trắng xóa, khôn mặt hàn sâu những nếp nhăn, ánh mắt đục mờ ra ngồi hiên cửa chờ con trở về?. Những người vợ cả một đời góa bụa héo mòn theo năm tháng khi người chồng vĩnh viễn ra đi, những người con lớn lên với di ảnh người cha treo trên vách cùng những chênh vênh trống trải trong cuộc đời. Và đau xót hơn, chiến tranh đã lùi về sau lưng gần nửa thế kỷ mà còn đó những cuộc đời quản quại vô tri trong những hình hài da cam không phải của con người. Ai có thể nguôi ngoai được nỗi đau này? Ai có thể quên được những di chứng chiến tranh dọc ngang trên cơ thể những người cựu tù, những thương binh đã để lại một phần xương thịt của mình trên chiến trường?

Một dòng sông xanh chảy mãi tới vô cùng
Một dòng sông xanh chảy mãi tới vô cùng

Cuộc sống như một dòng sông, ào ào lao về phía trước. Những thế hệ nối tiếp nhau sinh ra và lớn lên đã góp phần làm nên diện mạo mời của đất nước. Việt Nam đã thoát ra khỏi ngưỡng đói nghèo, đang là nước có thu nhập trung bình thấp. Từ đổ nát hoang tàn sau chiến tranh, 86 triệu người đã chúng sức chung lòng “xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Dọc theo đất nước là những công trình, nhà máy, khu đô thị cao ốc, cầu cống, bến cảng. xa lộ… mỗi ngày lại mọc lên, làm đẹp thêm bức tranh hòa bình. Một cuộc sống sôi động, náo nức không khí dựng xây không xóa đi hình ảnh một đất nước đau thương mà anh dũng, sáng ngời niềm tin và nhân ái.

Bài ca ra trận vẫn còn âm vang mỗi dịp Tháng Bảy. Ngọn nến tri ân vẫn lung linh mỗi mùa tri ân. Những chuyến băng rừng đi tìm đồng đội cũ cùng chung chiến trường, những hoạt động thăm hỏi, chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công, nạn nhân chất độc da cam, quyên góp xây dựng nhà tình nghĩa, xây tượng đài, tháp chuông, chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ, hành hương về nguồn, thắp nến tri ân…của các cơ quan, đơn vị, địa phương, trường học và các nhà bảo tâm trên cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài…đã làm đẹp thêm hình ảnh của một dân tộc nhân ái, nghĩa tình, thủy chung.

Hồn cốt của đất nước, truyền thống của cha ông đang được các thế hệ hôm nay gìn giữ và vun đắp để truyền lại cho cháu con mai sau. Ngày hôm qua luôn hiển hiện trong hôm nay, trở thành tiếng gọi thiêng liêng trong trái tim mỗi con người, để họ biết sống xứng đáng hơn, biết trân trọng cuộc sống bình yên hôm nay, yêu thêm từng góc phố hang cây, lũy tre bến nước, yêu thêm những mảnh đời còn lại sau chiến tranh, xác định trách nhiệm và nghĩa vụ tri ân của mình với cha anh, từng ngày từng giờ đem sức lực, trí tuệ “xây dựng cơ đồ mà tổ tiên ta để lại”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast