Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tri ân nguồn cội!

(Baohatinh.vn) - Từ xa xưa, trong tâm thức của người dân Việt luôn âm vang câu ca: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba” để nhắc nhớ về cội nguồn và đạo lý thủy chung phù hợp tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên lâu đời và bền vững của dân tộc Việt Nam...

Nhân ngày giỗ Quốc Tổ Hùng Vương (10/3)

Sức mạnh tâm linh từ tín ngưỡng Hùng Vương thể hiện niềm tin sâu sắc, vững chắc về thời đại Hùng Vương - thời đại “khai thiên lập địa” của nước nhà, là khẳng định sự bền vững của giang sơn, bờ cõi nước Việt và truyền thống dân tộc. Sức mạnh ấy là sự phát triển tinh thần đoàn kết của cộng đồng dân tộc Việt qua đấu tranh chinh phục thiên nhiên, trải qua các cuộc đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài, bảo vệ vững chắc nền độc lập của nước nhà.

Hành hương về đất Tổ Vua Hùng. Ảnh: internet
Hành hương về đất Tổ Vua Hùng. Ảnh: internet

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thực sự là tín ngưỡng bản địa; tục thờ thuần Việt mà ở đây đối tượng được tôn thờ là Thánh Tổ Hùng Vương - ông Tổ không phải của một dòng họ, một làng, một vùng mà là Tổ của dân, của nước. Ý nghĩa đặc trưng của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là ý thức nhớ về cội nguồn dân tộc “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”; “Uống nước nhớ nguồn”; sự kết nối hình thành nên tính đại diện cộng đồng sâu sắc.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có không gian văn hóa rộng rãi, trải dài khắp cả nước, từ Bắc vào Nam, nơi nào có người Việt sinh sống, nơi đó có thờ cúng Hùng Vương gắn với thờ cúng tổ tiên trong gia đình, dòng họ, làng xã. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có không gian văn hóa rộng lớn, không biên giới; không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài, nơi có cộng đồng người Việt sinh sống. Điều đó đã tạo nên triết lý nhân văn sâu sắc, tạo nên động lực tinh thần của dân tộc Việt Nam.

Khi chúng ta bị phong kiến phương Bắc thống trị, họ muốn mang văn hóa của mình để đồng hóa, nhưng dân tộc Việt Nam với ý thức tự tôn dân tộc nên dù mới sơ khai đã có ý thức phải đứng lên đấu tranh để tự giải phóng, bảo vệ dân tộc. Chính vì vậy, ngay khi kết thúc thời đại Hùng Vương, khi nước ta bị nhà Hán xâm lược thì liên tiếp các cuộc khởi nghĩa diễn ra để giành độc lập như: khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Lý Bí... Đến thời đại chúng ta, với sức mạnh cha ông truyền lại, tiếp tục chiến thắng những kẻ thù hùng mạnh nhất là đế quốc Pháp, Mỹ để bảo vệ nền độc lập dân tộc mà tổ tiên đã xây dựng nên từ thời các Vua Hùng. Sự gắn bó máu thịt của truyền thống “đồng sức, đồng lòng”, “trăm con một bọc” là nền tảng sức mạnh đoàn kết dân tộc.

Từ thời Vua Hùng, người Việt luôn có tinh thần “yêu nước, thương nòi”, “lá lành đùm lá rách”... Đạo lý nhân văn đó ngàn đời được lưu truyền và gìn giữ, phát huy để vượt qua mọi thử thách vô cùng cam go, khốc liệt suốt chiều dài lịch sử. Những năm gần đây, báo chí đưa tin nhiều hoạt động từ thiện không ngoài mục đích tiếp thêm nghị lực, niềm tin cho những số phận kém may mắn vươn lên trong cuộc sống. Ví như chương trình “Lục lạc vàng”, “Ước mơ cho em”, “Dấu ấn tình người”, “Địa chỉ tình thương”... ra đời với mong muốn chia sẻ, giúp đỡ những địa phương, những mảnh đời bất hạnh, khó khăn trong cuộc sống.

Những năm qua, khi gặp thiên tai bão lụt, nhân dân Hà Tĩnh đã nhận được sự giúp đỡ, chia sẻ, đùm bọc yêu thương của nhân dân cả nước và cộng đồng người Việt ở nước ngoài, bạn bè quốc tế để từng bước vượt qua khó khăn. Không chỉ trong cộng đồng người Việt, những ngày qua, Việt Nam đã nỗ lực tham gia tìm kiếm chiếc máy bay mang số hiệu MH 370 của Malaysia bị mất tích, đủ cho thấy đó không chỉ đơn thuần là trách nhiệm mà còn thể hiện tính nhân đạo sâu sắc với người dân các nước đang gặp rủi ro, hoạn nạn. Thời nào cũng vậy, người Việt Nam luôn yêu thương đồng loại, đó là sợi tơ hồng dệt nên hạnh phúc, góp phần làm cho đất nước ngày càng văn minh, giàu mạnh.

Thờ cúng Hùng Vương là biểu hiện tình cảm, sự biết ơn và sự tri ân công đức các Vua Hùng có công khai quốc, sinh dân. Thông qua nghi lễ thờ cúng nhằm xác lập mối liên hệ giữa các Vua Hùng với các thế hệ trong cộng đồng người Việt từ quá khứ, hiện tại đến mai sau. Là sợi dây liên kết tinh thần giữa thời đại Hùng Vương và thời đại Hồ Chí Minh, phản ánh quan niệm sống của người Việt Nam: trọng nghĩa tình, thủy chung, sự biết ơn, lòng yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển kinh tế. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương luôn là sợi dây vô hình để kết nối cộng đồng dân tộc. Chính sự kết nối đó đã tạo nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc thành khối bền vững để vượt qua gian nan, thách thức trong quá trình dựng nước và giữ nước của nhân dân ta.

Văn hóa Hùng Vương mãi tỏa sáng trong lòng dân tộc và thờ cúng Hùng Vương luôn là niềm tin thiêng liêng trong trái tim mỗi người dân đất Việt.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast