Tình yêu hội họa không bao giờ khuyết

(Baohatinh.vn) - Vẽ tranh là điều không quá khó đối với người bình thường, nhưng với chàng họa sĩ tật nguyền Lê Quang Lĩnh thì đó là cả một kỳ tích. Kỳ tích của một họa sỹ chân chính, tha thiết yêu cuộc sống, một tâm hồn đam mê hội họa luôn cháy bỏng trong tim...

Lĩnh vẽ tranh bằng 3 ngón của bàn tay trái

Lĩnh vẽ tranh bằng 3 ngón của bàn tay trái

Cuộc gặp không hẹn trước của tôi dường như làm anh Lĩnh bất ngờ, nụ cười tươi cùng đôi mắt sáng ánh lên chút gì đó e thẹn. Người thanh niên nhỏ bé dẫn tôi vào căn phòng phía trong, nơi những bức tranh bày khắp và ngổn ngang màu vẽ. Dù phát âm không rõ nhưng qua các bức tranh anh chỉ, tôi vẫn hiểu trong đó vẽ gì và muốn nói điều gì.

Anh dẫn tôi lên tầng 2, đôi chân khập khiễng nhấc từng bước nặng nhọc nhưng khá thuần thục. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi trở nên dễ dàng hơn với chiếc máy tính mà anh mang ra. Qua lời anh nói và một số bài viết về anh, tôi hiểu hơn về con người đầy nghị lực ấy.

Lê Quang Lĩnh và tác phẩm "Thơ ấu"

Lê Quang Lĩnh và tác phẩm "Thơ ấu"

Sinh năm 1985, anh khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. 1 tuổi, sau một trận ốm, anh bị chứng co cơ, liệt tay và chân, phát âm không rõ. Khó khăn trong giao tiếp và cầm nắm các vật dụng, mọi trở ngại trong cuộc sống cứ tăng dần lên. Năm 10 tuổi, khi bắt đầu vẽ tranh, cậu bé ấy được nghệ thuật vực dậy, trái tim thánh thiện khao khát sống hơn bao giờ hết. Được gia đình ủng hộ, anh có điều kiện tiếp xúc, học hỏi về hội họa. Mọi nét vẽ chỉ bằng ba ngón của bàn tay trái dần thuần thục từng ngày. Đặc biệt, anh yêu thích vẽ về tuổi thơ, bởi theo anh, những đứa trẻ dù có nhiều số phận, nhiều cuộc đời thì cũng như mầm non mới nhú, đều ngây thơ, hồn nhiên, trong sáng.

Vừa nói chuyện, anh vừa chỉ cho tôi những bức tranh anh vẽ, những bức tranh lưu mọi khoảnh khắc mà anh từng trải qua. Tôi nhận thấy tranh của anh còn có mảng về Phật giáo, là những gì anh tự tìm tòi, học hỏi. Sau những trải nghiệm cuộc sống, những thuyết giáo nhà Phật, anh tự nhủ phải nỗ lực tập trung vào tranh và phải là tranh đẹp.

Các tác phẩm: Em bé và Xe kéo dưới trăng

Các tác phẩm: Em bé và Xe kéo dưới trăng

Tôi gật gù vỡ lẽ trước những tâm sự khó nói nên lời, khâm phục trước tài năng và ý chí của một người như anh. Những bức tranh chú trọng nhiều đến chất lượng nghệ thuật, đến bao câu chuyện, triết lý mà người họa sỹ trẻ gửi gắm. Hội họa là nơi con người gửi gắm mọi tâm tư, tình cảm và cả những ước mơ, hoài bão.

Tranh của anh Lĩnh vẽ trên chất liệu giấy và vải, nhưng phần lớn là vải. Anh bắt đầu vẽ trên vải năm 16 tuổi với dòng tranh sơn dầu và acrylic. Độc đáo hơn, năm 2013, anh sáng tạo nên cách vẽ mới, tự tay đan mây tre rồi đặt vải lên vẽ. Về sau, để thuận lợi và đẹp mắt hơn, anh vẽ trực tiếp lên các tấm mây tre đan. Khó khăn, tốn nhiều công sức nhưng những bức tranh bằng chất liệu ấy lại đem đến cảm nhận riêng biệt trên sự tìm tòi mới lạ. Và dù ở chất liệu nào, người xem dễ nhận ra các bức tranh đều có sự hài hòa, tươi sáng, có nỗi buồn nhưng không hề bi lụy.

Tranh vẽ trên chất liệu mây tre đan

Tranh vẽ trên chất liệu mây tre đan

Anh chia sẻ: “Mỗi họa sỹ đều có một phong cách, bút pháp khác nhau, nhưng với anh, hội họa đơn giản là niềm đam mê, như một cái nghiệp đã ăn sâu vào máu”. Anh còn cho tôi hay, tranh của anh không phải bố cục nhiều màu, hay sự sao chép thiên nhiên, cảnh sắc vụn vặt mà có tạo hình sống động, bố cục màu sắc mạnh bạo, không là sự tình cờ đẹp mắt. Ở đó không có diễn tả khối, không vờn sáng tối mà là mảng màu gay gắt như chính sự cào cấu, giành giật thời gian trong tâm tưởng con người. Bởi vậy, tôi luôn nhận thấy bao tâm sự, nghĩ suy ẩn chứa đằng sau những bức tranh, không chỉ phô diễn đơn thuần mà luôn gợi mở tư duy. Đặc biệt, cái tư duy ấy không hề bị áp đặt, người họa sỹ chỉ đưa ra các tín hiệu để người xem tự cảm nhận.

Bóng của tay thành các con vật (in trên khổ A4).

Bóng của tay thành các con vật (in trên khổ A4).

Đối với Lê Quang Lĩnh, vẽ tranh là nguồn cảm hứng bất tận để anh sống thực hơn, gần hơn với đời. Anh vẽ chủ yếu về đêm, trong không gian tĩnh lặng, khi tâm hồn không còn thảng thốt bởi những xô bồ thường nhật. Giọng nói anh khó nhọc nhưng đầy tự tin: “Đã từng tham dự nhiều triển lãm, nhưng tôi luôn muốn đem tranh của mình đến nhiều hơn với công chúng. Tôi luôn ấp ủ tổ chức một triển lãm của riêng mình về chủ đề thiếu nhi vào năm sau hay năm sau nữa”. Dù biết còn nhiều khó khăn, tôi vẫn hy vọng về một triển lãm của Lê Quang Lĩnh trong một ngày gần nhất. Anh - một họa sỹ khuyết tật nhưng tình yêu dành cho nghệ thuật không bao giờ khuyết.

Họa sỹ Lê Quang Lĩnh từng giành giải nhất cuộc thi vẽ tranh “Alaxan - Chiến thắng nỗi đau” năm 2006; đoạt giải đặc biệt cuộc thi tranh, ảnh về người khuyết tật do Hội Vì sự phát triển của người khuyết tật tỉnh Quảng Bình (AEPD) tổ chức năm 2011; bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về thành tích xuất sắc trong phong trào “Người tàn tật và trẻ mồ côi vượt khó” giai đoạn 2005-2010.

Năm 2001, anh dự thi mỹ thuật thiếu nhi châu Á “Nhật ký bằng tranh” ENIKKI. Năm 2003, 2006, 2011, 2012, 2013, tham gia triển lãm mỹ thuật khu vực IV Bắc miền Trung với các tác phẩm “Một góc thị xã”, “Lễ hội”, “Vui mùa”, “Lễ cầu mùa”, “Mùa nắng hạ”. Năm 2012, 2013, dự triển lãm nhóm mỹ thuật chủ đề “Khát vọng” và “Ngày mới” trong chương trình “Phát triển không gian văn hóa” và chương trình “Tình sông Hương” tại thành phố Huế.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast