Tỏa sáng khí thiêng Ngàn Hống

Người ta thường bảo "mùa thu tháng tám lên chơi núi" nhưng với TX Hồng Lĩnh có thể mời du khách lên thưởng ngoạn cả 4 mùa. Ngàn Hống - cái tên thăm thẳm như trong cổ tích đã trở thành một pho sử thi dày qua bao nhiêu biến cố lịch sử.

" Bao giờ Ngàn Hống hết cây

Sông Lam hết nước đó đây hết tình"

Đường vô xứ Nghệ quanh quanh. Ẩnh: PV

Đường vô xứ Nghệ quanh quanh. Ẩnh: PV

Câu ca dao cũ bây giờ đọc lại vẫn thấy xốn xang lòng người. Vẻ đẹp của sông Lam, núi Hống là vẻ đẹp tráng kiệt và trường tồn .Đỉnh cao vời vợi ấy được nhân lên từ tình yêu con người. Vẫn núi, vẫn sông, vẫn là con người sinh ra ở xứ sở này, qua mọi thời đại đã biết dựa vào hình sông thế núi để nhân thêm sức mạnh trí tuệ, tạo nên bức tranh đa màu, đa sắc.

Chuyện xưa kể lại rằng: Đô đài Bùi Cầm Hổ thời nhà Lê (ông đã từng giữ chức Ngự sử triều đình) khi trở lại quê xã Đậu Liêu đã có sáng kiến ngăn khe từ ngọn núi để tưới cho hàng trăm mẫu ruộng, cứu dân sinh thoát cảnh mất mùa vì hạn hán.

Đô đài Bùi Cầm Hổ đã thành "linh hồn thiêng" của TX Hồng Lĩnh. Đền thờ ông, tháng giêng hàng năm nườm nượp dòng người dâng hương "lễ báo ân". Tri ân với người đã khuất chính là hiểu được giá trị những gì họ đã làm. Hồng Lĩnh đã nhận diện quá khứ để nỗi khát vọng của người xưa không hóa thành rêu phong cỏ úa.

Điều không ai ngờ tới khi đặt chân tới thị xã của ngã ba Đông Dương sầm uất hôm nay, ngày xưa là xứ "Kẻ Treo mổ mèo lấy cá''. Nơi tận cùng của sự hoang vu, sốt rét và băng đảng... Phải mất hàng thế kỷ mới xóa được tàn tích cũ và dựng nên làng nên xóm nên quê.

Bây giờ ngước lên Ngàn Hống thấy kỳ vĩ hơn khi trùng trùng thông xanh tỏa bóng. Người xưa leo núi kiếm củi, vất vả lắm mới tìm được cho mình lối nhỏ quay về. Giữa lồng lộng gió xuân của TX Hồng Lĩnh hôm nay, khách lên núi chơi được núi cõng lên bằng đường thảm nhựa và thả mình theo di chỉ người xưa.

Lên núi tắm suối Tiên, lên núi vãn cảnh chùa. Lên núi để nghe núi kể về huyền thoại "Chim phượng hoàng". Hàng ngàn người hiểu được giá trị văn hóa, thư thái tâm hồn sau mỗi lần lên núi, nên Ngàn Hồng trở thành duyên nợ của du khách.

Với những cư dân sinh sống ở TX Hồng Lĩnh, Ngàn Hống đã trở thành điểm tựa vững chãi đối với họ trong cuộc sống thường ngày. Trong mênh mông của núi còn nhiều khoảnh đất trống mà thiên nhiên ban tặng để con người mở hướng làm ăn.

Bằng bàn tay cần mẫn, không ít gia đình ở Đậu Liêu, Đức Thuận, Bắc Hồng... đã dựng chòi để khai khẩn đất hoang trồng khoai, trồng sắn, trồng đậu lạc, rau quả vừa tăng thêm thu nhập vừa góp thêm nguồn thực phẩm sạch cho cộng đồng. Từ đất nguyên thủy, từ nước nguyên sinh tạo nên nguồn sinh lợi bằng giọt mồ hôi con người.

Riêng tôi không hiểu vì sao mỗi lần đặt chân lên hồ Thiên Tượng, trái tim lại ngân lên câu hát "Hồ trên núi" của nhạc sĩ Phó Đức Phương "Núi ơ... núi, thuyền ơ... thuyền, mây ơ... mây, nước ơ... nước". Hồ Thiên Tượng thổi vào hồn người tiếng thông reo, tiếng chim chuyền và màu mây ngũ sắc lồng trong màu nước biếc như mắt ngọc.

Cái thuở sinh thời của TX trẻ Hồng Lĩnh, chắc bây giờ đã mấy ai quên. Một thời gian khổ, một thời dựng xây cơ đồ với bao nhiêu ngổn ngang thách đố. Nguyên Bí thư Thị ủy Nguyễn Thường Luận, người nhận trách nhiệm với Đảng với dân để cùng các đồng chí cán bộ lãnh đạo trong cấp ủy và chính quyền phác thảo gương mặt đô thị mới.

Tiềm năng là núi, tiềm năng là đất, tiềm năng là trí tuệ và sức mạnh nhân dân. Ba thế đứng "chân kiềng" đã trở thành nỗi niềm đau đáu thôi thúc vị Bí thư dạn dày kinh nghiệm thêm một lần nữa khổ luyện thực tiễn. Đường lối đúng, hướng đi cụ thể, nhưng điều quyết định mọi thắng lợi phải bắt đầu từ nhân dân.

Xây dựng một con đường, quy hoạch khu chợ lớn đều dấy lên không khí dân chủ và đổi mới. Dân tự nguyện góp tiền, góp công cùng với nguồn vốn tỉnh và T.Ư đầu tư, những hình mẫu qua đồ án thiết kế lần lượt được trình diễn. Chưa có nước sạch sinh hoạt cho dân phải tìm lấy nước. Nguồn nước thiên nhiên tinh khiết ở hồ Thiên Tượng qua lắng lọt của nhà máy nước công suất 8.000m3/ngày đã về với mỗi gia đình.

Chủ tịch UBND TX Hồng Lĩnh Đinh Quốc Thị tâm sự với tôi: "Anh nhìn lại xem, lúc mới khai sinh tên gọi nhà dân thiếu điện, đường thiếu cây xanh. 17 năm đi qua, TX Hồng Lĩnh đã cơ bản xây dựng thành công hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo nên những “cú hích” trong tương lai".

Thiên thời - địa lợi - nhân hòa. Cùng với cung cách làm ăn mới trong chuyển dịch nông nghiệp, TX Hồng Lĩnh mùa tiếp mùa, liên tục phát triển những cánh đồng với năng suất hơn 5 tấn /ha, đưa tổng sản lượng lương thực 13.000–14.000 tấn. Làng ạch bên dốc Đậu Liêu đói nghèo, lam lũ quanh năm, bây giờ thóc ngồn ngộn sân phơi, trâu bò sinh sôi đàn đàn lũ lũ. Đường đi qua Bắc Hồng, Nam Hồng, đường tới Thuận Lộc, Đức Thuận đâu đâu cũng được kiên cố bằng bê tông hóa. Vẫn còn bóng dáng những con ngựa vàng lộc cộc chở xe, chở cát, nhưng không còn bụi đường tung mù mịt trong những ngày nắng oi nồng. Hồng Lĩnh tím biếc bằng lăng, nồng nàn hương hoa sữa.

Nhiều nhà máy sản xuất làm ăn có hiệu quả tại TX Hồng Lĩnh. Ảnh: PV

Nhiều nhà máy sản xuất làm ăn có hiệu quả tại TX Hồng Lĩnh. Ảnh: PV

Hồng Lĩnh lừng lững những khách sạn Thai, ASEAN sang trọng. Nhà hàng, đại lý tấp nập kẻ bán người mua. Một thị xã trẻ, hàng ngàn học sinh từ tiểu học đến trung học được học tập trong những ngôi trường cao tầng đồ sộ đã sớm hòa mình với tri thức thời đại mới.

Nhắc đến TX Hồng Lĩnh, người ta thường nhắc đến "rồng nâu" trên đất này. "Rồng nâu" chính là khách hàng ban tặng thương hiệu cho gạch Thuận Lộc. Hơn 4 thập kỷ đi qua, Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Thuận Lộc đã biết tận dụng tiềm năng từ đất: nung đất thành gạch, nung đất thành ngói. Với công suất 20 triệu viên /năm, “con rồng nâu” khỏe khoắn này đã có sức bay, đã vươn rộng tới mọi công trình lớn nhỏ.

"Rồng nâu Hồng Lĩnh" bước đột phá đầu tiên cho đô thị có màu sắc công nghiệp. Từ một nhà máy phải có thêm nhiều nhà máy, từ một doanh nghiệp làm ăn phát triển phải tạo được nhiều doanh nghiệp phát triển khác nữa.

Với chính sách mời gọi thông thoáng, TX Hồng Lĩnh đã thu hút các nhà đầu tư như: Doanh nghiệp Hưng Thịnh, Doanh nghiệp tư nhân Việt Cường, Doanh nghiệp tư nhân Cường Thịnh... Tất cả đều xuất phát nguyện vọng chân chính nhất: GQVL cho người lao động, ổn định và phát triển bền vững.

Trưa nay, tôi trở lại làng rèn Trung Lương vẫn nghe rộn ràng tiếng búa, vẫn thấy lập lòe ánh lửa, nhưng nghề rèn Trung Lương đã hiện đại hơn ngày xưa nhiều. Cụm làng công nghiệp Trung Lương ra đời, khi dự án JBIC được thực hiện, sản phẩm của nghề rèn đúc truyền thống lại bền lại tốt, lại càng được người tiêu dùng tin cậy hơn xưa.

Trung Lương bây giờ không chỉ làm lưỡi cày, lưỡi cuốc, dao, rựa mà còn vươn lên sản xuất các mặt hàng hiện đại như máy phục vụ nông nghiệp, các máy phục vụ cho công nghiệp khai khoáng. Công ty rèn đúc Núi Hồng, Công ty tư nhân Đại Lợi, Công ty tấm lợp Trung Nam... Những chủ nhân trẻ đang thức dậy Trung Lương bằng ngọn lửa tim mình. Sức dậy cùng sức vươn vai TX Hồng Lĩnh tuổi mười bảy.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast