Tổng kết năm

Cuối năm, là mùa tổng kết. Sáng nay, bà chủ quán nước hỏi N. xem cơ quan anh đã tổng kết chưa? Rồi, việc cũ rích, năm nào chẳng thế, có x phần trăm cho lao động xuất sắc, y phần trăm cho hoàn thành nhiệm vụ và z phần trăm cho không hoàn thành... N. luôn nằm trong số hoàn thành, không xuất sắc, cũng chẳng không hoàn thành.

Tổng kết năm ảnh 1

Bởi theo chỉ tiêu, khống chế tỷ lệ phần trăm xuất sắc, chỉ lãnh đạo thôi là hết, ai có lỗi lầm gì đó thì xuống không hoàn thành. Vụ này thực ra phiền, vì ảnh hưởng đến khoản tiền thưởng cuối năm. N. không thuộc diện không hoàn thành, vì N dù sao cũng chăm chỉ.

Nói đúng ra là đi làm đều, dù mưa dù nắng, dù chẳng biết đến cơ quan thì làm gì cho hết ngày. Ngoài ra, không gây ra chuyện gì ầm ĩ để bị kỷ luật. Vậy nên năm nay, năm 2013, khi mà số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể tăng gần 12% so với năm trước, công việc khó khăn hơn năm ngoái nhiều, nhưng với N., hoàn thành nhiệm vụ được coi là ổn rồi. Ổn như năm trước, là quá ổn. Miễn đừng ai hỏi kỹ xem hoàn thành nhiệm vụ gì...!

Vấn đề, bà hàng nước quan tâm gì đến tổng kết năm? Bà có thành tích gì cần báo cáo à? Lãi mỗi ngày bà cất vào túi, mình bà biết, dân phòng đuổi mất bao nhiêu ghế nhựa hay vỡ bao nhiêu cốc, cũng mình bà biết. Ai bắt bà đọc báo cáo thành tích đâu mà bà hỏi chuyện tổng kết năm, rõ lạ...

Chú nhầm đấy! Bà hàng nước bảo, tôi thì đúng là không cần tổng kết thành tích. Với tôi, gia đình đủ ăn, con cái ngoan ngoãn chịu khó học hành là tột bậc thành tích rồi. Nhưng tôi sợ tổng kết của phường. Phường mà nhiều thành tích, thì liên hoan sẽ phải to. Mà liên hoan to thì mọi doanh nghiệp trên địa bàn phường phải có trách nhiệm.

Năm nay, doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động nhiều, có nghĩa một quán nước vỉa hè cũng phải tăng trách nhiệm đóng góp vào niềm vui chung của phường. Mà năm nay, không biết các quán nước vỉa hè khác ra sao, chứ quán nước vỉa hè của tôi thu nhập không bằng một phần ba năm trước.

Đây không phải nhà thuê nên tôi còn ngồi bán hàng cầm chừng, chứ nhìn quanh đây, trung tâm Bờ Hồ, thấy cứ đổi chủ liên tục những cửa hàng trước mặt. Hôm trước bán tranh và họa phẩm, hôm kia bán quần áo còn hôm nay thấy bán rượu vang... Cứ thấy dọn hàng mới ra là biết một chuyện cũ: làm ăn khó lắm!

Ờ, cái nỗi lo nhỏ bé ấy ở một phường, sánh làm sao được nỗi lo ở những nơi, những cấp tầm quản lý rộng hơn, bao la hơn. Mà cuối năm, cứ sinh ra trò tổng kết, có khi lại buồn nhiều hơn vui. Chẳng hạn thế này: một cá nhân nào đó vừa tổng kết năm, báo cáo cứ gọi là long lanh, thành tích nhiều, rực rỡ, sau có mấy tháng bỗng dưng bị khởi tố. Thế chẳng hóa ra thành tích là đùa? Cứ nghĩ từ mấy vụ gọi là đại án tham nhũng. Nếu không bị bắt và truy tố, cứ nhìn vào mấy bản báo cáo của các vị đứng đầu các cơ quan sừng sững tên tuổi như Vinashin, Vinalines..., vị nào báo cáo cuối năm chẳng đẹp, mà rồi tù vẫn tù, tử hình vẫn tử hình. Mà báo cáo cuối năm chỉ toàn con số.

Nói gì thì nói, đất nước tăng trưởng, nhưng nếu đem vài ngành quan trọng trong đời sống dân sinh ra xem xét, thì nếu ngành y tế tổng kết, Bộ trưởng chắc lại buồn rũ ra vì bao nhiêu vụ việc trẻ em tử vong do sốc phản vệ không rõ nguyên nhân. Ngành Giáo dục tổng kết cũng chẳng có gì vui, cố mấy thì cố, cải cách mấy thì cải cách, giáo viên miền núi dù có thiệt thòi trăm phần cũng chẳng thể có nổi đồng tiền thưởng Tết...

Đấy, tóm lại, đừng nhìn vào tổng kết năm chỗ này chỗ nọ mà buồn - bà hàng nước bảo N. như vậy, cứ sống cho đày đặn, hết năm thở phào rằng mình sống tử tế, có chén trà đúng là trà để khách uống, không bày rác rưởi ra phố để khỏi ảnh hưởng mỹ quan đô thị... Lặt vặt cho yên lòng, cần gì to tát tổng kết năm!

Vâng, thì năm nay đi năm tới đến, chưa kịp tổng kết đã xong rồi, vương vấn làm gì.

Hà Phạm
Nguồn: TT&VH cuối tuần

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast