Trên đỉnh Long Ngâm

Hàng năm, mỗi độ tháng 5 âm lịch là hàng ngàn người dân bốn phương lại nô nức về vùng Long Ngâm - Cửa Sót tham dự lễ hội đền Chiêu Trưng Đại Vương Lê Khôi. Dòng người ấy một lòng thành kính hành trình về một miền đất linh thiêng – nơi tướng công Lê Khôi an nghỉ giấc ngàn thu để dâng lên Ngài một lời nguyện cầu, một nén tâm hương và để được thả hồn bay bổng hòa quyện với thiên nhiên ở một vùng non nước yên bình ...

Năm nào cũng vậy, cứ đến cuối tháng 4 âm lịch là chúng tôi đã lịch kịch chuẩn bị rủ nhau về Long Ngâm – Cửa Sót dự lễ tế Chiêu trưng đại vương Lê Khôi. Và sáng sớm ngày mùng 2-5 - ngày tế lễ chính thức, hàng trăm, hàng ngàn người tứ xứ đã tề tựu đông đủ trên bãi cát mịn màng trước cửa đền, háo hức chờ những đám rước từ các làng Mai Phụ, Thạch Bàn, Thạch Kim, Thạch Hải. Trong không khí buổi sáng trong lành, giữa lặng yên những dòng người nối nhau lên đền, trước biển cả mênh mông, chúng tôi đều cảm nhận được sự hội tụ của khí thiêng đất trời và niềm tôn kính của lòng người. Dường như có gì đó thiêng liêng hơn cả lễ tế giỗ một vị anh tài của dân tộc đã dâng tràn trong lòng những người đứng đợi chờ đám rước. Và tôi biết tất cả họ đều đến đây với tấm lòng thành kính, thanh sạch.

Đám rước của xã Mai Phụ qua cổng đền chính
Đám rước của xã Mai Phụ qua cổng đền chính

Đáp lại những tấm lòng từ 4 phương ấy, các làng quanh vùng đều đã chuẩn bị lễ tế hết sức chu đáo. Để có một lễ rước long trọng, các làng đều phải chọn 2 vị cao niên mẫu mực dẫn đường cho đám rước, đồng thời chọn những nam thanh nữ tú để khênh kiệu lễ vật, lọng và các thẻ bài. Sau đó sẽ tổ chức rước thần từ trú sở UBND xã ra các đền thờ vọng. Cờ trống đi trước dàn nhạc bát âm kế theo, trai thanh gái lịch phù kiệu, ông già bà cả thành tâm tiễn thần. Rồi từ các đền thờ vọng, đoàn sẽ xuống thuyền ra đền chính. Trước khi vào đến chính, mỗi đám rước đều phải vòng đi vòng lại trước cửa đền 3 vòng để xin ngư ông rồi mới cho thuyền cập bến. Đám rước lên bờ, ai cũng tự ý thức rẽ sang 2 bên nhường đường cho đoàn. Một không khí linh thiêng bao trùm cả khu đền. Lễ tế của 4 làng về cơ bản là giống nhau nhưng sau mỗi đám rước lên bờ là tất cả mọi người lại háo hức chờ đợi đoàn thuyền khác. Đến tận 12 giờ trưa đám rước cuối cùng mới ra tới đền chính nhưng không một ai bỏ cuộc mặc dù trời nắng như đổ lửa. Sau khi các làng đều đã dâng lễ vật lên thượng điện, ban tổ chức tiến hàng lễ tế giỗ chính thức trong không khí hết sức trang nghiêm. Tất cả những người đi lễ tập trung đến trước trung điện cùng các vị chủ tế, bồi tế dâng hương, đọc văn tế ghi nhớ công ơn của Chiêu trưng đại vương và cầu mong linh hồn Ngài siêu thoát, phù hộ độ trì cho con cháu bốn phương…

Đám rước trên sông của xã Thạch Bàn
Đám rước trên sông của xã Thạch Bàn

ưCó một điều rất dễ nhận ra là lễ hội đền Lê Khôi đã có sức ảnh hưởng tâm linh rất lớn, vượt ra ngoài địa phận Hà Tĩnh. Mặc dù diễn ra ở một nơi địa hình không mấy thuận lợi, đường sá đi lại khó khăn nhưng năm nào lượng du khách cũng đông, hầu như năm sau cao hơn năm trước. Rất nhiều bà con ở Quảng Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… cũng không quản ngại đường xa cùng về tế lễ, trong số đó có những người đã đến đây rất nhiều năm. Ông Nguyễn Thịnh – Một ngư dân ở Quảng Bình cho biết: “Đây là lần thứ 3 tôi ra đi lễ đền Lê Khôi. Việc đi biển khó định ngày nhưng năm nào tôi cũng cố gắng sắp xếp công việc để kịp ra đây tế giỗ Ngài. Với tôi Ngài là một trong những vị thần biển cả, hy vọng Ngài sẽ phù hộ cho công việc của chúng tôi”. Đó cũng là câu chuyện mà nhiều người tứ xứ đã kể cho chúng tôi hay. Điều đó cũng dễ hiểu bởi Lê Khôi không chỉ lập nhiều chiến công lẫy lừng trong công cuộc chống giặc Minh của dân tộc ta mà ông còn là người có công lao to lớn trong việc trấn thủ yên dân ở những vùng đất phương Nam và miền Tây đất nước. Và kể từ khi yên giấc ngàn thu trên ngọn Long Ngâm thì Lê Khôi cũng trở thành vị Hoàng Làng của nhân dân quanh vùng Cửa Sót, đặc biệt một số ngư dân còn tôn ông thành vị thần hộ mệnh trên biển.

Bên cạnh phần lễ diễn ra hết sức trang nghiêm, long trọng, lễ tế Lê Khôi lần thứ 564 năm nay cũng không kém phần sôi nổi ở phần hội với các trận thi đấu bóng chuyền giữa các xã và 2 đêm văn nghệ sâu sắc, đầy ý nghĩa tâm linh. Ngoài ra bà con nhân dân còn được cùng nhau thi tài trong trò chơi đi cà khoeo truyền thống của vùng biển.

Các vị chủ tế, bồi tế cùng nhân dân làm lễ dâng hương
Các vị chủ tế, bồi tế cùng nhân dân làm lễ dâng hương

Để có được một lễ hội văn hóa linh thiêng trong 3 ngày, UBND huyện Thạch Hà, BQL đền cũng như chính quyền và nhân dân trong vùng đã phải chuẩn bị từ rất lâu. Bà Bùi Thị Nga - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà, Trưởng Ban tổ chức lễ hội cho biết: “Để có được một lễ hội chu đáo, trọn vẹn, ngoài thành phần ban tổ chức, chúng tôi đã phải huy động hơn 80 người từ các tổ chức đoàn, hội tham gia phục vụ. Lực lượng này sẽ giúp ban tổ chức điều hành, quản lý các hoạt động trong suốt quá trình diễn ra lễ hội, nhằm hạn chế những sai sót và hành vi tiêu cực”. Thực tế là khi tham dự lễ hội chúng tôi cũng đã nhận thấy nỗ lực không nhỏ của ban tổ chức. Năm nay các hoạt động dịch vụ xung quanh đền diễn ra rất trật tự, tình trạng bói toán, mê tín dị đoan cũng đã hoàn toàn bị xóa bỏ. Và không khí những ngày hội có sự nồng nhiệt của tuổi trẻ, sự hoan hỷ mà nam phụ lão ấu ai cũng có phần riêng của mình. Để trong dòng người nối nhau vào đền ấy người ta chỉ thấy những ánh mắt, gương mặt nhẹ nhàng, đằm thắm và ấm áp…

Cùng với các lễ hội: đền Tam Lang, Đô Đài ngự sử Bùi Cầm Hổ, đền Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, đền Chợ củi, chùa Hương…lễ hội đền Chiêu trưng đại vương Lê Khôi là những hoạt động văn hóa tâm linh thường niên của nhân dân Hà Tĩnh và đang ngày càng thu hút đông đảo khách thập phương. Đến với lễ hội, mọi người sẽ cảm nhận được tinh thần thiên nhiên của một ngày hội lịch sử từ đó hồi âm về quá khứ của tổ tiên ở vùng biển cửa linh thiêng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast