Trên đỉnh non Hồng

(Baohatinh.vn) - Nhắc tới Hà Tĩnh, người xa hay kẻ gần đều có quyền tự hào về núi Hồng, sông La. Núi Hồng không chỉ là biểu tượng đẹp về giá trị lịch sử đấu tranh của cha ông mà còn là nước biếc, non xanh của miền Trung Xứ Nghệ.

Từ vẻ đẹp tự nhiên

Theo ước lệ của người xưa, núi Hồng có 99 ngọn, gắn với huyền thoại 99 con chim phượng hoàng. Nhưng thực tế, nếu du khách đi trọn dãy núi Hồng thì phải mất cả tuần lễ, bởi có tới hàng trăm ngọn núi chon von, khoe sắc dưới trời mây. Ngọn núi vượt trội nhất của dãy non Hồng trùng trùng điệp điệp là núi Ông với độ cao gần 800m.

Non nước Hồng Lam. Ảnh: Q.V.
Non nước Hồng Lam. Ảnh: Q.V.

Chuyện cũ chép lại rằng: Đại thi hào Nguyễn Du, sau bao năm đi khắp chốn kinh kỳ trở về cội nguồn chốn Tiên Điền - quê cha đất tổ đã say mê cùng nhóm bạn thợ săn trên đỉnh núi Hồng. Được tận hưởng vẻ đẹp nguyên sơ hoang dã, lòng Nguyễn Du lâng lâng để những dòng thi hứng trào lên đầu ngọn bút.

Du khách hôm nay tới núi Hồng cứ lần theo câu ca dao của người xưa:

Núi Hồng mấy cụm mấy khe

Tháp cao mấy trượng đi về mấy truông

Từ câu ca dao này khắc họa một bức tranh đa sắc, ngoài vẻ đẹp của trời đất sắp đặt, núi Hồng còn phong phú những di sản văn hóa như đền đài, miếu mạo. Nét đẹp rất riêng của núi Hồng không có nơi nào lẫn được, vì mỗi ngọn suối, con khe, mỗi hồ nước hay mỗi đền thờ dù to hay nhỏ, dù uy nghi, cổ kính hay khiêm nhường đều gắn với những sự tích để cho hậu thế thành kính ngưỡng vọng.

Lên đỉnh núi Hồng, du khách có thể quên đi mùi hương này, âm thanh tiếng chim nọ, nhưng hình ảnh đá núi Hồng và hồn đá vẫn theo mãi bước chân người. Rong ruổi từ 2 ngọn Mồng Gà, 3 ngọn Yên Ngựa đến Tai Voi, không ít người sẽ bị choáng ngợp trước những lèn đá, khối đá đủ các hình thù. Động “12 cửa đá” mở ra kỷ vật đá phơi bày như một nhà bảo tàng thiên niên kỷ với các loại đá: lưỡi cày, chèo thuyền, đá cồng, đá nón… và cơ man các loại khác nữa đều được người xưa gọi tên.

Tại ngọn núi Đụn có một hang đá hình bán nguyệt, có thể chứa được hàng trăm người. Sử xưa gọi hang đá này “cung điện của cố đô Ngàn Hống”. Cung điện không có áo bào, ngai vàng của vua nhưng nét đẹp của rêu phong hàng triệu năm, của màu xanh mướt mắt cây cỏ phủ quanh, của ánh nắng mặt trời ban mai soi vào các tảng đá hiện lên bao ánh màu kỳ diệu.

Từ “cung điện” này, du khách lại bắt gặp cặp đá Hàm Rồng bên cạnh chùa Hương Tích. Đỉnh núi Ông còn gọi là Tháp Cờ, tương truyền, hoàng tử Hai, con Mai Thúc Loan cắm cờ hiệu tại đó. Ngọn núi Lầu là nơi Lý Thánh Tôn đã dựng hành cung ở đây.

Hồ Thiên Tượng - "mắt ngọc" của TX Hồng Lĩnh

Hồ Thiên Tượng - "mắt ngọc" của TX Hồng Lĩnh

Nhưng điều thú vị với nhiều du khách, nhất là các bạn trẻ là được đặt chân lên đá Chân Tiên. Vừa được chiêm ngưỡng những con cá lượn lờ trong nguồn nước trong xanh đến nao lòng, vừa được nhận diện dấu chân của bao “tiên nữ” từ trên trời xuống để thưởng thức hoa thơm, cỏ lạ.

Đi bất cứ điểm nào trên dãy núi Hồng cũng đều bắt gặp nhiều khe suối. Chính nhờ kiến tạo của các hòn đá, nên các khe suối của núi Hồng không bao giờ cạn nước. Nhờ nước mà muôn loài chim muông, động vật, thực vật tồn tại, phát triển, giữ được núi Hồng có sức sống trường tồn.

Chính nhờ nguồn nước dồi dào của thiên nhiên, con người đã biết khai thác, tận dụng và xây thành những đập lớn để phục vụ sản xuất và đời sống như đập Cù Lây, Trường Lão và đập Cồn Tranh, Khe Hao... Nhắc tới vẻ đẹp của núi Hồng, người ta không thể không nhắc tới hồ Thiên Tượng. Về giá trị kinh tế, hồ Thiên Tượng cung cấp nước sinh hoạt cho hàng ngàn hộ dân TX Hồng Lĩnh. Về cảnh quan, đúng như một nhà văn ở Hà Nội nhận xét: “Hồ Thiên Tượng là mắt ngọc của TX Hồng Lĩnh”.

Dưới chân núi Hồng là một hệ thống hồ đập, hồ nào cũng tạo được nét đẹp riêng. Bàu Mỹ Dương như một dải lụa xanh dài tới hơn 8 km về phía Đông. Hồ Tiên trước chân núi Vân Am, người đời xưa còn gọi là Đầm Lô rộng gần 2 ha. Nằm đối xứng với lòng hồ là phiến đá Thạch Bàn. Chính phiến đá này đã tô điểm thêm nét thần tiên của hồ Tiên.

Đến chốn thâm nghiêm

Mỗi dịp xuân về, tết đến, chùa Thiên Tượng lại nghi ngút hương và lễ vật của dòng người từ muôn phương đổ về. Chùa Thiên Tượng tọa lạc trên ngọn núi nằm phía Tây dãy Ngàn Hống, thuộc làng Bân Xá xưa, nay là phường Trung Lương (TX Hồng Lĩnh). Thiên Tượng có nghĩa là “voi trời”, về lịch sử chùa chưa có sử sách nào ghi lại chính xác năm xây dựng. Nhưng lớp hậu duệ hôm nay khi đến chùa đều khâm phục trước kiến trúc và kỹ thuật điệu nghệ của các bậc tiền bối.

Chùa nằm trong địa thế của đỉnh núi có độ dốc thoai thoải, hướng Tây có một hang đá bằng phẳng, trong hang có chữ khắc đá ghi danh công trạng của những người có công dẹp giặc, giúp dân, cứu nước. Trên miệng hang có hòn đá to hình con vịt. Trước hang có hòn đá to nữa, hình con voi nên gọi là “đá voi”. Đứng ở đây có thể nhìn bao quát xung quanh. Bên tả, bên hữu đều có khe nước suối chảy róc rách. Tiếng của suối lẫn trong tiếng gió reo tạo nên một bản nhạc du dương và sâu lắng. Không ít người trong lòng sầu não, tủi buồn nhưng khi tới chùa bỗng cảm thấy tâm hồn thư thái.

Tại chùa Thiên Tượng có 2 dãy nhà tăng dành cho khách nghỉ để bày đặt nghi lễ trước lúc cầu kinh, bái Phật. Khác với nhiều chùa khác, chùa Thiên Tượng có hồ nước trong, tĩnh lặng, quanh năm in bóng núi. Hồ nước này do khe nước chảy mà thành. Cách chùa gần vài chục mét có một cái am nhỏ, trước mặt tiền có đề “Lưu Đức Am”. Hai bên có câu đối Độn siêu sinh tử quật/ Khiêu xuất thị phi môn” (dịch nghĩa: Cúi đầu chui khỏi hang sinh tử/ Nhảy thoát ra ngoài cửa thị phi.

Khai thác tiềm năng du lịch núi ở Hà Tĩnh chính là một thế mạnh, nhất là ở núi Hồng. Nhưng vì sao chúng ta chưa làm được. Một số ý kiến cho rằng, không có vốn đầu tư, lực bất tòng tâm. Một số ý kiến khác lại cho rằng, khách không thích leo núi vì sợ mệt; hoặc đây chưa phải địa danh nổi tiếng của cả nước. Những lý do trên đã làm cho du lịch núi Hồng đang còn mờ nhạt, mặc dầu tiềm năng núi Hồng đã được nhắc rất nhiều. Ngay TX Hồng Lĩnh những năm trước đây cũng đã mở ra một số điểm dịch vụ để đón du khách nhưng hiện đang bị mai một. Điều quan trọng là định hướng đúng và tổ chức khoa học.

Du lịch không phải nhiều tiền mới làm được nhưng đã làm dịch vụ du lịch phải là những người có đạo đức, có văn hóa. Văn hóa từ giá gửi xe đến dịch vụ ăn uống ngủ, nghỉ. Cứ nghĩ đến du lịch là “chặt chém” du khách như một số địa phương khác thì sẽ không bao giờ làm được. Mặt khác, muốn làm được du lịch núi, công tác chuẩn bị từ dịch vụ đón khách đến những người thuyết minh hay, hướng dẫn viên nhiệt tình, những người bảo vệ hành khách an toàn là vấn đề rất quan trọng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast