Trọn đời say mê bảo tồn di sản ví, giặm

(Baohatinh.vn) - 75 tuổi, ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng nghệ nhân dân gian, soạn giả Nguyễn Ban (Tiên Điền, Nghi Xuân) vẫn rong ruổi khắp nơi để sưu tầm, sáng tác và truyền dạy dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Tình yêu, niềm say mê đối với dân ca ví, giặm là mạch sống để ông trọn đời thủy chung với di sản văn hóa phi vật thể này...

Nghệ nhân dân gian, soạn giả Nguyễn Ban

Nghệ nhân dân gian, soạn giả Nguyễn Ban

Kể về hành trình sưu tầm, sáng tác dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, nghệ nhân Nguyễn Ban chia sẻ: “Một thời gian dài từ năm 1954–1983, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh trên đất Nghi Xuân hầu như bị lãng quên, thanh niên không còn một ai biết hát dân ca. Từ huyện có bề dày truyền thống văn hóa, Nghi Xuân trở thành huyện yếu nhất trong 27 huyện, thị Nghệ Tĩnh về phong trào văn hóa, văn nghệ. Năm 1984, tôi đang làm Trưởng phòng Giáo vụ kiêm chủ nhiệm lớp đạo diễn sân khấu của Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Nghệ Tĩnh thì được điều về làm Trưởng phòng VHTT huyện Nghi Xuân. Tôi sẵn sàng, vui vẻ về xây dựng lại phong trào văn hóa của quê hương”.

Từ đây, nghệ nhân Nguyễn Ban trở thành người đầu tiên làm cho dân ca “sống lại” sau nhiều năm bị lãng quên. Cũng từ đó, ông gắn bó với nghiệp sưu tầm, sáng tác dân ca.

Quá trình gắn bó với phong trào nghệ thuật quần chúng, nghệ nhân - soạn giả Nguyễn Ban cũng chính là người có công lao lớn nhất trong việc khôi phục ca trù Cổ Đạm, trò Kiều và lễ hội dẫn hoa (tế Phật, diễn trò sỹ - nông - công - thương). Năm 1997, khi đang là Trưởng phòng VHTT huyện Nghi Xuân, ông bắt đầu sưu tầm, ghi chép, tìm hiểu về ca trù Cổ Đạm và tiến hành khôi phục, bảo tồn, phát triển ca trù. Năm 1998, ông tiến hành sưu tầm, biên tập, chỉnh lý kịch bản trò Kiều sau nhiều năm “tam sao thất bản”.

Nghệ nhân Nguyễn Ban chia sẻ: “Những lần đi xem diễn trò Kiều thuở bé vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi. Chứng kiến trò Kiều ngày một lùi vào dĩ vãng, luôn mong mỏi phục dựng lối diễn đậm chất quê hương Tiên Điền, tôi đã dày công sưu tầm, biên tập, chỉnh lý kịch bản trò Kiều”. Khi 2 đội trò Kiều xã Tiên Điền và Xuân Liên được phục dựng và bắt đầu biểu diễn, không thể kể hết niềm vui, sự đón nhận nhiệt tình của bà con đối với di sản văn hóa phi vật thể gần nửa thế kỷ bị lãng quên này”.

Trong cuộc đời gắn bó với sự nghiệp văn nghệ quần chúng, niềm say mê câu hò, điệu ví quê hương chính là động lực để ông gắn bó với việc “vác tù và hàng tổng” này. Và trong động lực ấy, có tình yêu quê hương tha thiết, có niềm tự hào là người con sinh ra trên đất Nghi Xuân văn hiến, đặc biệt là niềm tự tôn khi là hậu duệ của danh nhân văn hóa Nguyễn Du. Không chỉ khôi phục ca trù Cổ Đạm, trò Kiều, năm 1999, nghệ nhân Nguyễn Ban cũng đóng góp công lớn trong việc khôi phục lễ hội dẫn hoa ở làng Đông Hội, xã Xuân Thành. Ông còn là người góp công lớn trong phong trào đưa dân ca vào trường học ở Nghi Xuân.

Gắn bó với nghiệp sưu tầm, sáng tác dân ca ví, giặm, tính đến nay, nghệ nhân Nguyễn Ban đã có trong tay hàng chục tác phẩm dân ca do ông tự sáng tác. Những sáng tác của ông đã đạt nhiều giải thưởng lớn như: Huy chương bạc hội diễn ngành lâm nghiệp toàn quốc năm 1968 với vở kịch nói Hoa rừng; Huy chương vàng đối ca dân ca Nghệ Tĩnh, Trai khôn tìm vợ năm 1982; nhiều năm đạt giải A và giải B về viết kịch ngắn, kịch dân ca dự hội thi tỉnh và khu vực; năm 2009 đạt giải A cuộc thi soạn lời dân ca Nghệ Tĩnh trên sóng phát thanh - truyền hình tỉnh; đạt giải A liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh với tác phẩm Ví phường nón, Nghiệp nghề sáng đẹp tình quê, Đi hội chợ Bè. Đặc biệt, ông đã được Ban tổ chức liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong sáng tác, sưu tầm, soạn lời dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.

Đến nay, tuy đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng niềm say mê những câu hát dân ca vẫn đau đáu trong lòng nghệ nhân. Với hàng chục tổ khúc dân ca, nghệ nhân Nguyễn Ban là người có nhiều kinh nghiệm sáng tác các làn điệu cải biên dựa trên những làn điệu, âm hưởng dân ca cổ, mỗi ca từ được ông trau chuốt cho phù hợp với thời đại, hoàn cảnh để giới trẻ tiếp thu dễ dàng hơn...

Ông chia sẻ: “Ngày nay, để giới trẻ đến gần hơn với những làn điệu dân ca không phải là điều dễ dàng. Bởi thế, soạn giả phải là người thổi hồn thời đại vào làn điệu thì tác phẩm đó mới mang hơi thở cuộc sống. Soạn giả là một trong những chủ thể của di sản, cần được quan tâm tạo điều kiện để họ tiếp tục viết, sưu tầm và truyền dạy cho nghệ sỹ hát”.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast