Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ: Bức 'quốc họa' lưu lạc và 'trở về'

Bản sao tỷ lệ gốc của bức họa, vẽ Phật hoàng Trần Nhân Tông, vừa được công bố ở Việt Nam, thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu và công chúng. Đây vừa là đỉnh cao hội họa Việt Nam thế kỷ 14 lại từng là bảo vật cung đình Trung Quốc.

TT&VH hỏi chuyện nhà nghiên cứu Trần Quang Đức – người công bố bản tranh scan chất lượng cao trong triển lãm Ngàn năm áo mũ diễn ra tại Hà Nội. Anh cũng vừa có cuộc tọa đàm cùng tên tại Trung tâm Văn hóa Pháp.

Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ: Bức 'quốc họa' lưu lạc và 'trở về' ảnh 1

Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức

* Từ trước đến nay, nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam vẫn muốn tìm bản sao tỷ lệ 1:1 của bức tranh (đang được giữ ở Bảo tàng Liêu Ninh, Trung Quốc) nhưng chưa làm được. Vậy anh đã làm thế nào?

- Tất cả là nhờ liên hệ, chủ yếu qua mạng. Năm 2011, tôi đọc một bài khảo cứu trên mạng Trung Quốc về hội họa thời Nguyên, có nhắc đến bài viết của nhà nghiên cứu Đới Lập Cường về bức tranh Trúc Lâm Đại sĩ.

Sau đó, tôi liên hệ với ông Đới, một cán bộ lâu năm tại Bảo tàng Liêu Ninh, hiện đã nghỉ hưu. Qua mạng, ông gửi cho tôi bản scan toàn bộ bức tranh cùng 2 tài liệu giám định của bảo tàng, trong đó khẳng định bức tranh mang phong cách hội họa thế kỷ 14 và có giá trị nghệ thuật cao.

Qua ông Đới, tôi liên hệ với Công ty Văn hóa nghệ thuật Đông Phương Bắc Cổ, Bắc Kinh để mua bản sao bức tranh. Họ kết hợp với Bảo tàng Liêu Ninh để độc quyền xuất phẩm bản sao của một loạt tranh cổ chất lượng cao, trong đó có bức Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ.

Trước năm 2012 chưa từng có phiên bản tranh Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ đầy đủ và có chất lượng tốt nào ở Việt Nam. Đầu năm 2012, bức tranh được công bố, song độ phân giải không đủ để phóng to theo tỉ lệ 1:1.

* Anh nhất quyết giữ bí mật về số tiền mua bản sao này?

- Tranh chép của bảo tàng mới đắt chứ bản scan thì giá không quá cao. Tôi không thích xoáy sâu vào giá cả. Thứ nhất, khi đấu giá bên Trung Quốc, có thể người ta gán một cái giá khoa trương như truyền thông đưa tin là 14, hay 18 triệu USD. Thứ hai, tôi thấy nên tập trung hơn vào giá trị lịch sử và nội dung tranh.

Ngoài thông tin về trang phục, vật dụng và phong tục mà chúng ta còn chưa nắm bắt hết, bức tranh còn đưa ra một cái nhìn khác về hội họa Việt Nam. Trước đây không ít người cho rằng Việt Nam không có dòng tranh bác học, cao cấp, mà chỉ có những dòng tranh dân gian như Đông Hồ, Hàng Trống... Thực tế không phải vậy. Chẳng hạn, tranh nhân vật được vẽ vào thời Lê của chúng ta đã đạt đến trình độ đỉnh cao. Nhưng do nhiều nguyên nhân đến nay tranh cổ Việt Nam không còn nhiều.

Một phần Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ, đoạn vua Trần Anh Tông ra đón Phật Hoàng Trần Nhân Tông.
Một phần Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ, đoạn vua Trần Anh Tông ra đón Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

* Thế còn riêng bức Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ?

- Nhiều người nói bức tranh không thể do người Việt vẽ vì quá đẹp, quá tinh tế. Tôi cho rằng đây là lập luận xuất phát từ sự tự ti. Không thể lấy những đặc điểm của nghệ thuật triều Nguyễn để gán cho các triều đại khác trong lịch sử Việt Nam. Có rất nhiều nét văn hóa, nghệ thuật chỉ có ở thời Lý Trần, hoặc thời Lê mà đến thời Nguyễn đã hoàn toàn biến mất.

Về bức Trúc Lâm Đại sĩ, hiện chưa rõ tác giả, ngay như thư pháp của vị quan người Việt làm việc cho nhà Minh là Trần Quang Chỉ qua lời bạt ghép vào sau tranh đã thể hiện một lối thư pháp rất khác biệt so với thời Lê và thời Nguyễn.

* Anh phát hiện ra những thông tin này từ năm 2010 nhưng đến tháng 6/2013 mới công bố trong cuốn Ngàn năm áo mũ. Trong thời gian đó, nhiều nghiên cứu về bức tranh đã được công bố. Tại sao anh "để dành" vậy?

- Việc công bố bức tranh trước hay sau không quan trọng, quan trọng là mình nhìn ra được gì từ trong bức tranh và đằng sau bức tranh.

Một phần đoạn lời bạt mà vị quan Trần Quang Chỉ viết đằng sau bức tranh, có thư pháp rất đẹp, theo đánh giá của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức
Một phần đoạn lời bạt mà vị quan Trần Quang Chỉ viết đằng sau bức tranh, có thư pháp rất đẹp, theo đánh giá của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức

* Nhưng thông tin anh thu thập được về bức tranh vẫn còn khá ít, chỉ 5 trang sách?

- Tất cả những thông tin liên quan và có mức độ xác tín cao, tôi đều đã trình bày. Tôi không nói những gì mình chưa biết hoặc chưa có sử liệu rõ ràng. Về bức tranh, hiện còn một số vấn đề chưa được xác quyết như: tác giả rốt cuộc là ai, bức tranh được vẽ lại theo trí tưởng tượng hay là tả thực, mức độ khả tín đến đâu. Ngoài ra, các dạng trang phục, vật dụng trong tranh quả thực vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ.

Tranh được truyền qua các triều đại phong kiến Trung Quốc

Tranh vẽ vào cuối thế kỷ 14, thuộc sở hữu của Trần Quang Chỉ, một vị thổ quan người Việt thuộc thời Minh.

Vào cuối thời Minh ở Trung Quốc, bức tranh thuộc sở hữu của Hạng Nguyên Biện, người Trung Quốc. Sau đó tranh được đưa vào cung nhà Thanh, triều đại Phổ Nghi – hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc, với danh nghĩ là vật thưởng của Phổ Nghi cho em trai là Phổ Kiệt.

Sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, Phổ Nghi mang các họa phẩm chạy tới thành phố Lâm Giang tỉnh Cát Lâm, rồi bị bắt. Bức tranh được chuyền qua một số cơ quan của Trung Quốc, sau cùng đưa về Bảo tàng Đông Bắc tức Bảo tàng Liêu Ninh ngày nay. (Theo giám định của Bảo tàng Liêu Ninh, Trung Quốc. Thông tin đầy đủ được đăng trong sách Ngàn năm áo mũ).

Mi Ly (thực hiện)

Nguồn: Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast