Trung thu quê tôi

Một trung thu nữa lại sắp về. Ra đường, thấy nơi nào cũng bày bán đầy những đèn lồng và bánh kẹo. Những hộp bánh trung thu đầy màu sắc đẹp đẽ và bắt mắt. Đèn lồng xanh, đỏ, tím, vàng…sặc sỡ với đủ các màu sắc. Không thật tráng lệ và sang trọng như trung thu ở thành phố; rằm trung thu quê tôi – mảnh đất Cẩm Quan quanh năm bị thiên tai hành hạ, cơm ăn còn phải lo chạy từng bữa, nói gì tới những hộp bánh trung thu đắt tiền, xa xỉ. Nhưng trẻ con quê tôi cũng có niềm vui trung thu riêng, không cao sang như ở thành phố nhưng nó thi vị và mang đậm chất quê hương.

Trước rằm trung thu khoảng 1 tuần, tối nào bọn trẻ con trong xóm cũng tụ tập nhau lại; cặm cụi, lúi húi làm đèn ông sao. Những chất liệu dùng để làm đèn hết sức chân quê và quen thuộc: giấy loại, hạt bưởi, thanh tre, và cả những chiếc túi bóng đẹp đẽ mà bọn trẻ đã để nhặt nhạnh để dành từ mấy tuần trước. Khoảng đất cả bọn chọn làm địa điểm tụ hội là ngọn đồi thấp ngay sau làng. Đó là nơi lý tưởng cho những cuộc vui của lũ trẻ trong xóm. Thằng Tín - chi đội trưởng đội thiếu nhi của xóm đảm trách nhiệm vụ đội trưởng đứng ra phân công công việc cho cả bạn. Con trai chịu trách nhiệm làm khung đèn. Lũ con gái khéo tay hơn thì làm phần trang trí. Các anh chị lớp 4, lớp 5 lo phần đèn rước, còn các em lớp nhỏ hơn được giao dùng hạt bưởi xâu thành từng chuỗi để hôm rước đèn đốt làm pháo sáng. Tối nào cũng thế, 7h 30 ăn cơm xong là lũ trẻ đã ầm ĩ, nhốn nháo gọi nhau tụ họp sau đồi. Theo chỉ thị của thằng Tín, bọn trẻ gom lốp cao su hỏng đốt lên làm đuốc để lấy ánh sáng “làm việc”. Công việc chuẩn bị tất bật nhưng đứa nào cũng hào hứng, lòng phấp phỏng chờ tới ngày rước đèn.

Trung thu đến. Ngay từ chiều, đứa nào đứa nấy đều gắng hoàn thành công việc thật sớm để chuẩn bị cho kế hoạch buổi tối. Trời vừa xẩm tối, trẻ con trong xóm đã náo nức tắm rửa, và vội lưng bát cơm rồi xin phép bố mẹ đi rước đèn..

Đêm trung thu, trăng tròn vành vạnh và trong vắt đến lạ kỳ. Ánh trăng vằng vặc chiếu sáng trên khắp các ngả đường quê. Trăng lung linh huyền ảo phản chiếu từng khuôn mặt háo hức trẻ thơ, điểm xuyết và trang trí cho cỗ trung thu thêm phần sống động. Gió thu lồng lộng, thổi tung những mái tóc còn khét mùi nắng cháy của lũ trẻ chăn trâu. Sau khi tập hợp đông đủ, đám trẻ nối đuôi nhau xếp thành hàng dài theo thứ tự bé đứng trước, lớn theo sau. Cứ cách 4 đứa lại được cầm 1 chiếc đèn rước. Trống hiệu là mấy chiếc chậu nhôm méo mó được điều khiển bởi các tay trống nghiệp dư. Tiếng trống vang lên dục dã, đoàn quân rồng rắn nối đuôi nhau lượn quanh khán giả, vừa đi vừa hát vang lời ca “ Chiếc đèn ông sao…sao năm cánh tươi màu…”. Giàn hợp xướng trẻ với đủ các thanh âm cao thấp cất lên rộn rã làm sống dậy cả một góc đồi.

Sau màn rước đèn là những trò chơi quen thuộc được các anh chị lớn bắt nhịp : chơi trốn tìm…thả đỉa ba ba….Và cuối cùng…giây phút phá cỗ cũng đã tới. Những tràng pháo hoa bằng hạt bưởi được đốt lên. Ánh sáng xanh lè cùng làn khói toả ra thơm nồng mùi hạt bưởi quyện vào không khí và theo gió lan toả ra xung quanh. Mùi thơm đặc trưng ấy, nếu được ngửi một lần, sẽ vương vấn theo ta suốt cả cuôc đời.

Lũ trẻ cùng ngồi xuống mảnh nilông trải sẵn, cùng nhau phá cỗ. Hò hát khản cổ, bấy giờ đứa nào đứa nấy đều thấy đói meo. Nào bưởi, nào hồng, nào bánh kẹo và có cả gậy tôn ngộ không làm từ gạo tẻ nữa….Những ánh mắt rạng ngời, những tiếng cười giòn tan…Tất cả hoà quyện và kết tinh thành một đêm trung thu thật vui và đáng nhớ. Để tới lúc cuộc vui đã tàn, mỗi đứa về nhà và mang theo cả tiếng cười vui vào giấc ngủ. Để tối đi ngủ, không ít đứa mơ được gặp chị Hằng.

Tết trung thu ở quê giản dị nhưng thật vui và đáng nhớ. Để rồi, khi xa quê hương, mỗi độ trung thu về, tôi lại không khỏi ngậm ngùi nhớ quê, nhớ những đêm phá cỗ chơi trăng trên ngọn đồi đầy ánh trăng và gió. Đó sẽ là hành trang kỷ niệm mà tôi mang theo suốt cả cuộc đời.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast