Từ câu đối của Trương Quốc Dụng đến sự tích một tên làng

Năm 1827, Nguyễn Công Trứ nhận lệnh cùng Thống quản Phạm Văn Lý cầm quân trấn áp cuộc nổi dậy của Phan Bá Vành. Sau khi sóng yên biển lặng, Nguyễn Công Trứ nhận thấy sở dĩ dân vùng này làm loạn là vì quá đói khổ, không có ruộng đất canh tác trong khi cả một miền duyên hải Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương có nhiều diện tích đất đai phì nhiêu bị bỏ hoang...

Bấy giờ, ông bèn nghĩ ra kế hoạch khẩn hoang vùng đất này để thực hiện sở nguyện mà hơn 20 năm về trước (1804) ông đã trình bày trong Thái bình thập sách (10 kế sách làm cho thiên hạ thái bình) dâng lên vua Gia Long khi nhà vua tuần thú Bắc thành. Một trong những kế sách quan trọng nhất mà ông đề ra là phát triển nông nghiệp để phục hưng kinh tế. Theo ông “muốn an định xã hội và đưa đời sống người dân lên một hoàn cảnh tốt đẹp và cao cả hơn thì phải phát triển nghề nông, lấy nông nghiệp và kinh tế làm căn bản”.

Năm 1828, Nguyễn Công Trứ được thăng chức Hình bộ Thị lang (trông coi việc hình án ở dinh Tổng trấn Bắc thành) kiêm Doanh điền sứ. Lập tức, ông đi kinh lý khắp bãi bồi duyên hải, vẽ bản đồ, cấp phát trâu bò, nông cụ cho dân để khẩn hoang. Chỉ trong 2 năm, Nguyễn Công Trứ lập ra 2 huyện Tiền Hải (Thái Bình) và Kim Sơn (Ninh Bình) cùng 2 tổng Hoàng Thu và Minh Nhất (ven bờ biển Thái Bình, Ninh Bình), khai khẩn được 33.570 ha đất. Năm 1852, đời Tự Đức thứ 5, nhân dân ở 2 huyện Kim Sơn và Tiền Hải cùng nhau xây dựng sinh từ, thờ Nguyễn Công Trứ ngay lúc ông còn sống (75 tuổi). Sự nghiệp kinh bang tế thế đó của Nguyễn Công Trứ không chỉ được nhân dân thành kính tri ân mà triều đình nhà Nguyễn trân trọng ghi công. Đương thời, chưa có một vị triều thần nào được sử sách nhà Nguyễn đề cập đến nhiều như ông. Cùng thời nhưng khác lứa, Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu năm Minh Mệnh thứ 10 (1929), Đông các đại học sĩ Trương Quốc Dụng (1797–1864) người đồng châu với ông (xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà) nhưng thua Nguyễn Công Trứ 19 tuổi và đậu sau ông 10 năm, nhân dịp Nguyễn Công Trứ về hưu đã tặng ông một đôi câu đối:

Lục địa thần tiên, danh trọng Hồng Sơn, Lam Thủy

Vạn gia sinh phật, công cao Tiền Hải, Kim Sơn.

(Tiếng tăm dội Hồng Sơn, Lam Thủy, (cụ) như bậc thần tiên trên mặt đất/ Công cao trùm Tiền Hải, Kim Sơn, (cụ) là ông Phật sống của muôn nhà)

Có lẽ, trong số những văn từ ca tụng Nguyễn Công Trứ lúc sinh thời thì đôi câu đối của Trương Quốc Dụng là một trong những lời đánh giá, ngợi ca Nguyễn tướng công cao nhất và thành kính nhất. Ông Trương đã ngưỡng vọng cụ Nguyễn như là bậc thần tiên của giang sơn, đất nước, là ông Phật sống của muôn nhà; so ngang công danh của Nguyễn ở Tiền Hải, Kim Sơn với tầm vóc núi Hồng sông Lam. Tuy là cách nói khoa trương, nhưng thiết nghĩ, sự so sánh của ông Trương không hề khập khiễng. Nguyễn tiên sinh đã làm được bao nhiêu việc giúp ích cho đời. Cái đáng quý nhất ở Nguyễn là chí hướng bình sinh từng được ông phát biểu một cách hào hứng thì hầu như ông đều thực hiện được một cách trọn vẹn, có trường hợp được thực hiện xuất sắc như sự nghiệp doanh điền. Khác với đa số sĩ phu đương thời, ở ông, lời nói luôn đi đôi với việc làm. Trương đỗ đạt và nhập thế khi Nguyễn đã lừng lẫy công huân. Khi Nguyễn “nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo” thì cũng là lúc Trương đang ở đỉnh cao của sự nghiệp. Điều làm cho Trương kính phục nhất và thấy mình không thể làm được như Nguyễn chính là sự nghiệp doanh điền, là việc Nguyễn lập ra 2 huyện Tiền Hải và Kim Sơn. Nói cách khác, ngoài cái tài an bang định quốc thì cái “nhất điểm linh đài” ở Nguyễn làm Trương cảm khái nhất là tấm lòng rất mực thương yêu, chăm lo cho dân.

Người dân Tiền Hải, Kim Sơn rất kính phục và biết ơn Nguyễn Công Trứ. Lúc còn sống, Nguyễn Công Trứ đã được một làng thuộc huyện Kim Sơn tôn làm thành hoàng. Đó là một trong những lý do khiến cho triều đình nghi ngờ Nguyễn Công Trứ có ý định làm phản. Người làng Dưỡng Điềm kể lại với nhau rằng: ngày đem rượu và trầu cau, bánh trái lên quan Dinh điền sứ xin đặt tên làng, Nguyễn Công Trứ hỏi muốn đặt tên gì, cả đám đứng ngây ra. Cụ Nguyễn cười: được rồi, muốn sao được vậy, tên làng là Dưỡng Điềm, nghĩa là giữ được vẻ thản nhiên, điềm đạm. Có nhiều người tưởng rằng, dân Dưỡng Điềm khinh khỉnh, kiêu ngạo. Sự thật đó chỉ là thói quen của ông cha tổ tiên để lại, giống hệt thuở xưa lúc đưa nhau lên gặp quan Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ để xin đặt tên làng.

Từ đôi câu đối của một đại thần nổi tiếng của triều đình đến sự tích một cái tên làng, Nguyễn tướng công đã trở thành niềm tôn kính chân thành của tứ dân thiên hạ. Ông thực đã đi vào cõi bất tử!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast