Tự hào là ân nhân của gia đình Đại tướng

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đi về với tổ tiên và thế giới người hiền, để lại niềm tiếc thương cho toàn thể dân tộc. Đối với những người may mắn từng được gặp gỡ, gắn bó, gần gũi với Người, bên cạnh nỗi đau thương vô hạn, còn cảm nhận được một niềm vinh dự và tự hào lớn lao. Ông Nguyễn Hữu Tiến ở xã Đức Lập, huyện Đức Thọ là một trong những người như thế.

Ngôi nhà của người cựu giáo viên 92 tuổi đời, 74 tuổi Đảng Nguyễn Hữu Tiến nằm sâu trong ngõ thôn Đông Hòa, xã Đức Lập - Đức Thọ mấy hôm nay im ắng, lặng buồn khi gia đình hay tin Đại tướng mất.

Bức ảnh của Bác Giáp được ông Tiến coi như một báu vật trong nhà
Bức ảnh của Bác Giáp được ông Tiến coi như một báu vật trong nhà

Mặc dù biết rằng, sớm muộn cũng phải có ngày hôm nay, nhưng khi nghe tin Đại tướng ra đi, lòng ông Tiến bỗng dưng quặn thắt. Kỷ niệm về vị Đại tướng tài cao đức trọng mà ông đã may mắn được gần gũi, gắn bó một thời, nay như ùa về vẹn nguyên và ngập tràn trong ký ức của người Thầy giáo - người cộng sản kiên trung đã vào sinh ra tử trong những ngày cả dân tộc còn rên xiết dưới ách thống trị tàn bạo của thực dân.

Căn phòng nhỏ từ lâu được ông sử dụng làm phòng truyền thống của gia đình với nhiều bức hình và kỷ vật ghi dấu những kỷ niệm một thời với vị Đại tướng tôn kính được ông Tiến dọn dẹp, săn sóc cẩn thận hơn thường ngày.

"Phòng truyền thống" của gia đình ông Tiến với nhiều bức hình và kỷ vật ghi dấu những kỷ niệm một thời với Đại tướng
"Phòng truyền thống" của gia đình ông Tiến với nhiều bức hình và kỷ vật ghi dấu những kỷ niệm một thời với Đại tướng

Tuổi cao, sức yếu, không có điều kiện đến nhìn mặt Đại tướng lần cuối, ông chỉ biết ngày ngày hướng về Hà Nội, cầu nguyện cho vong linh của Người được an nghỉ.

Bàn tay già nua run run nâng tấm ảnh của Đại tướng, với cảm xúc dâng trào hiện rõ trên khóe mắt, Ông Tiến bồi hồi kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm êm đềm của đời mình với vị Tổng tư lệnh tối cao của dân tộc.

Năm 1938, mới 16 tuổi, ông Tiến vào học Trường Quốc học Vinh và sớm trở thành một trong những học sinh xuất sắc. Thông qua người bạn học rất thân tên là Nguyễn Quang Dương, em ruột của chị Nguyễn Thị Quang Thái - vợ của thầy giáo Võ Nguyên Giáp, ông Tiến trở thành người thân trong gia đình.

Năm 1940, đồng chí Võ Nguyên Giáp được Nguyễn Ái Quốc cử sang Trung Quốc hoạt động bí mật; chị Quang Thái rất muốn theo chồng để hoạt động cách mạng nhưng phải ở lại do con gái (Võ Thị Hồng Anh - sau này là Giáo sư - Tiến sỹ vật lý) còn quá nhỏ.

Chị Nguyễn Thị Quang Thái và con gái Võ Thị Hồng Anh. Ảnh: TL
Chị Nguyễn Thị Quang Thái và con gái Võ Thị Hồng Anh. Ảnh: TL

Đây cũng là thời gian Thực dân pháp ráo riết truy lùng, bắt bớ các chiến sỹ cách mạng. Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (chị gái của chị Quang Thái) bị bắt giam và bị xử bắn (tháng 8 năm 1941).

Để tránh sự truy lùng của mật thám, chị Thái cùng con gái Võ Hồng Anh phải tạm rời Vinh vào quê nội Quảng Bình. Không ai khác, ông Tiến được giao trọng trách này. Đường vào Quảng Bình biết bao gian nguy rình rập bởi mạng lưới mật thám dày đặc, nhưng ông Tiến đã mưu trí vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ.

Sau này, khi ông Nguyễn Hữu Tiến được gặp mặt gia đình Đại tướng tại nhà riêng, bà Võ Thị Hồng Anh đã không cầm được nước mắt khi nhắc lại những ngày được ông Tiến đùm bọc, chở che trên đường về quê lánh nạn.

Ông Tiến gặp mặt Đại tướng tại nhà riêng của Đại tướng ở Hà Nội
Ông Tiến gặp mặt Đại tướng tại nhà riêng của Đại tướng ở Hà Nội

Năm 1948, đúng vào ngày 19/5, ông Nguyễn Hữu Tiến chính thức được gặp Bác Hồ và đồng chí Võ Nguyên Giáp, lúc đó đã được Bác Hồ phong quân hàm Đại tướng. Hôm đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp thực hiện nhiệm vụ tháp tùng Hồ Chủ tịch đến khai mạc lớp học ở trường Đảng Việt Bắc.

Tại cuộc hội ngộ này, ngoài niềm vinh dự lớn lao được gặp Bác Hồ, ông Tiến còn được gặp gỡ, nói chuyện thân tình với vị Đại tướng trẻ tuổi. Lần đầu tiên gặp mặt, ông đã cảm nhận được điều đặc biệt ở Đại tướng, đó là sự chân chất, hồn hậu; sự sắc sảo, nghiêm cẩn và quyết đoán… đều được kết tinh trong một con người.

“Điều làm tôi day dứt khôn nguôi, đó là khi được gặp Đại tướng thì chị Thái đã không còn. Chị bị bắt vào năm 1942, bị giam cầm tra tấn dã man và mất năm 1944, lúc mới 29 tuổi. Anh Nguyễn Quang Dương, người bạn thân nhất trong trường cũng đã hy sinh” - Ông Tiến trầm ngâm; đôi mắt nhạt nhòa dõi xa xăm qua ô cửa nhỏ.

Sau này, khi trở thành một nhà giáo, là ân nhân của gia đình, ông nhiều lần được gặp gỡ, nói chuyện và được Đại tướng coi như người thân trong gia đình và luôn ân cần chỉ bảo.

Vinh dự và tự hào, ông Tiến suốt đời ngưỡng mộ một nhân cách lớn và luôn khắc ghi trong tâm khảm những lời dặn dò của Đại tướng để làm cẩm nang giúp ông vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Về với đời thường, ông tích cực tham gia công tác địa phương. Nay gần tuổi “bách niên”, ông vẫn luôn là cây cao bóng cả để cháu con và xóm làng soi vào học tập.

Gần tuổi “bách niên”, ông Nguyễn Hữu Tiến luôn là cây cao bóng cả để cháu con và xóm làng học tập.
Gần tuổi “bách niên”, ông Nguyễn Hữu Tiến luôn là cây cao bóng cả để cháu con và xóm làng học tập.

Tiếc thương vị Đại tướng kính yêu, ông Tiến càng rèn cho mình một nhân cách sống mẫu mực. Để trong quảng đời còn lại, ông không phải hổ thẹn với lương tâm, với tình thân mà sinh thời Đại tướng đã dành cho mình.

Mặc dù Người đã đi xa, nhưng trong ông những tình cảm, những lời căn dặn mà ông đã nhận được từ một con người vĩ đại sẽ không có báu vật nào sánh nổi.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast