Từ khát vọng sách hóa nông thôn đến giấc mơ Nobel hòa bình

(Baohatinh.vn) - Suốt 8 năm qua, Nguyễn Quang Thạch (quê xã Sơn Lễ, Hương Sơn) đã rong ruổi trên mọi nẻo đường để cổ động cho chương trình sách hóa nông thôn. Với khát vọng thực hiện một “cuộc cách mạng” thư viện dân sự, với mong muốn người dân nông thôn (nhất là trẻ em) không bị bỏ rơi trên hành trình đến với tri thức, Nguyễn Quang Thạch đang đánh thức cộng đồng bằng tất cả sự tận tụy và niềm đam mê cháy bỏng...

Nhân ngày sách Việt Nam 21/4

Miệt mài trên hành trình đi bộ xuyên Việt

Miệt mài trên hành trình đi bộ xuyên Việt

Người ta gọi Thạch là kẻ “ăn mày sách”, là kẻ “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, thậm chí, có người còn cho Thạch là không bình thường. Đem những điều này ra nói chuyện, Thạch cười: nếu cứ lo “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” thì ai sẽ đứng ra lãnh cái trách nhiệm chung mà trước hết đòi hỏi sự quên mình, đôi lúc còn là sự dấn thân.

Nguyễn Quang Thạch sinh năm Ất Mão (1975), tốt nghiệp THPT Hồng Lĩnh năm 1992, tốt nghiệp Khoa Ngoại ngữ Đại học Vinh năm 1998, là người khởi xướng và vận động chương trình xây dựng tủ sách dòng họ trước đây và nay là chương trình sách hóa nông thôn.

Hoạt khẩu, bang giao, nói tiếng Anh tốt, từng nhiều năm lăn lộn trên thương trường, đùng một ngày, gã ngộ ra rằng, mình phải làm một điều gì đó lớn lao hơn, vì cộng đồng hơn. Gã đồ rằng: lỗ hổng lớn nhất của người Việt nói chung và người dân nông thôn Việt Nam nói riêng chính là thiếu sách. Người ta rất ít đọc sách, thậm chí coi việc đọc sách là một thứ giải trí xa xỉ hoặc quá cao siêu. Gã nghiệm ra rằng: thiếu sách dẫn tới thiếu đi rất nhiều chuẩn mực trong ứng xử. Người ta có thể văng tục, hành động lỗ mãng, vô cảm trước nỗi đau của người khác… Sách dạy con người sống đẹp hơn, cao thượng hơn và chắc chắn là sống có lý tưởng, sống vì mọi người.

Phát động sách hóa nông thôn tại trường Quốc học Huế

Phát động sách hóa nông thôn tại trường Quốc học Huế

Gã cũng nhận thấy rằng: hệ thống thư viện tỉnh, huyện dường như quá hàn lâm và cách biệt với người dân lao động. Sách báo từ bưu điện văn hóa xã thì quá nghèo nàn và hình thức. Học sinh trong nhà trường đang bị chi phối bởi rất nhiều áp lực khiến cho thời gian đọc sách bị thu hẹp đến mức tối thiểu. Điều này đã thôi thúc gã phải khởi xướng một phong trào đọc sách, bắt đầu từ việc xây dựng hệ thống thư viện nhân dân.

Nghĩ là làm. Năm 2007, Nguyễn Quang Thạch bắt tay xây dựng hệ thống tủ sách dòng họ. Từ việc xây dựng những tủ sách dòng họ bên nội, bên ngoại bằng chính nguồn tiền tiết kiệm của mình, gã từng bước tranh thủ mối quan hệ của những người yêu sách, của các nhà hoạt động xã hội để nhân rộng ý tưởng…

Năm 2008, tủ sách dòng họ Đỗ Xuân được thành lập ở thôn An Mỹ, xã An Dục, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình gồm 115 đầu sách. Năm 2009, tủ sách dòng họ xuất hiện ở Hải Dương, Hà Tĩnh, Bắc Giang... Năm 2010, đã có 48 tủ sách dòng họ được thành lập ở 14 tỉnh. Gã bắt đầu trở thành người của công chúng khi được giới truyền thông quan tâm nhiều hơn.

Mô hình tủ sách dòng họ đã nhận được sự ủng hộ của các nhà văn, nhà thơ, nhà sử học như Giáo sư Phong Lê, Phan Huy Lê, Dương Trung Quốc, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Huy Thiệp… Tháng 9/2009, mô hình tủ sách dòng họ giành giải thưởng “Ideas to serve the community” (Ý tưởng phục vụ cộng đồng). Tháng 12/2009, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ra công văn chuẩn hóa mô hình tủ sách dòng họ tại các xã An Dục, Đồng Tiến, An Vũ thuộc huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình).

Tặng sách cho học sinh Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh.

Tặng sách cho học sinh Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh.

Thành công từ chương trình tủ sách dòng họ, Nguyễn Quang Thạch bắt tay xây dựng chương trình sách hóa nông thôn với tham vọng, mọi cộng đồng nông thôn đều có thư viện, có tủ sách và bất cứ người dân nông thôn nào cũng có cơ hội tiếp cận với sách ngay trên chính địa bàn cư trú. Năm 2010, gã thực hiện chuyến đi xuyên Việt đầu tiên bằng xe máy để cổ vũ cho chương trình sách hóa nông thôn. Nơi nào dừng chân, gã cũng tìm hiểu phong trào đọc sách ở địa phương, nói chuyện về sách và vận động thành lập tủ sách.

Năm 2015, Thạch thực hiện chuyến đi xuyên Việt thứ hai nhưng lần này là đi bộ. Có người băn khoăn: trong điều kiện công nghệ thông tin hiện nay thiếu gì cách để kết nối chia sẻ cộng đồng mà lại đi bộ xuyên Việt theo cách hành xác như vậy, gã cười mà rằng: chỉ có đi bộ mới chạm được vào sự đồng cảm của những người yêu sách, của cộng đồng yêu sách và lay động được tình cảm xã hội. Có lẽ gã đúng, bởi sau những chuyến đi, đến nay, Sách hóa nông thôn đã lập ra 120 tủ sách dòng họ, gần 3.000 tủ sách phụ huynh và tủ sách lớp em, 6 tủ sách hậu phương quê hương chiến sỹ. Tổng số sách khoảng 200.000 bản. Khoảng 100.000 học sinh các cấp đã được tiếp cận với sách. Đã có rất nhiều nhân sỹ, trí thức, các nhà hoạt động xã hội, người dân trong và ngoài nước ủng hộ gã cả về tinh thần lẫn vật chất. Thạch đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ tri thức và phát triển cộng đồng thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam với vai trò của một pháp nhân để khâu nối tổ chức.

Khi bài báo này đến tay bạn đọc thì Nguyễn Quang Thạch đang miệt mài đâu đó trên quốc lộ 1A hoặc đang thuyết trình sách hóa nông thôn trên hành trình xuyên Việt lần thứ hai. Với khát vọng thực hiện một cuộc cách mạng thư viện dân sự, với mong muốn người dân nông thôn (nhất là trẻ em) không bị bỏ rơi trên hành trình đến với tri thức, Nguyễn Quang Thạch đang đánh thức cộng đồng bằng tất cả sự tận tụy và niềm đam mê cháy bỏng với sách. Gã cười mà rằng: giờ đây, các tổ chức quốc tế đã biết nhiều tới gã, tới chương trình sách hóa nông thôn và biết đâu, một ngày nào đó, người ta sẽ đề xướng gã vào danh sách giải thưởng Nobel hòa bình cho những nỗ lực không mệt mỏi để phát triển tri thức cộng đồng.

Có thể và cũng không có thể, nhưng ở góc độ cá nhân, cái tên “Nguyễn Quang Thạch” giờ đã được đưa vào từ điển Wilkipedia, gõ từ khóa “Nguyễn Quang Thạch” trên trang tìm kiếm Google xuất hiện hơn 814.000 kết quả trong chưa đầy 30 giây. Sau chuyến đi xuyên Việt này, gã sẽ sang Ấn Độ, sang Israel theo lời mời của đại sứ quán 2 nước để tiếp tục nói về sách hóa nông thôn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast