Tướng trẻ, tướng già và tướng giỏi

Người xưa vẫn dùng câu nói: “Khôn đâu tới trẻ, khỏe đâu tới già” để ám chỉ rằng những người trẻ thì thường khó gặt hái thành công hơn so với các bận đàn anh lão luyện, nhưng xem ra thực tế ở lượt đi Eximbank V-League 2011 lại không cho thấy như vậy.

Lượt đi Eximbank V-League 2011 nhìn từ băng ghế huấn luyện

Trong số 5 đội bóng đứng ở vị trí cao nhất của bảng xếp hạng sau 13 vòng đấu, có tới 3 đội bóng được đặt dưới sự dẫn dắt của các HLV trẻ thuộc thế hệ 7x hoặc cận 7x là SLNA (thứ nhất, HLV Nguyễn Hữu Thắng, sinh năm 1972), SHB.ĐN (thứ 2, HLV Lê Huỳnh Đức, sinh năm 1972), TĐCS.ĐT (thứ 3, HLV Phạm Công Lộc, sinh năm 1969).

Ở 2 đội bóng còn lại thuộc top 5 là Thanh Hóa (thứ 4, HLV Lê Thụy Hải, sinh năm 1946) và HN.T&T (thứ 5, HLV Phan Thanh Hùng, sinh năm 1960) thì chỉ có ông Hải “lơ” mới xứng đáng được coi là một nhà cầm quân lão thành, còn HLV Phan Thanh Hùng thì chưa thể xem là già mà nên gọi là một HLV đang bước vào giai đoạn chín nhất của sự nghiệp.

Năm ngoái, HLV Hữu Thắng và HLV Huỳnh Đức được VFF cho sang nước ngoài theo học một lớp HLV nâng cao và bây giờ 2 đội bóng dưới sự chỉ đạo của 2 vị tướng trẻ này cũng đang bay cao ở V-League 2011. Không nổi bật như SLNA hay SHB.ĐN, nhưng nỗ lực của HLV Phạm Công Lộc với TĐCS.ĐT và HLV Phan Thanh Hùng với HN.T&T cũng rất đáng ghi nhận, bởi ai cũng có thể nói ngay rằng 2 đội bóng này sẽ không thể có diện mạo như hiện nay nếu trên băng ghế huấn luyện của họ không phải là ông Lộc hay ông Hùng.

Vậy còn HLV Lê Thụy Hải thì sao? Trường hợp của nhà cầm quân này quả thật rất thú vị. HLV Lê Thụy Hải ra mắt V-League khá muộn, mãi tới năm 2004 ông mới lần đầu tiên dẫn dắt một CLB ở giải VĐQG chuyên nghiệp là HN.ACB, nhưng cho tới nay ông Hải vẫn là thầy nội thành công nhất ở V-League, với 2 chức vô địch và một danh hiệu á quân.

HLV Lê Thụy Hải có công rất lớn trong thành tích hiện tại của Thanh Hóa
HLV Lê Thụy Hải có công rất lớn trong thành tích hiện tại của Thanh Hóa

Những người không ưa ông Hải thường dèm pha rằng ông thầy này dẫn dắt B.BD vào thời kỳ đỉnh cao của đội bóng thủ đô nên mới dễ dàng gặt hái được những chiến tích như thế, nhưng sự thực không hẳn như vậy. Trước khi tới B.BD, ông Hải từng ghi dấu ấn rất đậm nét ở HN.ACB rồi Đà Nẵng, và nhờ thế mà lãnh đạo đội bóng đất Thủ mới trải thảm đỏ để mời ông về, và trước ông Hải, cũng chưa ai làm được như thế ở B.BD, cho dù được tạo mọi điều kiện.

Tất nhiên, ông Hải không phải là “thánh”, và bản lý lịch V-League của ông cũng có những khoảng lặng như thời kỳ dẫn dắt Thể Công hay V.NB, song mọi nghi ngờ về năng lực của nhà cầm quân đầy cá tính này đã bị xóa bỏ sau khi ông giúp Thanh Hóa trình diễn một lối chơi tưng bừng và tích cực ở lượt đi V-League năm nay.

Dưới quyền chỉ đạo của ông Hải, những cầu thủ tưởng như hết “date” hoặc không phát triển được nữa như Anh Tuấn, Phong Thu, Quang Vinh bỗng nhiên tỏa sáng và chơi cực hay từ vòng này qua vòng khác. So với 4 đội bóng còn lại ở top 5 V-League mùa này, thực lực của Thanh Hóa là khiêm tốn nhất, và ngoại binh của họ cũng xếp hạng kém nhất, nhưng chỉ cần một ông thầy như HLV Lê Thụy Hải, Thanh Hóa đã làm nên rất nhiều bất ngờ.

Dông dài như thế để thấy, dù là đội bóng có nội lực ngoại lực mạnh yếu cỡ nào thì HLV cũng giữ vai trò cực kỳ quan trọng, và chỉ cần một ông thầy cứng tay cũng sẽ giúp các học trò tự tin và mạnh mẽ hơn rất nhiều. Rõ ràng, chẳng ai ngạc nhiên khi HA.GL cứ lận đận năm này qua năm khác mà hành trình tìm kiếm ngôi vương của quá khứ vẫn cứ xa tít tắp, bởi với ông chủ của đội bóng phố núi, ngôi sao sáng nhất của HA.GL không bao giờ là ở băng ghế chỉ đạo.

Theo Thethaovanhoa.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast