US Open 2013: Đến với những huyền thoại

Đến với US Open cũng là khi ta biết rằng các huyền thoại quần vợt thế giới đã ở trong tầm với của mình.

Xem tennis đôi khi không đơn giản như việc ta ngả lưng trên một chiếc sô-pha và cầm cái điều khiển. Cả khi đã chầu chực cả ngày tìm mua những chiếc vé ít ỏi còn sót lại, rồi in chúng ra cẩn thận kẹp trong cuốn sổ, và đến sân trước hàng tiếng đồng hồ thì giấc mơ đến với các huyền thoại đôi khi cũng trở nên mỏng manh. Một cơn mưa có thể làm đảo lộn tất cả. Mà New York mùa này dễ đổ mưa.

Nhưng cũng không dễ để mưa phá hỏng giấc mơ của những người đam mê tennis, hoặc chỉ đơn giản là thích thú với cảm giác muốn một lần trong đời có sự trải nghiệm ở một sự kiện tennis cả năm có đúng bốn lần ở bốn nước khác nhau trên ba châu lục.

Huyền thoại của tennis là Roger Federer, là Rafael Nadal, và những cái tên đã trở nên bất tử như Arthur Ashe đang ở trong kia chỉ cách một cánh cổng. Đó là sự động viên vĩ đại cho đám đông xếp hàng chờ đợi hàng tiếng đồng hồ chỉ với ước ao sao cho cái mặt sân khô thật nhanh.

Tác giả bên trong sân Louis Armstrong
Tác giả bên trong sân Louis Armstrong

US Open 2013 ngày thi đấu thứ tám, Federer có lịch thi đấu cuối cùng ban ngày, còn Nadal đánh trận đầu tiên buổi tối. “Vé ban ngày đã bán hết, xin nhắc lại, vé ban ngày đã bán hết, nên xin đừng xếp hàng ở quầy vé vô ích và cũng đừng cố mua vé chợ đen đầy bất trắc”, người bán vé bắc loa kêu gọi một đám đông khác nhẫn nại xếp hàng.

Vé ở vòng bốn rẻ nhất gần 60 USD ngồi tít trên cao, còn đắt gấp gần chục lần được ngồi sát mặt sân đều không còn cái nào thật.

Cơn mưa từ sáng kéo dài tới giữa chiều ở New York đã buộc trận đấu ở sân Arthur Ashe có 23.000 chỗ ngồi phải chuyển sang sân Louis Armstrong bên cạnh có sức chứa chưa bằng một nửa (10.000).

Thành ra, những người có vé rồi lại phải rồng rắn xếp hàng chờ đợi trước cánh cổng cuối cùng với hy vọng có ai đó bỏ ra ngoài may ra sẽ tới lượt mình. “Phải thấy Federer bằng xương bằng thịt dù chỉ vài giây, xem anh ấy bung cú trái tay huyền thoại một lần thôi cũng được”, người xếp hàng an ủi nhau như thế.

Nhưng khi Federer đã chơi đủ ba set và thua Tommy Robredo (số 20 thế giới), hàng người xếp hàng mới chỉ ngắn đi chứ chưa bớt ngay ngắn. “Liệu anh ấy có gác vợt không? Liệu ta có một lần trở lại đây nữa không”, hai cổ động viên đến từ Ấn Độ buồn bã vò nát tấm vé.

Hình ảnh ấy làm tôi chợt nhớ về Nam Phi của World Cup 2010, nơi có những người hâm mộ bóng đá xếp ghế chờ cả ngày ở cổng trường đại học Pretoria nơi Argentina trú quân chỉ để được nhìn thấy Diego Maradona và Lionel Messi qua ô cửa kính xe hơi chạy vèo qua trong vài giây.

Trong khảnh khắc Federer thua cuộc, lần đầu tiên trong suốt một thập kỷ qua anh phải chia tay US Open từ vòng bốn, ở ngay sân bên cạnh Nadal biểu diễn trong biển người ngồi như kín sân Arthur Ashe.

Lúc ấy, Nadal đang dẫn 6-5 trước Philipp Kohlschreiber (hạt giống số 21, người Đức). Nadal ngồi trên ghế nghỉ kỹ càng lau mồ hôi đang vã ra như tắm trong cái oi ả nhớp nháp, ngước mắt lên màn hình lớn theo dõi Federer đánh đường bóng cuối cùng.

Không rõ trong đầu Nadal nghĩ gì, nhưng ở cuộc họp báo sau trận đấu ấy, Nadal nói thật chi tiết rằng đó là lần thứ ba họ đã đến rất gần nhau: hai lần chỉ còn cách nhau một điểm và lần này cách nhau một trận đấu.

Tám ngày thi đấu đầu tiên ở US Open 2013 như chỉ để giải đáp câu hỏi: Liệu có một lần Nadal và Federer gặp nhau ở giải đấu này không sau khi họ đã đối đầu với nhau 31 lần trên khắp thế giới, khắp các giải lớn nhỏ?

Vậy là Nadal chưa thể gặp Federer ở US Open. Ngay cả Nick Bolettieri, huấn luyện viên huyền thoại cũng coi đó là một trong những điều đáng tiếc nhất.

Nhưng tình cờ gặp trong thoáng chốc, chỉ nghe nói vài câu với Nick người từng huấn luyện hàng chục ngôi sao hàng đầu thế giới, là người duy nhất xưa nay có tới mười học trò cả nam và nữ từng đứng ngôi số 1 thế giới như Andre Agassi, Marat Safin, Maria Sharapova… cũng là một niềm hạnh phúc với những ai luôn cảm thấy tennis chảy rần rật trong máu.

Ngồi trong một cái cabin bình luận nhỏ, Nick chỉ tay lên màn hình chiếu chậm lại cú “swing volley” của Federer, ông cắt nghĩa: “Khi bạn chưa lên kịp sát lưới mà bóng đã tới nơi rồi, hãy giữ nguyên cán vợt như khi đánh thuận hay trái mà “swing” (xoay) khi bóng còn chưa chạm mặt sân. Cú đánh ấy đầy tốc độ, có khả năng ghi điểm lên tới 90%. Tôi đã sáng tạo ra cú đánh ấy cách nay hơn hai mươi năm với nguyên lý và mục đích giản đơn như thế thôi”.

Thế giới tennis rộng lớn. Công viên Corona rộng mênh mông. Nhưng những cuộc gặp gỡ như thế với Nick, đứng bên này sân xem Nadal vẫn thấy Federer chơi những trận đấu đầy mồ hôi, thấy thấp thoáng bóng John McEnroe trong cabin bình luận còn Ivan Lendl, đối thủ duyên kiếp thuở nào đang cho Andy Murray tập lại thấy thật kỳ vĩ.

Cũng như cái sân tennis lớn nhất thế giới cuối cùng lại mang tên Arthur Ashe, một người đã từng tới Sài Gòn trong những năm 1970 với các thành viên khác của tuyển Davis Cup của Mỹ để chơi biểu diễn.

Bản thân Arthur đã suýt bị gửi tới cuộc chiến ở Việt Nam. Chỉ nhờ người anh trai của ông lúc đó đang là một lính thủy đánh bộ vừa hết nghĩa vụ xin ở lại Việt Nam thêm một “nhiệm kỳ” nữa thay thế, Arthua mới được tiếp tục sự nghiệp tennis, để vô địch Wimbledon sau khi đã lên ngôi ở US Open và Australian Open.

Cho tới hôm nay, Arthur vẫn là tay vợt nam da màu duy nhất lên ngôi ở ba giải đấu ấy, một thành tích hay nói đúng hơn là một câu chuyện phi thường để bất cứ ai lần đầu bước lên bậc thềm sân đấu cũng dễ nao nao xúc động.

Phạm Tấn (từ New York)

Nguồn: thethaovanhoa.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast