V.League 2014: Khi bóng đá trở về với chân giá trị

Năm 2013, bóng đá Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm và biến động với đầy những khó khăn và thử thách. Nhưng qua những khó khăn như thế, nền bóng đá Việt đã dần trở lại với chân giá trị của mình. Và V.League 2014 đang được hy vọng sẽ là điểm khởi đầu cho hành trình tìm lại chân giá trị đó.

Hà Nội T&T vô địch V.League 2013 bằng sức mạnh ý chí của cả 1 tập thể - Ảnh: Đức Cường
Hà Nội T&T vô địch V.League 2013 bằng sức mạnh ý chí của cả 1 tập thể - Ảnh: Đức Cường

TỪ CHUYỆN CHIẾC CÚP VÔ ĐỊCH 2013

Cái tên Hà Nội T&T khi mới ra đời vẫn thường được “dịch” là “Tiền& Tiền”. Lý lẽ của điều đó rất đơn giản, vì nếu không có túi tiền của bầu Hiển sẽ không thể có CLB Hà Nội T&T, từ những khoản thưởng kếch xù sau mỗi chiến thắng, những bản hợp đồng chiêu mộ ngôi sao đình đám cho đến những khoản thưởng “nóng” dành cho từng cá nhân xuất sắc...

Cho đến thời điểm này, điều vừa nhắc vẫn không có gì thay đổi khi hãn hữu lắm, chẳng hạn phải đá với những đội đông CĐV như SLNA hay Hải Phòng, Hà Nội T&T mới thu nổi chừng 200 triệu tiền vé trên sân Hàng Đẫy; có nghĩa rằng đội bóng Thủ đô vẫn phải trông vào túi tiền của ông bầu họ Đỗ.

Nhưng một sự khác biệt rất căn bản đã diễn ra chừng 2 năm qua. Kinh tế khó khăn khiến các ông chủ không còn “xông xênh” để treo lên những mức thưởng tiền tỷ giống như vài năm trước và bầu Hiển cũng không phải ngoại lệ. Không những thế, các cầu thủ Hà Nội T&T còn phải chấp nhận cắt giảm 30% lương và giống như nhiều CLB khác, họ cũng phải làm quen với việc trả chậm 3 tháng, nhiều trụ cột gia hạn hợp đồng phải “ký chay” tức là cứ ký đã còn phí lót tay thì ở chế độ chờ...

Đấy là thời điểm sức mạnh của đội bóng Thủ đô bị nhìn nhận bằng ánh mắt ngờ vực, vì một khi đã quen dùng “doping tiền” nó rất dễ tạo ra sự lệ thuộc, câu chuyện vốn không hề hiếm gặp ở V.League. Hoặc, cứ cho rằng thầy trò HLV Phan Thanh Hùng không thuộc tuýp vừa nhắc, họ cũng khó có thể so bì với truyền thống “con nhà nghèo vượt khó” của những đội bóng như SLNA.

Nên giá trị của chiếc Cúp vô địch mùa giải 2013 mà Hà Nội T&T đã giành được không chỉ nằm ở những màn thể hiện ấn tượng trên sân cỏ của thầy trò HLV Phan Thanh Hùng, có lẽ quan trọng hơn rất nhiều là sức mạnh ý chí mà tập thể ấy đã thể hiện trên suốt cuộc hành trình trong một năm mà bóng đá Việt Nam nhìn đâu cũng thấy khó khăn.

ĐẾN CHUYỆN “CHÂN GIÁ TRỊ”

Nhưng Hà Nội T&T không phải là đội bóng duy nhất thành công ở mùa giải trước. Màn thể hiện khá ấn tượng của các cầu thủ trẻ sau thế hệ của Trọng Hoàng khiến SLNA vẫn tự tin về tương lai sau khi mất đi nhiều trụ cột, hoặc V.Ninh Bình sau những thời kỳ loay hoay để biến dòng tiền của bầu Trường thành kết quả tích cực trên sân cỏ đã sở hữu danh hiệu đầu tiên là chiếc Cúp QG và mới đây là Siêu Cúp QG...

V.League 2013 cũng là mùa giải đánh dấu một sự chuyển hướng lớn trong cách thức hoạt động của các CLB. Khác với nhiều năm trước, đã không có những cuộc “đua tiền” diễn ra trên thị trường chuyển nhượng tương ứng là những phi vụ “bom tấn”. Ngôi sao Công Vinh đến phút cuối phải chấp nhận “đại hạ giá” để thoát khỏi cảnh thất nghiệp hay hàng loạt những đôi chân tiền tỷ khác giờ đã “biết điều” hơn rất nhiều.

Khó khăn về kinh tế không hoàn toàn là lý do dẫn đến sự thay đổi vừa nhắc, ở một góc độ khác, nó là câu chuyện của nhận thức. B.Bình Dương trong nửa thập kỷ đi tìm lại ánh hào quang có lẽ đã “đốt” lượng tiền vừa đủ chất đầy chiếc xe container chở thầy trò HLV Lê Thụy Hải trong ngày rước cúp đăng quang năm 2008, nhưng kết cục vẫn trắng tay. “Thiếu gia” XT.Sài Gòn nổi lên như một hiện tượng để rồi tắt ngấm trong ê chề và tủi hổ...

V.League ở tuổi thứ 14 không quá dài nhưng chắc chắn cũng không ngắn để ghi nhận một thực tế rằng tiền bạc không phải là tất cả, hoặc nếu coi nó là chìa khóa của thành công thì cũng rất cần một ông chủ biết cách không ném qua cửa sổ.

TẦM NHÌN MỚI VÀ SỨC MẠNH MỚI

Lần đầu tiên trong lịch sử V.League, trưởng BTC mùa giải 2014 sẽ là một người ngoại quốc, đó là chuyên gia Tanaka Koji đến từ giải nhà nghề Nhật Bản (J.League) - một tiêu chí cho thấy bất chấp hoàn cảnh khó khăn VPF vẫn đang hướng đến mục tiêu nâng cấp V.League theo hướng chuyên nghiệp.

VPF cũng thông báo ngoài các mức thưởng cho chức vô địch, á quân và hạng ba (lần lượt 4, 2, và 1 tỷ đồng) được giữ nguyên giống như mùa giải trước thì họ đã chuẩn bị ngân quỹ khoảng 20 tỷ đồng để hỗ trợ các đội bóng bằng hàng loạt giải thưởng phụ để tăng thêm tính hấp dẫn của giải đấu.

Bên cạnh đó, Phó TGĐ Phạm Phú Hòa cho biết V.League 2014 cũng sẽ là mùa giải mà rất nhiều công tác của VPF như công tác tổ chức giải, công tác trọng tài... sẽ có sự thay đổi toàn diện và triệt để góp sức vào mục tiêu chung là mang đến một hình ảnh tích cực hơn, cuốn hút hơn của giải bóng đá VĐQG.

Song, bất chấp những viễn cảnh màu hồng đó và nỗ lực của các nhà tổ chức, vẫn lời ông Hòa: “Giải vẫn có nguy cơ đổ vỡ nếu tự bản thân các CLB không có định hướng phát triển bền vững mà trước hết là nguồn tài chính ổn định”.

XT.Sài Gòn đang đá thì bỏ giải, K.Kiên Giang đến cuối mùa giải thể vì không có tiền, những bài học của V.League 2013 vẫn còn nóng hổi! Với hầu hết các CLB khác ở thời điểm này, họ khó có thể trông chờ vào một nguồn lực nào đó đột nhiên đến từ bên ngoài mà chỉ có thể hy vọng là đủ sức xoay sở với những gì hiện có trong tay bằng cách phát huy những kinh nghiệm của mùa giải trước.

Nên nếu coi V.League 2013 là điểm bắt đầu của hành trình tìm lại chân giá trị thì V.League 2014 mang theo hy vọng sẽ nhân lên nhiều lần sức cuốn hút của giải VĐQG bằng chính nỗ lực của chúng ta.

Thành công lớn nhất mà V.League 2013 đã làm được, BĐ&CS xin trích đăng ý kiến của CĐV Nguyễn Mạnh Hiền (nguyên chủ tịch Hội CĐV bóng đá Hải Phòng): “Trong hoàn cảnh khó khăn nhưng NHM lại cảm thấy vui vì cầu thủ bây giờ đá thật hơn, đá bằng chính trình độ và tâm huyết của mình để phục vụ khán giả chứ không phải vì tiền”.

Đấy là lý do mà anh Hiền tâm sự rằng cho dù giá vé vào sân Lạch Tray trung bình khoảng 60-70 ngàn đồng thuộc diện cao nhất cả nước nhưng những CĐV như anh vẫn sẵn sàng móc ví để mỗi chiều cuối tuần lại được sống trong bầu không khí bóng đá ở mảnh đất có tiếng là cuồng nhiệt.

Minh Hoàng

Nguồn: Bongda+

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast