Vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa

Trong dòng chảy chung của văn hóa dân tộc, Hà Tĩnh cũng có nền văn hóa truyền thống lâu đời, thể hiện ở cả vật thể và phi vật thể. Và mùa xuân chính là mùa của những lễ hội văn hóa cổ truyền, ở đó văn hóa tinh thần và văn hóa tâm linh được gọi dậy với muôn dáng vẻ phản ánh sự đa dạng trong đời sống cộng đồng.

Văn hóa được hình thành từ chính cộng đồng và phục vụ cộng đồng. Chính vì thế cộng đồng là chủ thể quan trọng để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Hà Tĩnh hiện có 28 lễ hội, trong đó rất nhiều lễ hội phát huy giá trị trong đời sống nhân dân như: Lễ hội đền Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu và tục dâng bánh chưng thờ ngày Tết (Kỳ Anh); Lễ hội Đô Đài và trò đình đụn (Hồng Lĩnh); Lễ hội đền Lê Khôi, Lễ hội chùa Chân Tiên (Thạch Hà), Lễ cầu ngư và hội đua thuyền ở làng Nhượng Bạn (Cẩm Xuyên), Tục thờ thần và lễ cầu ngư ở làng Hội Thống, Hội lễ làng giáo phường Cổ Đạm (Nghi Xuân), Lễ hội Chùa Hương, Lễ kỳ phúc và hội thi vật làng Thuần Thiện (Can Lộc), Lễ hội đền Tam Lang v.v… Có thể thấy cuộc sống càng hiện đại thì văn hóa cổ truyền, nhất là văn hóa tâm linh ngày càng được người dân coi trọng. Khắp nơi từ đồng bằng đến miền núi cao hay sông nước, biển khơi ở đâu cũng có những nghi lễ truyền thống linh thiêng.

Lễ hội đền Lê Khôi ở Thạch Hà được cộng đồng dân cư kế tục và phát triển như một nét đẹp văn hóa của quê hương

Lễ hội đền Lê Khôi ở Thạch Hà được cộng đồng dân cư kế tục và phát triển như một nét đẹp văn hóa của quê hương

Những nghi lễ dân gian là nơi hội tụ sức mạnh của cộng đồng, ngưng kết nhiều ý nghĩa và biểu tượng văn hóa đã được trao chuyển từ đời này qua đời khác. Trong những lễ hội ấy, ta thấy rất rõ sự linh thiêng và cả ánh hào quang chiến thắng của những cuộc chiến tranh vệ quốc trong quá khứ, những vỉa tầng của nền văn minh lúa nước, những ứng xử của con người đối với tự nhiên và sự giao hòa của con người với thiên nhiên cũng như những khao khát, ước vọng của con người về một cuộc sống thái hòa… Lễ hội chính là một phần của di sản văn hóa và là biểu hiện đạo đức của toàn xã hội. Người ta đến với lễ hội không chỉ để cầu xin mà còn để thể hiện niềm tôn kính, ngưỡng vọng đối với các vị anh hùng dân tộc, với Phật và các vị Thánh Thần, thể hiện sự tôn trọng đối với thiên nhiên. Những sinh hoạt văn hóa ấy đưa con người thoát khỏi đời sống hiện thực đến với một thế giới hoàn toàn khác để gửi gắm niềm tin, để tìm kiếm chỗ dựa, để thanh lọc tâm hồn và hướng thiện hơn… Hầu hết những lễ hội này đều do nhân dân làm chủ, các nghi lễ đều được tiến hành một cách trọng thể tại địa điểm sinh hoạt văn hóa chung của làng, của xã. Vì lẽ đó, cộng đồng chứ không phải bất kỳ thủ tục hành chính hay sân khấu nào sẽ khiến các di sản văn hóa được bảo tồn nguyên vẹn.

Để đáp ứng nhu cầu về văn hóa của nhân dân, nhiều năm nay, nhà nước đều dành kinh phí để bảo tồn, phục dựng các di sản văn hóa. Tuy nhiên, với lòng ngưỡng vọng, nhiều cá nhân đã có những việc làm công đức nhằm chung tay bảo tồn, tôn tạo, nâng cấp các di tích lịch sử văn hóa. Trong xu thế ấy có những cá nhân đã bỏ ra hàng tỷ đồng giúp quê hương nâng cấp, bảo tồn đình chùa, miếu mạo như đền Tam Lang (Xuân Lộc – Can Lộc), chùa Phong Phạn (Nghi Xuân), đền Tam tòa Thánh Mẫu ( Ngọc Sơn – Thạch Hà) v.v… Ngoài ra, vai trò cộng đồng còn thể hiện trong việc phát hiện, sưu tầm và hiến tặng những tài liệu, hiện vật liên quan đến các di tích, giúp các giá trị truyền thống được khẳng định.

Đền Tam tòa Thánh mẫu (ở Ngọc Sơn - Thạch Hà) được tôn tạo, nâng cấp bằng vốn đầu tư của các cá nhân hảo tâm đang ngày càng thu hút khách thập phương

Đền Tam tòa Thánh mẫu (ở Ngọc Sơn - Thạch Hà) được tôn tạo, nâng cấp bằng vốn đầu tư của các cá nhân hảo tâm đang ngày càng thu hút khách thập phương

Mặc dù những năm qua cộng đồng đã đóng góp to lớn trong việc bảo tồn di sản nhưng hầu như mới chỉ được quan tâm ở lĩnh vực tâm linh còn những giá trị di sản văn hóa phi vật thể như hát ca trù, ví giặm, chèo kiều… cũng rất cần nhận được sự quan tâm thì vẫn đang bị bỏ ngỏ. Bên cạnh những giá trị tâm linh thì những loại hình văn nghệ dân gian cổ truyền của quê hương cũng cần được bảo tồn, phát huy giá trị, nhất là khi những loại hình này đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại. Sự mặn mà của cộng đồng với vốn cổ của quê hương, sự hảo tâm của những tấm lòng từ thiện sẽ là động lực để những làn điệu dân ca ngọt ngào, đằm thắm và không gian diễn xướng của các loại hình văn nghệ dân gian được sống lại, song hành cùng đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Bên cạnh những ý nghĩa tích cực, một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng dân cư cũng đang làm cho văn hóa tâm linh bị chệnh hướng. Trên cơ sở sự yếu kém của một số BQL di tích, người đi chùa đã khiến chốn thâm nghiêm, thanh cao, tao nhã thành nơi “hối lộ” thần linh. Thay vì tìm hiểu lịch sử và giá trị văn hóa của di tích để tỏ lòng biết ơn, tri ân tiền nhân thì một bộ phận không nhỏ người đi lễ chẳng cần tìm hiểu, đến di tích nào cũng chỉ chăm chăm cầu xin tài lộc cho riêng mình. Điều này không chỉ thể hiện ở các bài cúng tế biểu thị sự tham lam vô độ mà còn thể hiện ở việc dâng tế lễ vật với quá nhiều vàng mã. Và đáng lẽ ra nên bỏ tiền vào các hòm công đức thì những tờ tiền lẻ mới tinh lại được chủ nhân đặt lên tay Phật, bỏ trên bệ thờ…Tình trạng đó khiến nhiều nhà sư đã phải đăng đàn nói rõ tục đốt vàng mã và cúng sao giải hạn không thuộc giáo lý nhà Phật và kêu gọi phật tử, chúng sinh không nên lãng phí tiền của vào những việc vô ích như thế.

Cộng động và nhu cầu tâm linh chính là tấm gương phản chiếu công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Bên cạnh nhưng yếu tố tích cực, vấn đề văn hóa tâm linh cũng đang tồn tại những bất cập cần sự chung sức, đồng lòng của cả cộng đồng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast