Về Cồn Sò di chỉ cha ông

Về Cồn Sò di chỉ cha ông/ Gặp lại tầng văn hoá bốn nghìn năm - câu hát của nhạc sĩ không chuyên, nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Thạch Lạc Hồ Mạnh Hưởng đưa tôi chìm vào miền cổ tích có thật để lần theo dấu vết khảo cổ về với miền đất cổ Thạch Lạc - Thạch Hà.

Một góc quần thể di tích Còn Sò
Một góc quần thể di tích Còn Sò

Theo hướng đông từ thành phố Hà Tĩnh, rẽ Tỉnh lộ 27 qua cầu Đò Hà, ngắm chút nắng sương toả lên từ dòng sông Phủ, tôi vòng xe theo con đường cái quan chạy quanh những hòn rú đất rồi thẳng về Thạch Lạc - một xã thuộc vùng bãi ngang. Thạch Lạc đón tôi bên tả ngạn sông Nga Giang với màu tím lục bình da diết. Ngôi chùa Giang Xá khuất lấp dưới tán đa rộng lớn như ẩn chứa bao điều bí ẩn tâm linh, đồng thời chứa đựng nhiều bè chìm của vùng đất văn hoá. Từ giáp ranh xã Tượng Sơn, đất của hình bóng những con voi đi vào truyền thuyết, vi vu chỉ 2km, tôi đến được điểm di tích lịch sử Quốc gia Cồn Sò.

Trải qua hơn 4800 năm từ khi người Việt cổ sinh sống, đến hôm nay vùng đất biên viễn Thạch Lạc đã thay da đổi thịt rất nhiều. Bộ mặt nông thôn mới của xã đã bước đầu hiện ra xen giữa những lúa khoai biêng biếc của đời thường. Những con đường rộng mở, bê tông hoá nối liền các thôn xóm, chạy thẳng ra những cánh đồng, những ngôi nhà khang trang đỏ rực ngói, xen lẫn những toà nhà cao tầng; trường học, trạm xá, chợ, các ki ốt buôn bán kinh doanh mọc lên san sát và được bố trí ngay ngắn… Tách khỏi không gian giàu sức sống của đời thường, cụm di tích tại cồn Sò tuy được làm mới một số hạng mục, vẫn ẩn hiện những giá trị lịch sử mà lớp rêu phong, phong hoá đã ban cho màu da thuyết phục mắt nhìn. Di chỉ Cồn Sò toạ lạc trên gò đất xưa kia là vùng giáp ranh với biển. Các lớp sò điệp nằm ở tầng sâu được phủ dày các lớp đất cát do thiên tai, mưa bão đem đến là minh chứng thuyết phục và có sức lôi cuốn với tất cả mọi người. Cùng với sự tác động của một khung cảnh thiên nhiên đẹp về địa hình, tạo vật với các loại cây xà cừ, muỗng mọc tự nhiên…. là những vết khắc, chạm trên nền tường, gạch cũ.

Cách đây vài năm, tôi còn nhớ trong một lần về Thạch Lạc thăm người cũ, gặp cụ già ở xóm Vĩnh Thịnh. Dầu không nhớ nổi tên cụ bởi ngần ấy năm bao sự kiện đã chen lấn đầu óc, nhưng tôi vẫn nhớ như in khuôn mặt quắc thước, sáng ngời, cụ kể: “Xưa kia Cồn Sò vốn tĩnh mịch, cây cối um tùm, cỏ cây giăng mắc. Cạnh cồn sò điệp chất cao, bàu cồn Rú nước trong xanh sâu đến 6-7m rợn ngợp mắt nhìn. Nơi đây lại là nơi linh thiêng, ứng nghiệm đến nỗi mỗi chiều tối người ta chẳng dám lại qua; đàn bà, con gái đi qua chẳng dám ghé mắt nhìn”. Ngày ấy người ta chưa thể biết nơi đây là vùng đất người Việt cổ sinh sống, song cảnh quan u tịch với 2 di tích đền Sắc và chùa Tăng Phúc đã làm cho không khí thoát tục trở nên hiện hữu. Trước khi về với Cồn Sò lần này, tôi cũng đã tìm hiểu qua nhiều nguồn tư liệu. Đền Sắc theo sắc phong để lại là ngôi đền thờ thần Tam lang được dựng lên từ trước đời nhà Lê. Gắn với thần Tam lang là nhiều câu chuyện huyền thoại được dệt nên bằng trí tưởng tượng phong phú như chuyện ông Mái bà Mái đẻ ra 3 quả trứng, từ quả trứng nở ra 3 con rồng giữa lòng sông sáng lên những vầng hào quang lấp lánh. Cạnh đền Sắc, chùa Tăng Phúc cũng đã được người xưa dựng lên để biểu lộ lòng sùng kính Đức Phật. Hiện tại chùa đã được duy tu, đầu tư nhiều hạng mục nhằm phục vụ tín ngưỡng cho khoảng vài trăm người trong và ngoài xã. Như vậy, trước khi Di chỉ khảo cổ học được khai quật, Cồn Sò đã tồn tại các tín ngưỡng, phục vụ nhu cầu tâm linh của con người và là một vùng đất linh thiêng, in dấu nhiều kỷ niệm trong kí ức của nhiều người dân mộc mạc. Năm 2003, di chỉ Cồn Sò được tiến hành khai quật, năm 2007, kết quả công bố, nhiều hiện vật đã được đưa vào cất giữ ở bảo tàng. Người ta lúc này, từ các cụ già, tráng niên tới các cháu thiếu niên nhi đồng mới hay đây là địa điểm người Việt cổ sinh sống. Vậy là, nỗi sợ hãi và kính trọng truyền từ đời này qua đời khác của người dân đã thêm có logic và cơ sở. Nhiều người không dấu giếm được vẻ đắc thắng và tự hào đã hùng hồn phát biểu: trước đây chúng tôi cho rằng đây là đất thiêng, bây giờ điều ấy đã không thể chối cãi.

Khu mộ người Việt cổ đang được phục chế lại
Khu mộ người Việt cổ đang được phục chế lại

Nắng đã bắt đầu lấp lánh trên những giọt sương đọng trên những tán lá phát ra những tia ngũ sắc, những hạt cát ban mai mát lạnh bàn chân, với thanh sạch tâm hồn khi đã gác lại hồi ức trở về thực tại, tôi chậm rãi bước chân lắng mình trong khu di tích. Ngắm nhìn những sự vật của quá khứ - hiện tại, những nét chạm khắc trong ngôi đền thiêng, thả hồn mình giờ lâu trước lăng mộ người Việt cổ, trong tôi bỗng dâng lên bao ý nghĩ gần - xa, hư - thực, bao suy nghĩ miên man trước cuộc đời. Chưa hết ngỡ ngàng vì điều khải thị trước di sản ông cha truyền để lại, tôi bỗng giật mình nghe vẳng ra sau bức tường ngôi đền cũ: “Ai đấy?”. Tôi quay lại. Trước mắt tôi là một cụ già ngoài 90 tuổi, râu tóc bạc phơ. Qua trò chuyện tôi được biết cụ là Dương Xuân Định - cán bộ tiền khởi nghĩa ở xã Thạch Lạc. Với giọng nói rành rọt, cụ nói như rót vào tai tôi: “Đền Sắc và chùa Tăng Phúc có lịch sử lâu đời, đã đi cùng nhịp thở tâm linh, đời sống của người dân Thạch Lạc nói riêng, Tam Lạc (tên cũ, sau cách mạng tháng 8/1945) nói chung”. Cụ còn cho hay: “đền Sắc đang trong quá trình hoàn chỉnh hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền công nhận di tích lịch sử”.

Chưa thoả mãn sự tò mò của một người ít hiểu biết, tôi rải bước theo đường vào khu hành chính xã để nhìn ngắm địa thế khu di tích kỹ lưỡng hơn. Quả là một vùng đất đẹp! Bao quanh khu di tích là một cụm công trình kiến trúc thời hiện đại bao gồm trường THCS, trường tiểu học, trường mầm học, trung tâm GDTX huyện, chợ Chùa Sò (bây giờ gọi là chợ Chùa), trạm xá, trụ sở UBND xã, được gắn kết liền mạch và nối liền với sân vận động xã với các hoạt động VHVN-TDTT diễn ra thường xuyên. Đặt trong khung cảnh ấy, Cồn Sò nổi lên là một khu đất thoai thoải vừa đủ để tách khỏi không khí nhộn nhịp đời thường vừa không quá xa cách để luôn sẵn sàng với tinh thần nhập thế. Hoá ra, ở khu di tích này giữa kiến trúc thuộc về tín ngưỡng, thờ tự và công trình phục vụ cho đời sống hàng ngày, giữa quá khứ và hiện tại đã kết nối liền mạch với nhau. Nó không chỉ là sự tiếp nối thời gian và dòng chảy truyền thống mà còn là sự tiếp nối trong cách bố trí không gian, quy hoạch. Đặc biệt, nằm cạnh khu mộ người Việt cổ, xen giữa đền Sắc và chùa Tăng Phúc, đài Tưởng niệm liệt sỹ xã được dựng lên như muốn gửi đến tất cả những ai tâm huyết với mảnh đất này thông điệp: người dân nơi đây luôn coi trọng những giá trị của lịch sử; tổ tiên, di sản vật thể cha ông để lại và tinh thần, ý chí của những người con trung hiếu đã nằm lại nơi chiến trường luôn vĩnh hằng trong mọi trái tim và thước đất quê hương.

Bồn chồn trước bao đổi thay, quẩn quanh với nhiều ý nghĩ, mặt trời cũng đã bắt đầu hắt những ánh nắng đầu hè rát bỏng, tôi tạm xa khu di tích Cồn Sò. Không được nán lại đến chiều tà để thắp nén nhang trong đền Sắc rồi lắng tai nghe tiếng chuông chùa Tăng Phúc ngân vang xen lẫn tiếng tụng kinh, gõ mõ đối với tôi như một sự tiếc rẻ lẽ ra không phải nhận lấy. Về với Cồn Sò lần này, tôi được thực tế cho mình nhiều kiến thức. Hoá ra, Cồn Sò là một quần thể di tích đặc biệt gắn bó chặt chẽ với các công trình, kiến trúc thời hiện đại phục vụ cho cuộc sống đời thường chứ không phải là một cồn sò điệp đơn thuần chỉ gắn với khu mộ người Việt Cổ như ai đó đã lầm tưởng. Giá trị lịch sử là vậy, song vẫn còn đó nhiều câu hỏi về đầu tư, tôn tạo như mong mỏi của đảng uỷ, chính quyền, người dân nơi đây.

Xa Cồn Sò song tôi vẫn dặn lòng sẽ có ngày trở lại. Ngày ấy tôi muốn thấy một Cồn Sò khác hơn, một Cồn Sò lúc này có thể đã thành điểm đến du lịch lý tưởng. Thiết nghĩ, để làm được điều đó, trước mắt cấp uỷ, chính quyền các cấp cần hỗ trợ nhiều hơn nữa cho xã Thạch Lạc để tu bổ hoàn thành một số hạng mục, trước mắt là đón thi hài người Việt cổ về đúng điểm thờ tự; sửa sang, tôn tạo lại khuôn viên, trồng thêm nhiều cây xanh, nhất là cây tự nhiên mà trước đây cha ông thường trồng trong khuôn viên đền, chùa. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, hình thành chiến dịch quảng bá để du khách biết đến, trước hết là khách trong huyện, trong tỉnh. Thiết nghĩ, đấy cùng là ứng xử đúng với lịch sử vì bên cạnh việc quảng bá, đầu tư nhiều di tích thời kỳ hiện đại, nhất là gắn với các sự kiện cụ thể trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chúng ta cần đầu tư tới các di tích thuộc về hằng số dân tộc.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast