Về Kim Liên nghe câu phường vải

(Baohatinh.vn) - “Tay em têm trầu, lá trầu cay Xứ Nghệ, đây miếng cau non thủy chung lòng đào…”. Từng câu hát được nghệ nhân Lê Thị Bích Thủy (CLB Hát ví phường vải Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An) cất lên chan chứa nỗi niềm như bộc bạch bao tấm ân tình của người con gái. Để rồi, mạch nguồn dân ca ấy dễ dàng chảy vào lòng người với những cảm xúc da diết, lắng đọng.

“Đặc sản” trong gia tài dân ca Xứ Nghệ

Ví phường vải khai sinh từ mảnh đất Nam Đàn - quê hương Bác Hồ và được coi là “đặc sản” trong gia tài dân ca Xứ Nghệ. Theo lời kể từ những nghệ nhân kì cựu của CLB Hát ví phường vải Kim Liên, câu hát phường vải được hình thành khi nghề trồng bông, dệt vải thịnh hành trên vùng đất Nam Đàn.

Đường về Kim Liên (Nam Đàn - Nghệ An)

Đường về Kim Liên (Nam Đàn - Nghệ An)

Vào mỗi buổi tối, khi các chị, các cô vừa quay xa, kéo sợi, vừa cất lên làn điệu cũng là lúc những chàng trai kéo đến, hòa vào câu hát. Cũng bởi thế, trong tiềm thức của những người con quê Bác, hát ví còn được xem là “hát uyên ương” với những lời tỉ tê, lúc hóm hỉnh, vui tươi; lúc ngọt ngào, sâu lắng của hạnh phúc lứa đôi.

Về mặt nghệ thuật, Ví phường vải là hoạt động diễn xướng thi tài ứng tác. Những câu thơ trữ tình thuộc thể loại lục bát được biến thể và hát theo làn điệu truyền thống quen thuộc. Cung bậc và kỹ xảo “luyến, láy, rê” của hát phường vải phải theo sát và đi đôi với nhịp điệu quay xa. Quy trình ví phường vải gồm có hát dạo cảnh, hát chào, hát tự tình và hát tiễn hẹn. Những bậc cao niên cũng không thể nhớ Ví phường vải xuất hiện từ khi nào, nhưng tiếng êm ái quay xa hòa chung với tiếng hát trầm lắng dường như đã trở thành hơi thở cuộc sống của cái nôi khai sinh nhiều làn điệu dân ca Xứ Nghệ.

Mạch sữa nuôi lớn tâm hồn

Về quê Bác khi tiết trời còn níu giữ tia nắng ấm hiếm hoi của mùa đông, ý nghĩ tìm đến mảnh đất giàu truyền thống dân ca Xứ Nghệ như đưa tôi chìm vào những xúc cảm. Đối với người dân Xứ Nghệ nói chung và mảnh đất Nam Đàn nói riêng, dân ca Ví, Giặm không chỉ là gia vị không thể thiếu cho món ăn văn hóa tinh thần mà còn là bầu sữa ngọt lành nuôi lớn bao đứa trẻ. Những điệu Ví, Giặm nhẹ nhàng mà sâu lắng được thổi hồn vào lời hát ru của mẹ đã nuôi dưỡng, chăm chút cho dòng chảy tâm hồn của trẻ em nơi đây.

Làng Kim Liên (Nam Đàn - Nghệ An) - nơi khai sinh điệu ví phường vải.

Làng Kim Liên (Nam Đàn - Nghệ An) - nơi khai sinh điệu ví phường vải.

“Thuở nhỏ, tôi đã say mê những câu hát ru mượt mà, tình cảm của ngoại. Để rồi, dù mới nghe lần đầu, bao cảm xúc da diết ấy đã luôn khắc sâu vào tâm hồn. Ký ức tuổi thơ là những lần được nằm nghe ngoại hát, là được đi sâu vào giấc ngủ từ câu hát ân tình. Không biết từ bao giờ, những làn điệu dân ca của quê hương, xứ sở đã ngấm vào máu thịt và trở thành nỗi đam mê cháy bỏng của tôi” - nghệ nhân Lê Thị Bích Thủy hồi tưởng.

Cho đến nay, đã hơn 20 năm, cô Thủy đã nắm giữ và thực hành xuất sắc các làn điệu Ví, Giặm Nghệ Tĩnh như Ví đò đưa sông La, Ví phường vải, Ví đi cấy, Ví trèo non, Giặm cửa quyền, Giặm vè, Giặm kế, Giặm nối... Cô cũng là người trực tiếp biên soạn, viết lời và dàn dựng cho những chương trình văn nghệ mang phong cách dân ca với quy mô lớn.

Dân ca Ví, Giặm đã cho cô được cảm nhận hết cái hay, cái đẹp, thấm đẫm tình người trong từng làn điệu. Cũng bởi vậy, cô Thủy luôn muốn truyền lửa cho thế hệ sau về tinh hoa văn hóa của dân tộc. Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong sự nghiệp ca hát của cô Lê Thị Bích Thủy khi lời thơ cô viết cho con trai “em là Nguyễn Quốc Bảo, học sinh lớp 1A…” được đông đảo trẻ em biết tới và luôn ngân nga mỗi lần đi học về. Hiện nay, em Nguyễn Quốc Bảo (SN 2001) đã trở thành nghệ nhân nhỏ tuổi hát dân ca hay nhất trong đêm liên hoan dân ca Xứ Nghệ do Sở VH-TT&DL Nghệ An tổ chức.

Không biết từ bao giờ, những làn điệu dân ca của quê hương, xứ sở đã ngấm vào máu thịt và trở thành niềm đam mê cháy bỏng của nghệ nhân Lê Thị Bích Thủy (Câu lạc bộ Hát ví phường vải Kim Liên).

Không biết từ bao giờ, những làn điệu dân ca của quê hương, xứ sở đã ngấm vào máu thịt và trở thành niềm đam mê cháy bỏng của nghệ nhân Lê Thị Bích Thủy (Câu lạc bộ Hát ví phường vải Kim Liên).

Nơi hội tụ và lan tỏa

Nơi “chắp cánh” cho ngọn lửa đam mê của những nghệ nhân - CLB Hát ví phường vải Kim Liên được cô Lê Thị Bích Thủy nhắc tới đầy tự hào.

CLB được thành lập từ năm 1990 rồi phát triển, lớn mạnh với hơn 40 nghệ nhân, thường xuyên tổ chức giao lưu với các xã lân cận. Thành viên của CLB không kể già, trẻ, gái, trai đều có một điểm chung là niềm đam mê cháy bỏng với những làn điệu dân ca Ví, Giặm, là tinh thần khao khát được tìm hiểu, học hỏi. Những buổi sinh hoạt, giao lưu văn hóa không chỉ đưa những cái tên như cụ Nguyễn Thị Tam, Nguyễn Thị Út, Trần Văn Tư… trở thành quen thuộc mà còn là sợi dây tơ hồng kết duyên cho các đôi trai gái. Ít ai biết, ở Kim Liên, nhiều thành viên đã tìm được bạn đời từ những câu Ví.

Hiện tại, Nam Đàn có 8 nghệ nhân được phong tặng nghệ nhân dân gian. Trong đó, Chủ nhiệm CLB Hát Ví phường vải, cụ Trần Văn Tư đang được xét để phong tặng nghệ nhân ưu tú. Cụ cũng là người tiên phong trong việc lưu giữ và truyền dạy dân ca. Cuộc sống hiện đại, khi các dòng nhạc thị trường xuất hiện ngày càng nhiều, các nghệ nhân cao tuổi vẫn luôn đau đáu níu giữ phần hồn làn điệu dân ca của quê hương, xứ sở. Họ vẫn cùng nhau thưởng thức bát nước chè xanh, cùng cất lên những câu hát Ví, Giặm để ôn lại quá khứ, để nói lên khúc tâm tình.

Vị chát của chè, âm hưởng ngọt ngào của lời ca và niềm đam mê ca hát như quyện vào sự bình yên của cuộc sống.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast