Về linh sơn Yên Tử

Đứng trên chùa Đồng, ở độ cao 1.068m, tay chạm vào mây ngỡ như trời xanh đã ở trên đầu. Phóng tầm mắt về phía xa xa, phong cảnh núi rừng đẹp như bức tranh thủy mặc lung linh trong nắng, ta cảm nhận được sự hòa hợp thiêng liêng của đất trời, hồn ta như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh...

Chùa Hoa Yên
Chùa Hoa Yên

Ao ước mãi, một ngày đầu xuân Kỷ Sửu tôi đã thỏa tâm nguyện khi được đặt chân lên núi thiêng Yên Tử - danh sơn đất Việt - kinh đô Phật giáo của cả nước. Nhân chuyến ra làm việc ở Quảng Ninh, đoàn cán bộ phóng viên Báo Hà Tĩnh đã có chuyến hành hương về đất Phật với niềm thành kính biết ơn Phật hoàng Trần Nhân Tông và những câu chuyện kỳ bí về núi thiêng Yên Tử. Đi cùng với chúng tôi là anh Nguyễn Trường - Phó TBT Báo Quảng Ninh, một nhà báo, nhà thơ, nhà hướng dẫn du lịch rất thú vị. Thật lạ, đang vào cữ rét nhưng khi chúng tôi bắt đầu xuất phát trời bỗng ấm lên, nắng trong và gió nhẹ. Một cảm xúc trong trẻo ùa về khi tôi nhớ lời người xưa dạy: “Một niệm tâm thành thông suốt đến 3 cõi”... Con đường từ thị xã Uông Bí vào Yên Tử uốn lượn giữa khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ với nước đổ, thác reo ẩn khuất giữa đại ngàn. Từ xa dõi nhìn về Yên Tử, đỉnh núi nhô ra, 2 ngọn vút lên như cánh én tung bay giữa mây trời. ở giữa là núi Yên Tử sừng sững như con voi nằm phủ phục. Tất cả tạo nên một linh sơn Yên Tử vừa uy nghiêm, vừa hùng vĩ.

Theo anh Trường, để lên chùa Đồng nằm trên đỉnh cao Yên Tử có 2 cách. Thứ nhất là đi bộ mất khoảng 6h, phải vượt qua hàng ngàn bậc đá tiếp nối nhau, mặc dầu vất vả nhưng du khách được thả mình dưới những tán rừng nguyên sinh, lắng nghe tiếng suối róc rách chảy, tiếng chim hót véo von. Cách thứ 2 là bằng hệ thống cáp treo. Được biết, mùa lễ hội năm 2008, tỉnh Quảng Ninh đã đưa vào sử dụng hệ thống cáp treo 2 từ chùa Hoa Yên lên Cổng Trời, tiếp với sân ga 1 từ đền Trình lên chùa Hoa Yên khánh thành năm 2001... Vì ít thời gian, chúng tôi quyết định chọn cách thứ 2, đồng thời để được thử cảm giác của mình khi ở độ cao hàng trăm mét.

Chùa Đồng
Chùa Đồng

Bỗng chốc được neo mình giữa khoảng không đất trời, chúng tôi thích thú ngắm nhìn cảnh vật ẩn sau lớp sương mù. Từng tán cây cổ thụ xòe bóng như những chiếc lọng. Thoáng chốc chùa Hoa Yên đã ở trước mặt. Đây là chùa có kiến trúc đẹp và lớn nhất trong hệ thống các chùa ở Yên Tử. Chùa được xây dựng lại từ cuối thời Nguyễn sau khi bị hỏa hoạn. Trước kia, chùa được xây dựng từ thời Lý với tên gọi Vân Yên tự (nghĩa là chùa mây khói) bởi những làn mây thường bay qua đây. Khi vua Lê Thánh Tông vãn cảnh chùa thấy cảnh sắc hữu tình với muôn sắc hoa đã đổi tên thành Hoa Yên tự. Chùa trở thành trung tâm khu di tích, danh lam cổ tự linh thiêng. Tọa lạc trên triền núi nhô ra, ở độ cao gần 600m mà cảnh vật ở đây thật tươi tốt, ấm áp chẳng khác gì đồng bằng. Hai cây đại cổ thụ xù xì với năm tháng, tương truyền vua Trần Nhân Tông trồng cách đây hơn 700 năm vẫn khỏe khoắn vươn cao. Hàng dong lá tía, hoa đỏ rực như những đốm lửa nhỏ vẫy chào du khách. Không gian ở chùa thật kỳ ảo, mênh mông. Văng vẳng bên tai là tiếng suối róc rách, tiếng trúc rì rào, tiếng tắc kè lẫn khuất kêu thảng thốt. Ai cũng muốn hít thở thật sâu để chìm đắm vào hương thơm quyến rũ của phong lan, hoa mộc miên, hoa dẻ nửa hư, nửa thực. Trong chùa Hoa Yên, ở chính điện có bức hoành phi đề “Trúc Lâm Tam Tổ” có 3 pho tượng ngự đài sen. Pho ở giữa là Đức vua Trần, 2 bên là tượng Pháp Loa Đồng Kiên Cương và Huyền Quang Lý Đạo Tài - vị tổ thứ 2, thứ 3 của thiền phái Trúc Lâm. Chúng tôi kính cẩn thắp hương trước anh linh Tam Tổ, lặng trong rì rào tiếng gió lời người xưa vọng về. Qua khỏi chùa Hoa Yên, theo những bậc đá dẫn đường, rừng trúc hiện ra qua làn mây trắng. Từ các khe đá, trúc, địa lan, si đá mọc ra xòe tán lá xanh rờn. Ta như thấy mình lạc vào cõi thiên thai. “Mênh mang, mênh mang, phù vân Yên Tử, vi vi vu vu Trúc lâm Thiền tự...” Câu hát ngọt ngào, mê đắm ấy đưa chúng tôi vào chốn bồng lai, lòng trần nhẹ bẫng, quên hết mọi ưu phiền.

Cáp treo Yên Tử
Cáp treo Yên Tử

Càng gần chùa Đồng, đường lên như thẳng đứng. Ngồi trong cabin cáp treo mà mặt ai cũng tái xanh nhợt nhạt, mắt nhắm nghiền, đôi lúc đánh liều thả mắt xuống phía dưới thấy người thót lại nhẹ bỗng. Thỉnh thoảng anh Trường lại chỉ cho tôi những vạt mai vàng rực. Đây là loại mai quý, cánh dày, màu vàng đậm chỉ có ở núi rừng Yên Tử. Những hàng tùng được trồng từ khi vua Trần Nhân Tông rời bỏ ngai vàng về đây sống cuộc đời tu hành. Trải qua hơn 700 năm, hàng tùng vẫn hiên ngang giữa đất trời, cành lá xanh tươi như vẽ vào nền trời những lưu bút gửi cho mai sau. Hiện nay, Yên Tử có khoảng gần 300 cây tùng cổ thụ với 3 loại, thủy tùng (gõ trắng), thanh tùng (xanh), xích tùng (màu hoa đào). Càng lên, những bậc đá nối tiếp nhau cao vời vợi như thử thách lòng người. Chợt chúng tôi sững người khi thấy từ xa một mái chùa lấp lánh như đóa sen lung linh trong nắng – chùa Đồng. Chùa dựng trên đỉnh cao nhất của núi Yên Tử với diện tích 20m2 được đúc bằng đồng từ thời triều Lê. Lên với chùa Đồng là ta đã đến với cõi phật. Đứng trên đỉnh cao này ta được chạm vào mây, ngửa cổ nhìn trời xanh ngỡ đưa tay là với được. Phóng tầm mắt về phía xa xa, phong cảnh đẹp như bức tranh thủy mặc. Hồn ta thanh khiết và tĩnh lặng vô cùng. Ta như nghe văng vẳng câu thơ của Nguyễn Trãi khi ông đặt chân đến đây: Vũ trụ đưa mắt ngoài biển cả/ Nói cười người ở giữa mây xanh.

"Hô thần nhập tương" tại chùa Đồng - Yên Tử
"Hô thần nhập tương" tại chùa Đồng - Yên Tử

Trong nghi ngút khói hương giữa thinh không đất trời, tưởng như đâu đây thấp thoáng bóng cà sa của Đức Đầu Đà Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông – vị tổ khai sáng dòng Thiền phái Trúc Lâm. Tưởng như đâu đây gương mặt ưu tư của Trúc Lâm Đầu Đà chỉ cho chúng sinh con đường giải thoát phiền đau, khổ lụy, chỉ cho chúng sinh một nẻo về – nẻo về tâm. Trong bài văn tưởng niệm đọc tại lễ kỷ niệm 700 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn vào năm 2008 đã khẳng định “... Hội nghị Bình Than, Diên Hồng một thuở, lấy ý chí toàn dân làm ý chí của mình, chống giặc ngoại xâm Nguyên Mông khiếp đảm, đẩy lùi quân giặc 2 cuộc xâm lăng, chiến thắng vạn quân, giữ nguyên bờ cõi... Dù thời gian có đi qua hơn 700 năm, không gian có biến dịch, song công đức, đạo nghiệp của tổ sư vẫn còn sống mãi trong trang sử vàng son của dân tộc, của phật giáo Việt Nam...”.

Du khách về Yên Tử
Du khách về Yên Tử

Trên con đường duy nhất lên với chùa Đồng có rất đông nam thanh, nữ tú, các bậc trung niên, các ông già, bà lão còng lưng chống gậy, những em bé tơ non, gương mặt ai cũng rạng rỡ lạ lùng. Phải chăng con đường chung ấy là con đường của lòng từ bi, của những mong muốn thiện tâm. Điều đó cắt nghĩa vì sao Thiền phái Trúc Lâm trường tồn mãi với thời gian, khi mỗi người biết tạo dựng một thiên đường cực lạc nơi nhân gian, trong lòng người bằng triết lý thiền, là tâm từ bi che chắn muôn loài.

Chúng tôi xuống núi mà lòng không muốn rời nơi cõi tiên của Phật. Có điều gì đó như níu giữ bước chân. Chào nhé Yên Tử! Lòng lại hẹn lòng mùa xuân sau gặp lại!

Tháng 3-2009

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast