Ví, giặm Nghệ Tĩnh độc đáo từ góc độ ngôn ngữ

(Baohatinh.vn) - Nhà ngôn ngữ học F.de Saussure từng phát biểu: “Phong tục của một dân tộc có tác động đến ngôn ngữ và mặt khác, trong một chừng mực khá quan trọng, chính ngôn ngữ làm nên dân tộc”. Điều ấy có nghĩa, ngôn ngữ dân tộc luôn biểu đạt với mức độ ít hoặc nhiều các bình diện văn hóa của dân tộc đó. Theo đó, ở phạm vi hẹp, cũng có thể nói, ngôn ngữ địa phương cho thấy ít nhiều đặc trưng văn hóa của địa phương. Từ đây, chúng tôi mạnh dạn đi tìm những nét riêng của ví, giặm Nghệ Tĩnh trên cơ sở đặc điểm sử dụng ngôn ngữ.

Trong mỗi làn điệu ví, giặm Nghệ Tĩnh có các đặc điểm riêng biệt về ngôn ngữ

Trong mỗi làn điệu ví, giặm Nghệ Tĩnh có các đặc điểm riêng biệt về ngôn ngữ

Qua khảo sát các văn bản lời và nghe các bài ví, giặm, chúng tôi nhận thấy, ví, giặm Nghệ Tĩnh có các đặc điểm riêng biệt về ngôn ngữ như sau:

1. Dùng từ địa phương với mức độ rất đậm đặc, sử dụng cả thổ âm, thổ ngữ. Đây là đặc điểm rất khác với dân ca các vùng miền, dù các vùng miền khác cũng sử dụng, thậm chí, sử dụng tương đối nhiều ngôn ngữ địa phương như dân ca Nam bộ, Nam Trung bộ, kể cả xứ Huế. Khác ở chỗ, dù trong đời thường, người các xứ sử dụng ngôn ngữ địa phương, nhưng khi chuyển tải vào văn học, nhất là trong âm nhạc thì thường tìm cách diễn đạt mềm mại, uyển chuyển hơn và thường không sử dụng thổ âm, thổ ngữ. Ngược lại, ở Xứ Nghệ, người Nghệ coi việc sử dụng ngôn ngữ Xứ Nghệ như là đặc sản của mình. Không chỉ sử dụng những từ “phổ thông” đối với người Nghệ (như: tui, mô, tê, răng, rứa, ngay cả từ thằng cu) mà còn sử dụng những từ ngữ cục bộ địa phương. Điều này thể hiện cả trên phương diện văn bản (chữ viết) lẫn trong trình diễn, ca xướng. Chẳng hạn, mấy câu giặm sau:

Mấy trăm dân cùng chộ

Mấy ngàn dân cũng tường

Kháp đâu đánh đó

Cứ phép thôn dân

Côộc tre hãy dần.

Việc sử dụng đậm đặc các từ địa phương, bao gồm cả thổ âm, thổ ngữ cho thấy, tính chất của ví, giặm là sản phẩm của người bình dân (trong đó, không loại trừ những người mù chữ) và là sản phẩm sản sinh trong quá trình lao động nên giàu tính sinh động, tươi nguyên, truyền khẩu, không bị ràng buộc về mặt diễn đạt. Điều đó có nghĩa, ví, giặm hoàn toàn có thể được sản sinh bất kỳ đâu trên nền văn hóa Hồng Lam với chủ thể tại đó. Bởi thế, chúng ta mới có các thể ví, giặm tiêu biểu cho từng vùng, như giặm Thạch Hà, giặm Đức Sơn, ví Đô Lương, ví Đức Thọ... Từ đây, có thể giải thích tính dị bản của một số lời dân ca khi mà rất có thể, cùng văn bản đó nhưng người dân đã chủ thể hóa thành thổ ngữ của mình để hát. Xin lưu ý rằng, tính dị bản vốn là đặc điểm của các loại hình văn học dân gian, song, những trường hợp dùng từ ngữ địa phương để trám vào ca từ một cách có chủ ý thì không phải phổ biến.

Chẳng hạn, trong bài Thử lòng chung thủy: từ “Trước mự nói mự thương” đến “bạc tình chi rứa mự”, có rất nhiều từ ngữ mang sắc thái địa phương được người dân và cả nghệ sĩ sau này hát như: (lợn) ục ịch - ụt ịt, (cau) chanh – tranh - loong, trầu – trù (thì rụng cuống), (tiền) đít – đứt (chạc), truồng – chuồng, mốc – môốc (trong buồng). Điều này là hoàn toàn có lý bởi trong cộng đồng sử dụng ngôn ngữ Nghệ Tĩnh, có rất nhiều cộng đồng sử dụng ngôn ngữ rất riêng, chẳng hạn như Nghi Lộc (Nghệ An), miền biển vùng Nghi Xuân (Hà Tĩnh), thậm chí, trong một huyện, 2 xã giáp ranh là Thạch Hương, Thạch Điền (Thạch Hà) nhưng một số từ cũng dùng khác nhau, tương ứng là trầu – trù, trâu – tru, trốc – trôốc, anh – enh, trứng – trớng, canh – cenh… Hơn thế, điều đó còn do sự chi phối của tính cách, một tính cách ham thích thể hiện sự cứng cỏi, nói như Vũ Ngọc Khánh là “bất chấp”, thậm chí, “tự hào về sự bất chấp này” của người Nghệ. Chẳng thế mà, ngay cả trong tình cảm cũng đòi hỏi rạch ròi, phân bua:

Em thương ai thì em nói đit đi

Kẻo tiếc công anh lặn lội

Mấy năm ni trời tròn

(Đi tìm người thương)

Từ “đit”, từ “ni” cùng với cách nói khẩu ngữ, chủ động để ý tứ hiển hiện rõ ràng đã ít nhiều cho thấy tính cách khác các miền khác của người Nghệ.

2. Sử dụng từ xưng hô theo khuynh hướng kéo gần các mối quan hệ. Cũng xin lưu ý rằng, từ xưng hô trong ví, giặm rất phong phú, nhưng chúng tôi chỉ nhấn mạnh các từ xưng hô làm nên nét độc đáo của ví, giặm Nghệ Tĩnh. Điều này trước hết được thể hiện ở từ xưng hô thân tộc, cụ thể là từ “mự”. Trong bài Thử lòng chung thủy, có đoạn:

Trước mự nói mự thương

Cau tui dành để trên buồng

Trù tui dành để ngoài nương

Tiền thì buộc chạc trong rương

Lợn thì ục ịch trong chuồng

Chọng thì đục sẵn trong buồng

Giừ mự nói không thương

Cau thì tranh (chanh) hạt trên buồng

Trù thì rụng cuống ngoài nương

Tiền thì đứt chạc trong rương

Lợn thì bỏ cám trong chuồng

Chọng thì bỏ môốc trong buồng

Chứ bạc tình chi rứa mự?

Chi bạc tình rứa mự?

Từ “mự” trong ngữ cảnh này có sức biểu cảm nhất định, tạo nên sự thú vị trong tình ý bài hát. Ở đó, người con trai biểu thị mối hoang tâm và hờn trách. Chẳng thế mà, ngay sau 1 câu đề dẫn “trước thì mự nói…” đến 4 câu với cấu trúc tương tự theo dạng liệt kê (đoạn 2 tương tự) và kết thúc bằng một cấu trúc đảo ngược (bạc tình chi – răng bạc tình). Từ “mự” là từ xưng hô thân tộc, có chức năng kéo gần mối quan hệ giữa người xưng hô và người được hướng đến. Trong bối cảnh, niềm tin tưởng đã sắp đứt gãy, chia lìa, người con trai sử dụng từ “mự” (vốn không dùng trong quan hệ đôi lứa) như muốn khẳng định mối quan hệ tưởng như đã chắc chắn, từ đó làm cho sự bạc tình của người con gái càng lên cao hơn. Như vậy, cái được khẳng định thông qua từ “mự” ở đây là mối quan hệ mà người con trai đã nhầm tưởng. Và, cái thú vị cũng đến từ đấy: người con trai, thông qua ngữ điệu và tình ý của lời hát, có ý hờn trách và thắc mắc, song, trong thực “bụng” vẫn khẳng định mối quan hệ gắn bó thân thiết (ngay từ đầu lời hát và cuối lời hát).

Bên cạnh từ “mự”, trong lời hát, người Nghệ còn dùng các từ xưng hô quen thuộc nhưng theo cách riêng, như từ: bạn. Từ “bạn” ở dân ca Nghệ Tĩnh hầu hết đều đi kèm yếu tố “tình” làm giảm nghĩa của từ bạn – vốn là từ chỉ quan hệ khách quan. Chẳng hạn: Này là bạn tình ơi ơ... Một số ngữ cảnh sử dụng từ “anh” có tên tuổi đi kèm như trong Bần hát ghẹo: Đến đây em hỏi anh Bần… Từ “Bần” đi kèm từ xưng hô “anh” giúp xích gần khoảng cách giữa 2 đối tượng. Thậm chí, đến khi giao duyên qua lại, từ “anh” được lược bỏ, chỉ còn tên “Bần”: Em đố Bần câu này nha. Trong thực tiễn xưng hô, khi đối tượng xưng tên kèm theo đó là từ xưng hô ở phía trước thì quan hệ đó thường là quan hệ trong cuộc, gần gũi.

Cách sử dụng từ xưng hô của ví, giặm Nghệ Tĩnh như trên cho thấy, người Nghệ có xu hướng kéo gần các mối quan hệ trong hát giao duyên, đối đáp. Từ đây cho thấy, nét tính cách rất nổi bật của người Nghệ là trọng nghĩa tình và rất hồn hậu. Đấy cũng là lý do giải thích tại sao ví, giặm được sử dụng làm một “kênh” để đôi lứa tìm hiểu và đến với nhau nên vợ, nên chồng. Đó là một nét đẹp có từ ngàn đời của người Nghệ, chỉ thực sự mai một khi đất nước bước vào công cuộc kiến thiết, cùng với đó là sự phát triển của phương tiện truyền thông.

3. Sự ngắt nhịp dị thường trong một số đoạn hát. Cụ thể, đây là những đoạn hát mà giữa ý nghĩa của ngôn ngữ và thao tác ngắt nhịp không tương ứng với nhau. Có nghĩa, cách ngắt nhịp đã không bám theo ý nghĩa của từ, thậm chí, chia tách từ, cụm từ, câu thành các liên kết phi logic. Khi diễn tả sự bàng hoàng vì đứt gãy mối tơ duyên, người con trai hát:

Trước mự nói/ mự thương.

Cau tui dành/ để/ rồi mì trên buồng.

Trù tui dành/ để/ rồi mì ngoài nương.

Tiền thì buộc/ chạc/ rồi mì trong rương.

Lợn thì ục/ ịch/ rồi mì trong chuồng.

Chọng thì đục/ sẵn/ rồi mì trong buồng…

(ở đây các dấu chấm chỉ là phân biệt trên văn bản, trong khi hát, dấu chấm bị xóa nhòa (không ngắt nhịp ở chỗ có dấu chấm). Các trường hợp sau cũng tương tự). Việc cố tình ngắt nhịp không tuân theo logic nghĩa của từ, cụm từ, câu ở đây nhằm diễn tả tâm trạng rất bàng hoàng của chủ thể. Ở một đoạn khác, khi diễn tả tâm trạng xốn xang, chờ đợi và mong mỏi, ngôn ngữ của người con trai đã trở nên rối loạn:

Chứ nước sông Lam rồi mì vời vợi.

Cây Hồng/ Lĩnh/ rồi mì điệp/ trùng.

Lòng như/ núi/ rồi mì như non.

Dạ như/ bể/ rồi mì như nguồn.

Dù sông/ cạn/ rồi mì đá mòn.

Chua ngọt/ cũng/ rồi mì đã từng.

Lòng đã/ hẹn/ rồi mì với lòng.

Ta nhất/ tâm/ rồi mì đợi bạn.

Có thể thấy, ở một số trường hợp, việc ngắt nhịp đã phá vỡ chuẩn tắc tạo nên sự chệch chuẩn rất nghệ thuật. Thông thường đó là những trường hợp mà chủ thể trữ tình xáo trộn về tâm lý và lý trí không còn tường minh, đó có khi là nỗi thất vọng, có khi là nỗi nhớ mong, cũng có khi là sự níu kéo tình thế. Đặc điểm này đem đến sự thú vị của ví, giặm Nghệ Tĩnh. Bởi, nó vừa thể hiện sự tinh tế của người hát trong việc sử dụng nhịp, điệu trở thành một tín hiệu tạo nghĩa, vừa cho thấy tính phong phú, tự do của sáng tác, vốn dĩ xuất phát là từ người dân lao động.

4. Bên cạnh các đặc điểm thể hiện trong lời hát, bên ngoài lời hát, ví, giặm Nghệ Tĩnh còn cho thấy cách sử dụng từ ngữ rất độc đáo. Ở Nghệ Tĩnh, những người hát ví, giặm nổi tiếng thường được gọi rất nhiều tên dân dã: dái (dái Thông, dái Kình, dái Bốn), o (o Nhẫn - Kỳ Anh); o Bình, o Năm, o Tám, o Đĩ Em (Thạch Hà); dì (dì Sương ở Thạch Hà), ông (ông Nhường), cố Ngờn… Trong số các từ trên thì từ o vẫn phổ biến nhất. Ở quan họ, người hát được gọi là liền anh, liền chị. Ở chèo, người diễn giỏi thường được gọi theo vai diễn: đào, kép.

5. Ngoài các đặc điểm về ngôn ngữ, nét riêng của ví, giặm còn được thể hiện ở hình thức khuyên răn, thậm chí, còn xuất hiện hình thức loại thể: dặm khuyên. Các bài ví, giặm nổi tiếng nói về khuyên răn có thể kể: Phụ tử tình thâm, Thập ân phụ mẫu và rất nhiều bài dặm khuyên về các ứng xử ở đời. Đây cũng là đặc điểm mà dân ca các vùng miền thường không thấy xuất hiện.

Qua khảo sát trên, có thể thấy, ví, giặm Nghệ Tĩnh có ít nhất 4 đặc điểm về ngôn ngữ độc đáo, ngoài ra còn có thêm 1 đặc điểm về nội dung - tính chất khuyên răn. Từ đây, theo tôi, trong chặng đường bảo tồn, phát huy ví, giặm Nghệ Tĩnh, nhất là phục hồi các bài hát đã có, cần có sự nghiêm ngặt trong sử dụng ngôn ngữ địa phương, hạn chế việc thay thế từ địa phương bằng từ phổ thông. Chẳng hạn, khi người con trai đối đáp xong hỏi lại người con gái, có dị bản đã được nhiều nghệ sĩ hát:

Chứ trai nam nhi đối được

Gái bốn mùa chừ tính sao?

Từ “được” và “sao” thường không được người Nghệ dùng, phải chăng đó là từ “đặng” và “răng”? Nếu thay 2 từ đó vào câu trên, sắc thái Nghệ trở nên đậm đà hơn nhiều. Tương tự là đoạn hát:

Trước mự nói mự thương/ Cau tui dành để trên buồng… nhiều nghệ sĩ vẫn hát là “tôi”. Có lẽ đó phải là từ “tui”. Một số từ thường được thay thế, hoặc được tạo mới trong một số bài ví, giặm sau này như: người (ngài), bầu (bù), nào (mô), đứt (đit),… thiết nghĩ, cần có sự điều chỉnh để thống nhất. Bởi vì, suy cho cùng và như đã phân tích về tính cách, thói quen sử dụng ngôn ngữ trong ví, giặm của người Nghệ, ngôn ngữ thể hiện đặc trưng văn hóa của cộng đồng.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast