Xây dựng hình ảnh người Thành Sen văn minh, thanh lịch

Thực hiện Nghị quyết (NQ) T.Ư 5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thời gian qua, TP Hà Tĩnh không chỉ chăm lo bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn mà còn đặc biệt chú ý xây dựng hình ảnh con người mới của thành phố. Hôm nay, hình ảnh con người Thành Sen văn minh, thanh lịch đang hình thành rõ nét ...

Xây dựng đô thị xanh - sạch - đẹp tạo nên nét văn minh, hiện đại của TP Hà Tĩnh. (Ảnh chụp trên đường Xô-viết Nghệ Tĩnh - phường Nguyễn Du). Ảnh: Quốc Khánh

Xây dựng đô thị xanh - sạch - đẹp tạo nên nét văn minh, hiện đại của TP Hà Tĩnh. (Ảnh chụp trên đường Xô-viết Nghệ Tĩnh - phường Nguyễn Du). Ảnh: Quốc Khánh

Để thực hiện thành công các nhiệm vụ và giải pháp của NQ T.Ư 5, ngay sau khi có các văn bản hướng dẫn của cấp trên, Thành ủy Hà Tĩnh (trước đây là Thị ủy) đã xây dựng kế hoạch học tập nghị quyết trong toàn Đảng bộ, đồng thời chỉ đạo UBND thành phố, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết. Quán triệt tinh thần đó, UBND thành phố đã chỉ đạo các phường, xã, thôn xóm cụ thể hóa nghị quyết bằng các nội quy, quy chế, hương ước, quy ước và ban hành 4 đề án cùng một số quy chế thuộc lĩnh vực văn hóa như: các đề án “Nâng cao chất lượng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị”, “Xã hội hóa công tác vệ sinh môi trường, thu gom rác thải”, “Một số giải pháp giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội”, “Nâng cao chất lượng dạy và học tin học, ngoại ngữ trong các trường phổ thông”; quy chế quản lý đô thị, cây xanh đô thị. Bên cạnh đó, UB MTTQ thành phố trực tiếp chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Bao trùm lên các nhiệm vụ đó, những năm qua, thành phố tập trung hướng đến xây dựng hình ảnh con người mới vừa có những tố chất truyền thống vừa mang tính thời đại. Đồng chí Lê Ngọc Châu – Phó Bí thư Thành ủy cho biết: “Những năm qua, thành phố đã tập trung chỉ đạo các hoạt động tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng, cổ động trực quan và thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ để xây dựng hình ảnh người Thành Sen văn minh – thanh lịch. Đó là những con người có ý thức trách nhiệm và tình cảm công dân đối với thành phố, có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, sống có nghĩa tình, có trách nhiệm với tập thể, tôn trọng kỷ cương, phép nước, quy ước cộng đồng, nội quy cơ quan, đơn vị”. Theo đó, thành phố đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị xây dựng các điển hình tiên tiến và tổ chức vinh danh các bí thư chi bộ giỏi, tổ trưởng xóm phố giỏi, nông dân sản xuất giỏi, CCB gương mẫu, lao động giỏi, lao động sáng tạo…

Thời gian qua, 4 đề án về văn hóa và các nội quy của thành phố đã được các cấp chính quyền và các đoàn thể triển khai hiệu quả. Người dân thành phố sống chan hòa, phát huy truyền thống yêu thương, đùm bọc nhau, đồng thời cũng không ngừng vươn tới, làm chủ những tri thức hiện đại. Đến nay, 100% xóm, phố, cơ quan, đơn vị trên địa bàn đã có quy ước, hương ước, nội quy và thực hiện có hiệu quả. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, xóm phố văn hóa thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân, góp phần xây dựng các cộng đồng dân cư vững mạnh. Đến nay, tỷ lệ gia đình văn hóa của thành phố đạt 86,6%, so với năm 2000 tăng 26%, tỷ lệ xóm, phố văn hóa đạt 71% tăng 51%, 19% đơn vị được công nhận danh hiệu văn hóa các cấp, tăng 18,4% so với năm 2000.

Thực hiện mục tiêu xây dựng con người mới, thành phố cũng rất chú trọng đến sự nghiệp GD–ĐT và KHCN. Đến nay, 100% trường học có nhà tầng, 33 trường đạt chuẩn quốc gia, 100% phường, xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, THCS và mầm non trẻ 5 tuổi, 76,8% giáo viên đạt trên chuẩn, 99,7% đạt chuẩn… Hướng đến mục tiêu CNH–HĐH, thành phố quan tâm đầu tư trang thiết bị hiện đại và phối hợp với các tổ chức nước ngoài bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên. Không chỉ khẳng định mình trên các lĩnh vực KHKT, người Thành Sen còn khẳng định tài năng VHNT thông qua các sáng tác về âm nhạc, văn học và nhiếp ảnh, hội họa. Hàng năm, từ các cuộc thi “Vẽ tranh về thành phố em yêu”, đào tạo nhiếp ảnh cho học sinh, tổ chức hội thi tiếng hát dân ca trong các trường phổ thông, liên hoan nghệ thuật quần chúng và các đợt phát động sáng tác… thành phố đã phát hiện nhiều nhân tài mới trong lĩnh vực VHNT. Bên cạnh đội ngũ văn nghệ sỹ có tuổi đời, tuổi nghề cao như nghệ nhân Thanh Minh; nhà thơ Duy Thảo, Ngọc Phú; nhạc sỹ Quốc Đính, Quốc Nam, Ngọc Thịnh; nhà văn Đức Ban; nhiếp ảnh Sỹ Ngọ, Văn Bảy; họa sỹ Nguyễn Anh Tuấn… là đội ngũ văn nghệ sỹ trẻ tài năng, đam mê sáng tạo như: Quốc Việt, Sỹ Chinh, Trần Nguyên Phú, Trần Quỳnh Nga, Việt Hà, Huỳnh Năm, Minh Ngọc, Minh Đức… Bên cạnh đó, hàng năm, thông qua các hội diễn văn hóa, văn nghệ, TDTT… các giá trị văn hóa truyền thống lại được khôi phục và phát huy như dân ca ví giặm, đua thuyền, múa lân, cờ thẻ, kéo co…

Sau 15 năm thực hiện NQ T.Ư 5, tuy vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục nhưng TP Hà Tĩnh đã xây dựng được hình ảnh con người Thành Sen văn minh, lịch sự. Tình yêu quê hương, đất nước, nếp sống văn minh đô thị, ý thức về môi trường sống của người dân thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trình độ văn hóa, KHKT, kỹ năng lao động và thể lực của người dân ngày càng được nâng cao là nền tảng vững chắc cho thành phố phát triển trong thời gian tới.

Nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh: “Cần xây dựng nếp sống xã hội học tập một cách công phu”

Từ xa xưa đến nay, bao giờ cũng thế, nếp sống ở đô thị khác hẳn nếp sống ở nông thôn. Đó là nơi người dân được tiếp cận sớm với những thành tựu tiên tiến của văn hóa, KHKT và văn minh nhân loại. Chính vì lẽ đó, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thành phố cũng cần phải xây dựng nếp sống xã hội học tập một cách công phu, trong đó cán bộ, đảng viên phải là người gương mẫu. Không chỉ nghe, nhìn, con người cần rèn luyện văn hóa đọc, bởi ở sách có những nguồn tư liệu, kiến thức mà truyền thông nghe nhìn không mang đến được. Khi con người có kiến thức, có nhận thức thì sẽ xác định được thế nào là nếp sống mới, thế nào là văn minh, lịch sự. Trong giao tiếp và lao động, họ sẽ nhận thức đúng và tìm được cái mới, cái hay, cái đẹp, cái tiến bộ để tiếp cận và học tập; hình thành văn hóa ứng xử một cách vừa tiên tiến vừa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Cư dân thành phố cũng là những con người có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều nền văn hóa, trào lưu văn hóa… nên họ phải là người đi đầu, gương mẫu trong việc hình thành nếp sống của xã hội. Nếu không có trí tuệ, không có bản lĩnh vững vàng thì những mặt trái của các trào lưu văn hóa thế giới lại dễ nhiễm vào nhận thức làm băng hoại giá trị đạo đức truyền thống. Yêu cầu đặt ra cho các thế hệ trẻ là phải luôn luôn học tập để tiếp cận các nền văn hóa thế giới một cách có chừng mực, biết chọn lọc và đặc biệt là phải biết vận dụng văn hóa truyền thống vào đời sống hiện đại một cách có văn minh.

Anh Phạm Mạnh Hiền – Phó Trưởng phòng Văn hóa thể thao TP Hà Tĩnh: Giới trẻ Thành Sen tích cực xây dựng đời sống văn minh, tiến bộ

Hiện nay, quá trình hội nhập đã tác động rất lớn đến nhận thức, lối sống, sinh hoạt của giới trẻ. Trước tình hình đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể vào cuộc rất tích cực để giáo dục nếp sống văn minh đô thị cho người dân. Hiện nay, cái mới du nhập ngày một nhiều qua nhiều phương thức nhưng qua nhiều kênh giáo dục, vấn đề này tại TP Hà Tĩnh đang trong tầm kiểm soát… Mặc dù đâu đó đã và đang có một bộ phận thanh niên do nhận thức kém và thiếu sự sát sao trong giáo dục của gia đình đã bị mặt trái của cái mới tác động nhưng phần lớn giới trẻ Thành Sen đều hướng đến đời sống văn minh, tiến bộ.

Thông qua các nhà trường, tổ chức đoàn thể địa phương, hầu hết thanh niên đã được giáo dục và tham gia vào các hoạt động cộng đồng. Nhờ đó, nhận thức về giá trị văn hóa truyền thống và ý thức tiếp cận cái mới một cách có chọn lọc của giới trẻ ngày càng nâng cao.

Chị Trần Quỳnh Nga – Hội VHNT: “Thành phố cần phát huy giá trị các di tích văn hóa trên địa bàn”

Ngày nay, những di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn thành phố như: Khu lưu niệm Bác Hồ, đền Võ Miếu (Tân Giang), Văn Miếu (Thạch Linh), Khu di tích Núi Nài (Đại Nài), Nhà lưu niệm danh họa Nguyễn Phan Chánh… đã được quan tâm đầu tư xây dựng, tôn tạo và khai thác góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho thế hệ trẻ. Chính những bài học thẩm thấu từ các giá trị di sản văn hóa này đã quyện thấm và có tác động không nhỏ đến quá trình sáng tác văn học. Bóng dáng kiến trúc của thành phố, đời sống tâm linh, quá khứ hào hùng, cốt cách con người Hà Tĩnh và hơi thở cuộc sống mới đều có mặt ít nhiều trong các sáng tác của tôi. Và tôi tin là với các bạn trẻ khác cũng vậy, nếu hiểu được những giá trị truyền thống từ các di tích thì tâm hồn và suy nghĩ của các bạn cũng sẽ nhuần nhị hơn, hài hòa hơn giữa yếu tố truyền thống và hiện đại. Cuộc sống ngày càng phát triển với tốc độ của Internet, của “số hóa” khiến không ít người, nhất là thế hệ trẻ dễ bỏ quên những giá trị truyền thống. Chính vì vậy, trong thời gian tới, thành phố cần phát huy giá trị các di tích trên địa bàn nhằm góp phần tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ, cùng nhau xây dựng hình ảnh con người mới Thành Sen vừa đậm cốt cách truyền thống vừa văn minh, thanh lịch.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast