“Ý tưởng xây cáp treo vào hang Sơn Đoòng không có lỗi”

Việc xây dựng cáp treo ở những điểm đến du lịch không có lỗi. Nhưng lỗi sẽ xảy ra nếu không tính toán tốt những phương án cụ thể trong quá trình xây dựng.

Quảng Bình đang lên kế hoạch xây cáp treo vào hang Sơn Đoòng. Mặc dù kế hoạch chỉ mới ở giai đoạn khảo sát, lập dự án và chưa có lộ trình cụ thể về thời gian khởi công hay đưa vào hoạt động, nhưng thông tin này ngay lập tức đã tạo ra nhiều dư luận trái chiều.

Một bên thì cho rằng với tuyến cáp treo này sẽ tạo cơ hội cho nhiều người muốn khám phá hang động tự nhiên lớn nhất thế giới, Sơn Đoòng. Và ở góc độ kinh tế thì đây là cũng là cơ hội để phát triển kinh tế cho tỉnh Quảng Bình. Thế nhưng ở một khía cạnh khác, nhiều người lại cho rằng tuyến cáp treo này sẽ phá nát cảnh quan thiên nhiên của khu rừng quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, làm tầm thường hóa sự kỳ vĩ của hang động lớn nhất thế giới này.

Để rộng đường dư luận cũng như có góc nhìn đa chiều về câu chuyện nên hay không nên xây cáp treo tại các khu du lịch Việt Nam, phóng viên VOV đã có cuộc trò chuyện với ông Phạm Trung Lương, Viện trưởng viện nghiên cứu và phát triển Du lịch (Bộ VHTTDL).

Ông Phạm Trung Lương, Viện trưởng viện nghiên cứu và phát triển Du lịch (Bộ VHTTDL). Ảnh: TTXVN
Ông Phạm Trung Lương, Viện trưởng viện nghiên cứu và phát triển Du lịch (Bộ VHTTDL). Ảnh: TTXVN

PV:Thưa ông, sự việc tỉnh Quảng Bình quyết định xây dựng tuyến cáp treo qua hang Sơn Đoòng đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều từ phía người dân. Còn ở góc độ du lịch, ông đánh giá như thế nào?

Ông Phạm Trung Lương: Cáp treo thứ nhất là một phương tiện để vận chuyển hành khách. Đối với những người có tuổi, hoặc những người không có đủ sức khỏe, cáp treo rất quan trọng để đưa họ đến nơi họ không có khả năng đến được.

Thứ hai, người đi cáp treo có thể trải nghiệm những giá trị cảnh quan từ trên cao. Tôi cho rằng cáp treo khá thuận lợi cho những khu vực có cảnh quan. Đấy là những lợi ích của cáp treo.

PV: Rõ ràng như ông vừa nói thì cáp treo có nhiều lợi ích thiết thực đối với việc phát triển du lịch. Nhưng những tác động mà hệ thống này gây ra đối với cảnh quan cũng không phải là nhỏ?

Ông Phạm Trung Lương: Khi nói đến việc xây dựng cáp treo, ở một địa điểm cụ thể, chúng ta cần phải tính toán kỹ lưỡng, chứ không chỉ dựa trên những lợi ích mà cáp treo có thể đem lại. Tôi cho rằng chúng ta hoàn toàn có khả năng xây dựng cáp treo ở những nơi có cảnh quan, thậm chí ở những nơi tâm linh như Yên Tử, Chùa Hương… Trên thực tế, đó là những nơi dự án cáp treo vận hành rất tốt.

Bản thân tôi nghĩ rằng, việc xây dựng cáp treo, hay việc chúng ta đưa ra ý tưởng xây cáp treo ở những điểm đến du lịch không có lỗi. Nhưng sẽ có lỗi có nếu chúng ta không tính toán tốt những phương án cụ thể trong quá trình xây dựng. Đó là việc không quan tâm đến câu chuyện phá vỡ cảnh quan. Nếu không tính toán kỹ việc lựa chọn những trụ, trạm đến thì sẽ gây tác động khá lớn đối với cảnh quan môi trường ở những khu vực đó.

Ánh sáng thần kỳ ở hang Sơn Đoòng. Ảnh: Ryan Deboodt
Ánh sáng thần kỳ ở hang Sơn Đoòng. Ảnh: Ryan Deboodt

PV: Việc quy hoạch các khu du lịch hiện nay đang được thực hiện thiếu bài bản, dẫn đến các kế hoạch đưa ra bất ngờ. Đánh giá của ông về điều này?

Ông Phạm Trung Lương: Quy hoạch một sản phẩm cụ thể, ở đây là cáp treo phải phải nằm trong quy hoạch tổng thể. Khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng đã có quy hoạch tổng thể. Việc cáp treo nằm ở khu vực nào tôi nghĩ những ý tưởng đó trong quy hoạch tổng thể có lẽ đã phải có. Nghĩa là ở hang động nào, khu vực nào có thể phát triển cáp treo. Còn cụ thể ở khu vực đó, nhưng nằm theo sườn nào, độ cao bao nhiêu, độ dốc bao nhiêu… thì phải có quy hoạch chi tiết cụ thể đối với dự án riêng của cáp treo.

Còn nếu như trong quy hoạch tổng thể, khu vực đấy chưa đưa hệ thống cáp treo vào, thì chúng ta vẫn hoàn toàn có thể điều chỉnh quy hoạch nếu thấy việc cáp treo đem lại lợi ích nhiều hơn là tác động tiêu cực.

Du khách cắm trại trong hang Sơn Đoòng. Ảnh: National Geographic

Du khách cắm trại trong hang Sơn Đoòng. Ảnh: National Geographic

PV:Nhiều người lo ngại rằng việc xây dựng cáp treo tại một hang động vốn luôn là sự thử thách lớn không chỉ với những người mê du lịch tại Việt Nam mà còn trên thế giới bởi sự mạo hiểm và kỳ vĩ của nó, sẽ trở nên tầm thường và không hút được du khách. Ý kiến của ông thì sao?

Ông Phạm Trung Lương: Việc thu hút du khách còn phụ thuộc vào sự đa dạng của điểm đến. Nếu ở Quảng Bình, cụ thể Phong Nha – Kẻ Bàng, ngoài cáp treo lên hang động, người ta còn đi tắm suối, du lịch sinh thái… Điểm đến cáp treo chỉ là một lựa chọn. Như vậy người ta vẫn lưu lại, chứ không phải đi đến cáp treo lên rồi xuống. Điều này hoàn toàn không đúng.

Thị phần khách có rất nhiều. Những du khách thích thể thao mạo hiểm sẽ không sử dụng cáp treo. Họ sẽ tự đi bộ, tự khám phá. Chúng ta có mời họ cũng không sử dụng cáp treo. Còn cáp treo để phục vụ những người có nhu cầu lên hang, nhưng không có sức khỏe. Chúng ta vẫn nên đáp ứng nhu cầu đấy của họ. Đó là quyền rất chính đáng của con người.

PV:Được biết Thụy Sỹ là quốc gia đầu tiên nghĩ ra việc làm cáp treo. Thế nhưng hiện nay nước này lại đang hạn chế việc xây dựng cáp treo vì lo ngại những tác động của loại hình này với môi trường. Ông có thể cho biết quan điểm của ông về điều này?

Ông Phạm Trung Lương: Có thể trong quá trình thiết kế, vận hành người ta mới phát hiện nảy sinh ra các yếu tố ảnh hưởng đến sự an toàn của du khách. Chứ không phải chủ trương làm cáp treo bị cấm hoàn toàn ở Thụy Sỹ.

PV: Như đỉnh núi Kanubalu ở Malaysia cũng không được phép sử dụng cáp treo, ngoài ra còn hạn chế số lượng người leo núi mỗi ngày. Vậy nếu có cáp treo, số lượng du khách ồ ạt kéo đến chắc hẳn sẽ ảnh hưởng tới di sản được UNESCO công nhận, thưa ông?

Ông Phạm Trung Lương: Chính xác là như thế. Vì nếu lượng khách lên quá nhiều, quá tải sức chứa, sẽ tác động không tốt môi trường. Tuy nhiên, chưa có một con số nào cụ thể để nói cáp treo sẽ kéo theo lượng khách ồ ạt. Chuyện vài trăm người ấy đã vượt quá ngưỡng sức chứa thì chưa ai khẳng định mà tất cả đều là cảm nhận nên chúng tôi nghĩ phải có những nghiên cứu nghiêm túc về vấn đề này .

PV:Ông có cho rằng việc phát triển cáp treo sẽ đồng nghĩa với việc công ăn việc làm của người dân bản địa bị thu hẹp?

Ông Phạm Trung Lương: Không phải như vậy. Việc xây dựng cáp treo tạo nên một điểm nhấn, một sức hút để lượng khách lớn hơn đến với điểm đến. Như vậy du lịch cộng đồng vẫn sẽ phát triển, chứ không phải cáp treo cướp mất công ăn việc làm của bà con. Quan điểm đấy cần phải xem xét lại. Bởi bản thân cáp treo có nhiều yếu tố để hấp dẫn du khách đến, kéo theo nhu cầu về ăn uống, nghỉ ngơi… Một khi nhu cầu tăng lên, người dân hoàn toàn có khả năng tham gia khai thác dịch vụ du lịch.

PV:Quảng Bình nói rằng nếu các cơ quan chức năng, các nhà quản lý và UNESCO không đồng tình thì sẽ không xây dựng tuyến cáp treo này. Vậy về phía Viện nghiên cứu phát triển du lịch đã nhận được lời mời tham vấn nào chưa, thưa ông?

Ông Phạm Trung Lương: Hiện chúng tôi chưa nhận được lời mời tham vấn nào!

PV:Xin cảm ơn ông!

Theo VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast