Bảo mật thông tin bằng thiết bị mật mã an toàn

Hiện nay, tội phạm về công nghệ thông tin, đặc biệt là tội phạm công nghệ cao ngày càng có chiều hướng gia tăng và phức tạp. Những kẽ hở về bảo mật và an toàn thông tin luôn là bài toán khó khăn đặt ra cho các tổ chức và doanh nghiệp trong quá trình phát triển các dịch vụ cung cấp cho người dùng.

Thiết bị mật mã tích hợp trong các sản phẩm dùng trong thông tin liên lạc và truyền số liệu thuộc đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị mật mã hiệu năng cao có khả năng tích hợp trong các sản phẩm dùng trong thông tin liên lạc và truyền số liệu” do kỹ sư Đặng Minh Tuấn - Viện KHCNQS - làm chủ nhiệm.

Kỹ sư Tuấn đang bảo vệ đề tài.
Kỹ sư Tuấn đang bảo vệ đề tài.

Thiết bị bảo mật tối ưu

Hiện nay, có nhiều giải pháp, sản phẩm ra đời nhằm hạn chế sự xâm nhập trái phép, đánh cắp thông tin của các hacker. Các sản phẩm thường gặp là hệ thống mã hóa luồng thông tin (thoại, luồng IP...), hệ thống xác thực chữ ký số, hệ thống mạng riêng ảo (VPN), hệ thống tường lửa (Firewall), hệ thống giám sát, hệ thống chống truy cập trái phép IDS, IPS...
Các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu thiết bị mật mã theo công nghệ FPGA (cấu trúc mảng phần tử logic khả trình). Theo kỹ sư Đặng Minh Tuấn - Chủ nhiệm đề tài - nhóm tập trung nghiên cứu nhằm khắc phục các nhược điểm của các sản phẩm bằng phần mềm, tận dụng các ưu việt của các sản phẩm bằng phần cứng và phù hợp với khả năng tài chính của các đơn vị nghiên cứu.
Trên cơ sở phân tích các phương pháp tấn công mạng trong thời điểm hiện tại, đồng thời nghiên cứu các giải pháp công nghệ đang được áp dụng trên thế giới, các nhà khoa học đã phân tích các giải thuật mã hóa, đánh giá độ mật và lựa chọn thuật toán phù hợp với điều kiện thực tế.
Sản phẩm có một số tối ưu về thuật toán mã khối nhằm tăng tốc độ mã hóa, nâng cao tốc độ xử lý do các thành phần mã hóa sử dụng phần cứng.
Kỹ sư Đặng Minh Tuấn cho biết, ưu điểm nổi bật của thiết bị là có tính linh hoạt trong việc thay đổi tính năng của bộ mã hóa, giải mã tốc độ cao, nâng cao chất lượng bộ mã hóa và giải mã. Thiết bị có khả năng áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như mạng Internet, thông tin vệ tinh, chính phủ điện tử và thương mại điện tử.
Sản phẩm của đề tài mang tính khoa học và thực tiễn cao được tạo ra trên cơ sở năng lực khoa học và điệu kiện kinh tế kỹ thuật Việt Nam, khẳng định sự tiến bộ của công nghệ bảo mật thông tin trong nước, dần tiếp cận với công nghệ tiên tiến của thế giới.

Kỹ sư Đặng Minh Tuấn.

Kỹ sư Đặng Minh Tuấn.

Lấp “kẽ hở” bảo mật thông tin

Hằng năm, Việt Nam có hàng nghìn cuộc tấn công mạng lớn nhỏ nhằm vào các cơ quan, tổ chức nhà nước, doanh nghiệp... gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế, uy tín. Đặc biệt, các cuộc tấn công mạng với chủ ý đánh cắp thông tin mật đe dọa đến an ninh quốc gia.
Bên cạnh các nỗ lực phòng ngừa tấn công mạng như tăng cường đội ngũ nhân sự chuyên trách quản trị mạng, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp còn đầu tư trang bị các phần mềm chuyên dụng cảnh báo và phòng ngừa các vụ tấn công từ bên ngoài nhằm hạn chế và ngăn chặn các ý đồ xâm nhập.
Kỹ sư Tuấn cho biết, sau khi triển khai thử nghiệm và sử dụng rộng rãi ở Việt Nam thì có thể triển khai, mở rộng tại một số nước trong khu vực lân cận. Đối với các sản phẩm mã hóa bảo mật bằng phần cứng, sản phẩm có khả năng cạnh tranh trong việc tùy biến các thuật toán và chính sách bảo mật theo yêu cầu các cơ sở sử dụng ở trong nước. So với một số sản phẩm nhập ngoại, ngoài chi phí giá thành thấp hơn, sản phẩm còn có lợi thế về khả năng duy tu bảo hành nhanh chóng, kịp thời, hỗ trợ kỹ thuật tốt.
Trong bối cảnh vấn đề an ninh mạng và bảo mật thông tin đặt ra nhiều thách thức, ứng dụng của thiết bị mật mã do các nhà khoa học Viện KHCNQS – Bộ Quốc phòng nghiên cứu sẽ là một giải pháp hiệu quả, tiết kiệm chi phí cho các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng.

Sản phẩm của đề tài cũng đã tạo ra một số công nghệ nền tảng và công nghệ lõi cho một số dòng sản phẩm phần cứng và phần mềm trong lĩnh vực an toàn bảo mật thông tin, cung cấp thêm một lựa chọn cho các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu mã hóa tốc độ cao, mềm dẻo trong chính sách bảo mật và một số giải pháp, sản phẩm có khả năng ứng dụng hữu hiệu trong lĩnh vực thương mại điện tử và chính phủ điện tử.

Nguồn: Laodong.com.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast