Chạy đua TV công nghệ chấm lượng tử

TV chấm lượng tử là bước phát triển của TV LED với khả năng hiển thị được cho là không thua kém TV OLED nhưng tạo lợi thế cạnh tranh về giá.

CES 2015 chứng kiến sự đổ bộ của nhiều mẫu thử TV công nghệ chấm lượng tử - quantum dot. Các nhà sản xuất đều nói rằng công nghệ này giúp nâng cao chất lượng hình ảnh, cải thiện màu sắc cho TV và là xu hướng mới của ngành công nghiệp hình ảnh, khi cuộc đua độ phân giải đã đến chuẩn 4K.

Quantum dot là bước phát triển của TV LCD giúp nâng cao chất lượng hình ảnh.
Quantum dot là bước phát triển của TV LCD giúp nâng cao chất lượng hình ảnh.

Thực chất, quantum dot không phải là phát minh hoàn toàn mới. Nó được tìm từ đầu thập kỷ 80 bởi hai nhà khoa học người Nga là Alexander Efros và Aleksey Ekimov. Nghiên cứu độc lập khác được thực hiện bởi Louis Brus trong một dự án nhằm cải thiện các bóng bán dẫn tại Bell Labs. Brus phát hiện rằng phản ứng hóa học trong dung môi sẽ tạo ra các hạt có kích thước khác nhau và tùy vào kích thước sẽ phát ra ánh sáng có màu sắc tương ứng. Áp dụng công nghệ này vào các mẫu TV LCD/LED sẽ giúp tạo ra hình ảnh chất lượng tốt hơn.

Bản chất của các mẫu TV LED hiện nay là TV LCD đèn LED với ưu điểm là thiết kế mỏng, tiết kiệm điện năng và tỏa nhiệt thấp. Tuy nhiên so với công nghệ cũ là Plasma (được coi là đã chết) hay công nghệ mới OLED thì TV LCD thua ở khả năng tái tạo màu sắc, đặc biệt là màu đen không sâu.

Lợi thế của công nghệ chấm lượng tử là cải thiện khả năng hiển thị so với TV LED thông thường mà vẫn cạnh tranh về giá .
Lợi thế của công nghệ chấm lượng tử là cải thiện khả năng hiển thị so với TV LED thông thường mà vẫn cạnh tranh về giá .

Công nghệ chấm lượng tử hứa hẹn giải quyết vấn đề cơ bản trên của các mẫu TV LED hiện nay. Bằng việc thêm vào các tinh thể nhỏ ở trên lớp nền của TV LED, nó sẽ giúp biến ánh sáng xanh của đèn LED thành ánh sáng trắng chứa tất cả màu sắc trong quang phổ. Ánh sáng này không chỉ tái tạo toàn bộ dải màu mà mắt người nhìn thấy mà còn tạo ra những điểm đen đậm và sâu hơn.

So với OLED, TV công nghệ chấm lượng tử được giới thiệu cho chất lượng hình ảnh không hề thua kém. Tuy nhiên, OLED TV có giá thành cao nên phần lớn các nhà sản xuất trong ngành công nghiệp đặt nhiều hi vọng vào TV LED quantum dot. Ông Michael Edelman, chuyên gia trong lĩnh vực chấm lượng tử cho biết: "Điểm hấp dẫn với các nhà sản xuất là chấm lượng tử rất dễ áp dụng. Về cơ bản, dây chuyền sản xuất TV LED hiện tại không phải điều chỉnh nhiều. Như vậy, người dùng có thể sở hữu những mẫu TV có chất lượng tốt hơn với chi phí thấp".

Samsung là nhà sản xuất đầu tiên trình diễn SUHD TV.
Samsung là nhà sản xuất đầu tiên trình diễn SUHD TV.

Tại triển lãm CES 2015, nhà sản xuất TCL của Trung Quốc đã giới thiệu mẫu TV sử dụng công nghệ chấm lượng tử có kích cỡ 55 inch. Trong khi đó, hai nhà sản xuất màn hình Philips và AOC cũng đều sẵn sàng chuyển tới tay người tiêu dùng các dòng sản phẩm màn hình chấm lượng tử cỡ nhỏ nửa đầu năm nay.

Hai ông lớn đến từ Hàn Quốc cũng mang đến hàng hoạt TV quantum dot, trong đó, LG ra dòng TV Super UHD sử dụng công nghệ Color Prime, công nghệ này được tạo bởi hệ thống đèn LED mới và chấm lượng tử. Samsung giới thiệu dòng SUHD TV, nổi bật với tinh thể nano giúp mở rộng dải màu, mức độ hiển thị màu gấp 64 lần, độ sáng gấp 2,5 lần so với dòng TV UHD thông thường. Loạt TV SUHD Samsung gồm 3 dòng là JS9500, JS9000 và JS8500, kích thước từ 55 inch đến 88 inch.

Theo Đình Nam/VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast