Công nghệ thông tin mang lại những giờ học lý thú, bổ ích

(Baohatinh.vn) - Năm học vừa qua, tiêu chí về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của ngành Giáo dục Hà Tĩnh đã được Bộ GD&ĐT đánh giá xuất sắc và là một trong những đơn vị dẫn đầu. CNTT đã hỗ trợ đắc lực cho giáo viên, góp phần mang lại những giờ học lý thú, bổ ích cho học sinh (HS).

Công nghệ thông tin mang lại những giờ học lý thú, bổ ích ảnh 1
Việc ứng dụng CNTT mang lại cho học sinh Trường Mầm non Bình Hà (TP Hà Tĩnh) nhiều giờ học hấp dẫn, lý thú.

Phong trào ứng dụng CNTT đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong các trường học ở Hà Tĩnh và trở thành một tiêu chí quan trọng trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, thi đua dạy tốt, học tốt. Em Gia Bảo - Trường Mầm non Bình Hà (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Cháu thích nhất là giờ học kể chuyện, bởi chúng cháu được xem hình ảnh minh họa qua màn hình nên dễ nhớ nội dung câu chuyện”.

Không chỉ bậc mầm non, HS tiểu học và phổ thông cũng bị cuốn hút bởi các giờ giảng như: Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn, Tin học, Tiếng Anh… Qua bài giảng điện tử, giáo viên có nhiều thời gian đặt câu hỏi gợi mở, tạo điều kiện cho HS hoạt động nhiều hơn. Các tiết học cũng trở nên nhẹ nhàng, HS dễ tiếp thu và ghi nhớ kiến thức ngay tại lớp.

Thầy Phan Thanh Dân - Trưởng phòng GD&ĐT Lộc Hà cho biết: “Đây là bước tiến lớn trong việc cải tiến phương pháp dạy học, tạo tính chủ động, sáng tạo, nâng cao chất lượng học tập, đồng thời, kích thích tư duy sáng tạo, bồi dưỡng năng lực tự học, tự giải quyết vấn đề và khả năng thực hành cho HS. Chính vì thế, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng thời gian qua, 33 trường học trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy, mang lại hiệu quả tích cực”.

Riêng năm học 2015-2016, từ nguồn kinh phí của tỉnh, các trường ở Lộc Hà được bổ sung thêm 28 bộ máy chiếu, máy tính, thiết bị nghe nhìn trị giá hơn 1 tỷ đồng. Ngoài ra, từ nguồn xã hội hóa, nhiều trường đã được đầu tư phòng máy, phòng học Tiếng Anh với đầy đủ trang thiết bị nghe, nhìn hiện đại như Trường THCS Mỹ Châu, Tiểu học Hộ Độ, Tiểu học Ích Hậu… Mỗi giáo viên đều chú trọng khai thác thông tin để phục vụ bài giảng qua các tư liệu mở và mạng internet. Mỗi người phấn đấu mỗi năm có ít nhất 2 tiết thao giảng bằng giáo án điện tử.

Thầy Trần Xuân Bình - Phó trưởng Phòng Giáo dục THCS (Sở GD&ĐT) cho biết: “Không riêng Lộc Hà hay các vùng trung tâm mà ở vùng sâu, vùng xa, việc ứng dụng CNTT cũng đã trở thành phong trào sôi nổi. Ngoài đầu tư trang thiết bị cho công tác giảng dạy, việc ứng dụng CNTT còn được thể hiện qua hệ thống cổng thông tin điện tử, website giáo dục theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; điện tử hóa công tác văn phòng, xây dựng hệ thống tra cứu điểm thi, hệ thống quản lý trường học online, hộp trực tuyến…”.

Đến nay, việc triển khai kết nối internet băng thông rộng đã được triển khai tại 100% đơn vị trường học bậc mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trung cấp, cao đẳng, đại học, các phòng, trung tâm giáo dục thường xuyên. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay, các cấp học trên địa bàn toàn tỉnh đã có 349 phòng với gần 7.000 máy tính, gần 600 máy chiếu đa năng. Từ năm học 2014-2015 đến nay, khối các trường mầm non, tiểu học, THCS tổ chức gần 1.000 lớp đào tạo, bồi dưỡng phổ cập tin học cơ bản, thiết kế bài giảng điện tử, hơn 800 chuyên đề về ứng dụng CNTT trong dạy học với gần 33.000 giờ dạy...

Sự phát triển của công nghệ thông tin đã góp phần rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền. Những kho kiến thức mở, phần mềm ứng dụng cho việc dạy và học đã trở thành “người trợ giảng” đắc lực, góp phần làm cho những giờ học thêm sinh động, cuốn hút, kích thích sự sáng tạo, tư duy của người học. Đây cũng được xem là một trong những hoạt động thiết thực trong việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast