Dịch vụ viễn thông - Cuộc đào thải khốc liệt!

(Baohatinh.vn) - Thời đại công nghệ số bùng nổ là bàn đạp cho cuộc đua tranh gay gắt giữa các nhà mạng trên thị trường viễn thông. Ngoài chất lượng phục vụ, nhiều nhà mạng không ngừng chạy đua để giữ thị phần bằng các gói dịch vụ ưu đãi và tiện ích cho khách hàng. Trong đó, sự cạnh tranh khốc liệt giữa 2 đối thủ lớn Viettel - Vinaphone qua nhiều năm vẫn bất phân thắng bại.

“Kẻ 8 lạng, người nửa cân”

“Ngai vàng” mà mạng bưu điện nắm giữ trong nhiều năm đã bị hạ bệ khi các doanh nghiệp lần lượt bước chân vào thị trường viễn thông. Tuy nhiên, sau những lần xuất hiện rầm rộ, không ít nhà mạng đã bị khách hàng quên lãng. Xu hướng viễn thông trong tương lai đang dần thu hẹp, chỉ nhà cung cấp nào vạch ra chiến lược phát triển lâu dài và có bước đi khôn ngoan mới có thể đứng vững để thống lĩnh thị trường.

Dịch vụ viễn thông - Cuộc đào thải khốc liệt! ảnh 1

Hiện nay, thị trường viễn thông tại Hà Tĩnh đang là sân chơi của 2 “đại gia” Vinaphone và Viettel.

Hiện nay, thị trường viễn thông tại Hà Tĩnh đang là sân chơi của hai “đại gia”: Viettel (Tập đoàn Viễn thông Quân đội) và Vinaphone (Tập đoàn Viên thông Việt Nam VNPT). Trong khi Vinaphone “sở hữu” 220.000 thuê bao, Viettel lại tỏ ra áp đảo với con số 700.000 thuê bao. Tuy vậy, với vị thế của “người đi trước”, Vinaphone không dễ để đối thủ nắm giữ thị phần của mình.

Ra đời năm 1996, bước đi của Vinaphone trên thị trường là tập trung vào khu vực thành thị với mức giá đắt đỏ. Tuy nhiên, chỉ 7 năm sau (2003), Viettel ra đời đã chiếm lĩnh khu vực nông thôn mà đối thủ đang bỏ quên bằng giá cước rẻ hơn rất nhiều. Cuộc cạnh tranh càng trở nên khốc liệt khi “gà cùng một mẹ” Vinaphone và Mobiphone bắt tay đối phó với Viettel. Song chỉ sau vài năm, Mobiphone đã rút dần khỏi cuộc đua.

Năm 2011, Tập đoàn VNPT ra Quyết định 46/QĐ-VNPT-TTBH (cơ chế 46) về triển khai cơ chế kinh tế nội bộ mới, trong đó, nhấn mạnh việc định hướng vào thị trường đang bỏ ngỏ, tạo thế cờ cạnh tranh với đối thủ Viettel. Lúc này, gói cước Tomato (1.590 đồng/phút nội mạng và 1.790 đồng/phút ngoại mạng) và Eco (1.090 đồng/phút nội mạng và 1.390 đồng/phút ngoại mạng) nhắm vào đối tượng học sinh, sinh viên tạo nên dấu ấn cho Viettel đã lần lượt xuất hiện các đối thủ với giá cước “dễ thở” như Uzone (690 đồng/phút nội mạng), Myzone (880 đồng/phút ngoại mạng) từ Vinaphone.

Không dừng lại ở đó, Vinaphone còn phát triển mạnh dịch vụ trả sau với gói ưu đãi gọi nội mạng (miễn phí 10 phút) cùng các gói cước dành cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Và, doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước trung bình 25% là minh chứng rõ nhất cho những nỗ lực không ngừng của Vinaphone. Trong tương lai, Vinaphone sẽ phát triển 3G để tiến tới những nấc cao hơn và liên kết với các đối tác nhằm đáp ứng nhu cầu tiện ích của khách hàng trên nền di động.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của đối thủ, Viettel hiện không mở rộng nhiều gói cước mà tập trung ứng dụng CNTT như dịch vụ Bank plus, bảo hiểm phương tiện vận tải trên điện thoại, truyền hình cáp Jpol… Theo Phó Giám đốc Kinh doanh Chi nhánh Viettel Hà Tĩnh Nguyễn Đức Duy: “Thời gian tới, ngoài các gói Min Max, Dmax 200, DC 300, Viettel sẽ tập trung mạnh vào 3G bởi lượng doanh thu từ gọi thoại sẽ giảm dần. Ngoài ra, chúng tôi còn đầu tư nâng cấp hạ tầng cố định Jpol và đưa ứng dụng CNTT vào cuộc sống để bắt kịp với xu thế phát triển trong nước và quốc tế”.

Nỗi buồn từ nhà cung cấp

Thời đại công nghệ số phát triển cũng đồng nghĩa với việc phương tiện thông tin liên lạc trở thành vật bất ly thân của con người. Rõ ràng, sự bùng nổ của các nhà mạng đã mang tới nhiều lợi ích cho khách hàng khi họ luôn là đối tượng được chăm sóc bằng những dịch vụ tiện ích nhất. Tuy nhiên, “một thực tế đáng buồn với nhà mạng là khách hàng bao giờ cũng muốn được sử dụng dịch vụ với giá cước ưu đãi nhưng nếu chẳng may phải thanh toán số tiền lớn, họ luôn cho rằng điều đó là lãng phí”- Trưởng phòng kinh doanh VNPT Nguyễn Huy Thắng bày tỏ.

Trên thực tế, những đơn khiếu nại được gửi đến nhà cung cấp thường xoay quanh mức giá dịch vụ. Hiện nay, tiêu chí của phần lớn người dùng là hướng đến smartphone (điện thoại thông minh) nhưng lại không được tư vấn kĩ càng. Những chiếc điện thoại này tự động tải dữ liệu qua hệ thống QPRS bất cứ lúc nào với mức chi phí được mặc định tối đa 1 triệu đồng là nguyên nhân khiến nhiều khách hàng lầm tưởng đang bị nhà mạng “móc túi”. Bên cạnh đó, việc khách hàng chưa tìm hiểu kĩ về gói cước 3G khiến nhà cung cấp phải “chịu oan”. Chưa kể, sự tung hoành của tin nhắn rác là vấn nạn trong văn hóa mạng hiện nay. Để đối phó, Viettel từng ngăn chặn bằng cách hạn chế tin nhắn trong ngày, Vinaphone có dịch vụ chặn với mức phí 5.000 đồng/tháng nhưng chỉ có thể chặn 1 thuê bao nhất định. Sự phát triển của các loại hình kinh doanh dịch vụ giải trí, trò chơi trên số thuê bao liên lạc thông thường là điều nhà mạng không thể can thiệp.

Sự quản lý nhà nước đối với dịch vụ viễn thông còn chưa chặt chẽ khiến khách hàng có thể quay lưng với nhà mạng bất cứ lúc nào. Với gói dịch vụ trả sau 10 phút miễn phí trên thuê bao Vinaphone, người dùng thiếu ý thức thường trốn tránh việc thanh toán phí bằng cách… nhảy sang dùng mạng khác. Việc làm này không chỉ khiến nhà mạng rơi vào tình trạng nợ khó đòi mà còn làm thất thoát nguồn ngân sách nhà nước.

“Nguyện vọng lớn nhất của chúng tôi là thời gian tới, Nhà nước cần phải có các chế tài xử lý thật nghiêm để nhà cung cấp nhận được sự tôn trọng từ phía khách hàng” - ông Thắng nhấn mạnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast