Điện tử hóa công tác tàng thư tờ khai CMND

Nhằm quản lý tốt thông tin công dân trên địa bàn toàn tỉnh và nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu qủa công tác tra cứu, khai thác phục vụ yêu cầu nghiệp vụ của ngành cũng như yêu cầu của các tổ chức, công dân một cách nhanh nhất, đầy đủ và chính xác nhất; Công an Hà Tĩnh đã triển khai Điện tử hoá công tác Tàng thư tờ khai chứng minh nhân dân (CMND).

Trong những năm qua lực lượng làm công tác Hồ sơ (Công an Hà Tĩnh) đã có nhiều cố gắng, tiếp nhận hàng trăm ngàn tờ khai, chỉ bản CMND để phân loại, tách, xếp đưa vào Tàng thư phục vụ khai thác hàng trăm ngàn yêu cầu tra cứu phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm; phục vụ bảo vệ chính trị nội bộ, tuyển sinh, tuyển dụng, xây dựng lực lượng…Tuy vậy, hoạt động Tàng thư vẫn đang là biện pháp thủ công truyền thống. Tình trạng thất lạc thông tin vẫn còn xẩy ra, áp lực công việc tra cứu vẫn còn diễn ra vì yêu cầu tra cứu ngày càng nhiều, thời gian nhận, xử lý thông tin có khi còn chậm, thiếu chính xác… Đó là chưa kể đến những khó khăn trong việc phát hiện, ngăn chặn các trường hợp cố tình kê khai sai lệch thông tin vì các mục đích cá nhân. Bên cạnh đó, việc cấp CMND theo mẫu mới theo yêu cầu cũng sẽ được triển khai vì vậy, yêu cầu điện tử hóa hồ sơ căn cước là trở nên điều cần thiết để thực hiện các yêu cầu trên.

Công an Hương Khê hướng dẫn người dân làm thủ tục cấp mới CMND

Công an Hương Khê hướng dẫn người dân làm thủ tục cấp mới CMND

Để chuẩn bị cho việc triển khai điện tử hóa tàng thư tờ khai CMND, Ban giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng hồ sơ một mặt tập trung nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm với các bộ phận, đơn vị có liên quan đến áp dụng công nghệ lưu trữ dữ liệu điện tử, mặt khác liên hệ với Cục hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát (Bộ Công an) hỗ trợ, chỉ đạo về chuyên môn. Sau một thời gian soát xét, Cục hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát đã đồng ý chọn Công an Hà tĩnh là một trong những đơn vị triển khai điện tử hóa tàng thư căn cước công dân đầu tiên. Trên cơ sở đó, Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch số 17, giao cho Phòng hồ sơ là chủ trì phối hợp với Cục hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát và các đơn vị có liên quan thuộc Công an tỉnh như: Phòng tổ chức cán bộ, Văn phòng tổng hợp, Phòng hậu cần… tiến hành khảo sát, lắp đặt hệ thống 50 máy quét tốc độ cao. Do yêu cầu giai đoạn 1 phải quét 1,6 triệu hồ sơ CMND trong tàng thư lưu vào tàng thư điện tử trong vòng 3 tháng, trong khi quân số của Phòng hồ sơ có 35 cán bộ chiến sỹ nên Công an tỉnh đã điều động 25 cán bộ chiến sĩ từ các Phòng và 22 cán bộ chiến sĩ được tăng cường từ Bộ về nhằm khai thác tối đa hiệu suất của hệ thống máy quét đồng thời đảm bảo yêu cầu phân công công việc một cách khoa học, hợp lý. Hiện tại, để đảm bảo tiến độ, kế hoạch đề ra, Phòng hồ sơ đã chủ động phân công cán bộ chiến sỹ ngoài làm đủ 8 tiếng trong giờ hành chính còn làm thêm 3 tiếng vào ban đêm.

CBCS Phòng hồ sơ (Công an Hà Tĩnh) tiến hành nhập các dữ liệu vào máy

CBCS Phòng hồ sơ (Công an Hà Tĩnh) tiến hành nhập các dữ liệu vào máy

Đại tá Võ Quốc Trị - Trưởng phòng Hồ sơ (Công an Hà Tĩnh) cho biết: trước đây việc tra cứu tàng thư CMND bằng tay trung bình mỗi ngày một cán bộ, chiến sỹ chỉ thực hiện được từ 40 - 50 yêu cầu thì nay mỗi cán bộ chiến sĩ sẻ trực tiếp tra cứu bất cứ khi nào và không hạn chế về số lượng. Với tiến độ làm việc như hiện nay, chắc chắn việc quét, nhập dữ liệu tàng thư CMND sẻ đạt được mục tiêu và kế hoạch đã đề ra.

Có thể nói, việc áp dụng thành công điện tử hoá công tác Tàng thư tờ khai CMND như hiện nay ở Công an Hà Tĩnh, không chỉ nâng cao hiệu suất lao động mà còn góp phần ngăn chặn có hiệu quả tình trạng cố tình khai sai lệch thông tin hoặc mượn tên người khác để làm CMND, đồng thời rút ngắn thời gian chờ đợi của công dân. Và đây còn là tiền đề quan trọng cho việc khai thác các dữ liệu công dân phục vụ các công tác nghiệp vụ khác của lực lượng công an. Đặc biệt, khi mà công tác tàng thư tờ khai CMND được thống nhất, điện tử hóa trong toàn quốc thì việc tra cứu dữ liệu công dân sẽ đem lại hiệu quả cao trong quản lý xã hội.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast