Điều chế nước thành xăng

Chiếc máy biến nước thành xăng là sản phẩm của KS Vũ Hồng Khánh, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Khánh Hòa, Hải Phòng.

Hướng nghiên cứu năng lượng mới

KS Vũ Hồng Khánh cho biết, với chiếc máy điện phân này, hydro và oxy đồng thời được sinh ra trong quá trình điện phân nước, có tốc độ cháy nhanh và nhiệt độ cao. Mấu chốt là dung dịch điện phân. Dung dịch này được coi là bí mật nghiên cứu của tác giả.

Kết quả thử nghiệm cho thấy, để điện phân 1 lít nước mất khoảng 7kW điện, lượng hydro và oxy giải phóng tham gia phản ứng cháy sẽ tỏa ra lượng nhiệt tương đương với đốt khoảng 1,6 tạ than. Với chiếc máy này, chi phí cho việc điện phân 1 lít nước là khoảng gần 40.000đ. Trong khi đó nếu phát điện bằng 160kg than đá thì sẽ mất khoảng 560.000đ.

Đây là phương pháp đốt cháy không gây ô nhiễm môi trường, không gây độc hại cho người trực tiếp sản xuất, đồng thời mở ra hướng nghiên cứu năng lượng mới trong khi các nguồn nguyên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt. Hiện ông Khánh đang dùng chiếc máy này để phát điện, hàn xì, nấu sắt thép... trong xưởng của mình. Khi được hỏi về chất có trong dung dịch điện phân, ông Khánh cho biết đó là thành quả nghiên cứu cả đời của mình, là bí mật công nghệ. Giá 1 lít dung dịch điện phân là 15.000đ.

Ông Khánh phân tích: Trong số những nhiên liệu được sử dụng làm chất đốt thì có thể nói hydro là một trong những nhiên liệu cho nhiệt lượng cao nhất, lên tới 3.000 độ C (nhiệt độ than chỉ được 1.600 - 1.700 độ C). Vì vậy, khi ứng dụng trong sản xuất thì tính hiệu quả sẽ nhân lên nhiều lần và đặc biệt tiết kiệm được chi phí rất lớn cho các doanh nghiệp.

KS Vũ Hồng Khánh bên chiếc máy điều chế hydro.

KS Vũ Hồng Khánh bên chiếc máy điều chế hydro.

Cho không tiền tỷ?

Khi phóng viên hỏi chuyện về chiếc máy này, ông Khánh buồn rầu bảo: "Tôi chán rồi. Già rồi. Nghiên cứu mãi mà không được ứng dụng. Tháng 7/2013, tôi đã xin được bằng sáng chế độc quyền cho chiếc máy này. Trước đó thì Bộ KH&CN bảo là sẽ kết nối cung cầu cho sản phẩm. Theo đó tôi sẽ bán chiếc máy này cho nhà nước với giá 28 tỷ đồng, sau đó nhà nước sẽ bán lại cho các doanh nghiệp. Nhưng sau đó có lẽ vì suy thoái kinh tế nên họ không làm nữa mà phải chờ. Tôi chỉ sợ là chờ đến lúc họ có tiền để mua thì chiếc máy đã không còn hợp thời, không còn sử dụng được nữa".

Đến thời điểm này, ông Khánh cho hay sẽ sẵn sàng tặng cho bất cứ doanh nghiệp nào tha thiết ứng dụng sản phẩm của ông. Chỉ cần đưa lại ông một phần số tiền ông đã bỏ ra nghiên cứu, nhưng trên tinh thần không phải là mua bán. Từ trước đến nay cũng có nhiều đơn vị đến hỏi, nhưng cũng chỉ là để biết xem nó như thế nào thôi.

Ngoài chiếc máy điều chế hydro, ông Khánh còn có chiếc máy tái chế rác thải thành nhiên liệu đang sẵn sàng chuyển giao. Chiếc máy đặc biệt này hoạt động theo quy trình như sau: Rác nhựa, cao su được đưa vào hệ thống phân loại, làm vệ sinh, sấy khô, nghiền nhỏ, trộn phụ gia. Băng chuyền đưa rác vào lò kín, đốt ở nhiệt độ 700 độ C để tạo thành khí. Khí bay vào lò tiếp theo và bị hóa chất làm ngưng đọng. Khí bị nén ở áp lực cao trong hệ thống gồm 7 buồng ngưng hoàn toàn. Tiếp đó, nhiệt độ giảm đột ngột xuống -12 độ C, sẽ thu được chất đốt hóa lỏng.

GS.TSKH Nguyễn Đức Hùng, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, việc ứng dụng hydro vào xe hơi thì nước Nhật Bản đã áp dụng thử nghiệm, ban đầu nhiều người nghĩ rằng lấy hydro từ tách nước nhưng lại không kinh tế, nếu để ở dạng hydro lỏng thì giá cao và nghĩ tới việc dùng hydro ở dạng khí nén. Nhưng vấn đề là giá thành cao. Trên thế giới, việc sử dụng hydro tăng năng lượng cũng đã gần với thực tế nhưng ở Việt Nam vẫn còn rất mới mẻ.

Hiện tại, điều này có thể tạo ra được trong phòng thí nghiệm nhưng áp dụng vào thực tế vẫn còn khá xa. Nhiều mô hình thử nghiệm trên thế giới vẫn chưa vượt qua rào cản về hiệu quả kinh tế. Nếu dùng hydro để chạy xe thì phải thiết kế lại xe chạy hydro chứ không giống xe chạy xăng và tính an toàn vì dùng khí hydro để chạy xe dễ gây cháy nổ.

Nguồn: Kienthuc.net.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast