Điều chế thành công kháng thể chống virus MERS từ trứng đà điểu

Trong bối cảnh Hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS) do coronavirus gây ra đang hoành hành tại Hàn Quốc, nhóm các nhà khoa học do giáo sư Yasuhiro Tsukamoto, chuyên gia đầu ngành về dịch tễ học động vật thuộc Viện Cao hoc Đại học Kyoto đã nghiên cứu và điều chế thành công với số lượng lớn kháng thể có khả năng ức chế mạnh đối với loại virus nguy hiểm này từ trứng đà điểu.

Điều chế thành công kháng thể chống virus MERS từ trứng đà điểu ảnh 1

Người dân tại Seoul đeo khẩu trang phòng MERS. (Nguồn: THX/TTXVN)

Loại thuốc trên cũng được thử nghiệm tại Trung tâm Nghiên cứu y học truyền nhiễm lục quân Mỹ, cơ quan cùng tham gia nghiên cứu với giáo sư Tsukamoto.

Thuốc dạng xịt đã bắt đầu được chuyển đi với số lượng lớn đến Hàn Quốc và Mỹ.

Dưới tác động của loại kháng thể này, coronavirus không thể xâm nhập vào tế bào người và có hiệu quả rất lớn trong việc dự phòng lây nhiễm loại virus chết người này.

Lần này, giáo sư Tsukamoto đã tạo ra một dạng protein bề mặt của coronavirus, được tạo ra từ tế bào của con tằm, và đưa protein này vào cơ thể đà điểu dưới dạng kháng nguyên.

Các nhà khoa học sẽ tinh chế kháng thể từ các quả trứng của đà điểu có kháng thể chống virus để tạo ra thuốc.

Coronavirus đi vào tế bào người thông qua protein đặc trưng. Giáo sư Tsukamoto lý giải: “Loại kháng thể này sẽ tạo thành một lớp mặt nạ bên ngoài tế bào ngăn chặn virus thâm nhập vào bên trong tế bào. Tôi hy vọng với khả năng đó, kháng thể có khả năng phòng ngừa lây nhiễm dịch MERS."

Giáo sư Tsukamoto đánh giá cao hệ miễn dịch của đà điểu vốn có khả năng tự chữa lành vết thương rất nhanh.

Hiện nay, nhóm của giáo sư Tsukamoto đã phát triển được công nghệ sản xuất kháng thể với số lượng lớn từ trứng đà điểu từ năm 2008 nhờ khả năng sản sinh ra kháng thể cao ở loài này.

“Khẩu trang kháng thể” thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận khi chúng được bán rộng rãi trong thời gian xảy ra dịch cúm năm 2008 và kháng thể đà điểu chống lại virus Ebola cũng được sản xuất hồi năm 2014.

Công ty Bioventure (Mỹ) và Trung tâm nghiên cứu của công ty này cũng đang thúc đẩy chiến dịch đối phó với dịch MERS cùng Đại học Kyoto.

Hiện tại, trung tâm đang kiểm tra các tác dụng phụ và hiệu quả kháng thể sau khi tinh chế.

Ngoài Hàn Quốc, lô thuốc kháng thể đã được chuyển đến Mỹ. Vì là thuốc điều trị chưa được chứng nhận để đưa trực tiếp vào cơ thể người nên tạm thời thuốc chỉ được dùng ở mức độ thuốc phun sương chứa kháng thể dùng để xịt vào khẩu trang, tay và tay nắm cửa để phòng dịch.

Loại thuốc này dự kiến sẽ được phát cho các nhân viên y tế và các sân bay ở Hàn Quốc và Nhật Bản.

Theo Vietnam+

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast