Đưa các ý tưởng sáng tạo khoa học vào cuộc sống: Cần sự vào cuộc tích cực, đồng bộ!

Tại các hội thi, cuộc thi sáng tạo khoa học, Hà Tĩnh là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thành tích tham gia, với nhiều ý tưởng, giải pháp đạt giải cao. Tuy nhiên, việc áp dụng các ý tưởng sáng tạo vào thực tế lại đang gặp khó khăn. Việc tìm giải pháp nhằm khai thác tối đa tiềm năng, sức sáng tạo và biến những ý tưởng hay trở thành hiện thực đang trở thành vấn đề cấp thiết.

Sân chơi đã hình thành

Cùng với cả nước, năm 2006, tỉnh ta tổ chức hội thi Sáng tạo kỹ thuật và cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Liên hiệp Các hội KHKT Việt Nam. Qua 9 lần tổ chức các hội thi, cuộc thi đã thu hút sự tham gia của hàng ngàn tác giả, nhóm tác giả với nhiều giải pháp, ý tưởng được ghi nhận.

Trong 195 giải pháp xuất sắc được trao giải thưởng ở tỉnh, chúng ta đã lựa chọn 93 giải pháp tham dự hội thi toàn quốc, trong đó có 24 giải pháp đạt giải quốc gia. Hà Tĩnh được T.Ư đánh giá là một trong 10 tỉnh tổ chức tốt hội thi Sáng tạo kỹ thuật cho quần chúng.

Tác giả đề tài “Hệ thống thiết bị xử lý nước siêu nhanh” hướng dẫn bà con vùng lũ cách sử dụng hệ thống.
Tác giả đề tài “Hệ thống thiết bị xử lý nước siêu nhanh” hướng dẫn bà con vùng lũ cách sử dụng hệ thống.

Các hội thi, cuộc thi sáng tạo KHKT đã góp phần thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo của cán bộ, công chức, người lao động; là nơi hội tụ tài năng sáng tạo ở mọi lứa tuổi, mọi thành phần kinh tế, mọi lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất, góp phần đưa những sáng tạo có giá trị kinh tế và ý nghĩa xã hội phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH của tỉnh.

Theo Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội KHKT Hà Tĩnh Nguyễn Xuân Thiều, để có được những kết quả trên, bên cạnh tiềm năng sáng tạo phong phú của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, công tác tổ chức phát động hội thi, cuộc thi luôn được các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức mặt trận đoàn thể đặc biệt quan tâm. Nhờ đó đã thu hút được sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Từ trong phong trào thi đua nghiên cứu, sáng tạo đã xuất hiện nhiều giải pháp, ý tưởng sáng tạo áp dụng vào thực tiễn đã phát huy hiệu quả kinh tế.

Khoảng cách từ ý tưởng sáng tạo đến cuộc sống

Trên thực tế, việc triển khai nghiên cứu, áp dụng các sáng kiến, giải pháp sáng tạo sau khi được ghi nhận vào đời sống sản xuất gặp không ít khó khăn. Số lượng giải pháp, ý tưởng có tính đột phá, mang lại hiệu quả cao được áp dụng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cơ hội để các tác giả, nhóm tác giả tiếp cận với thị trường công nghệ còn quá ít.

Theo ông Trần Hữu Lượng (Cẩm Xuyên) tác giả của đề tài “Cánh tay hàn cơ động”, mặc dù đề tài được đánh giá cao, đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, độ tinh xảo, giảm giá thành sản xuất nhưng vẫn không đủ điều kiện để nhân ra diện rộng. “Sáng tạo đã khó, việc ứng dụng các sáng tạo đó ra diện rộng còn khó hơn. Đầu tư, quảng bá công năng của một ý tưởng, chỉ một mình tác giả thôi chưa đủ, cần phải có sự chung tay, góp sức của cộng đồng” - ông Lượng chia sẻ.

Còn kỹ sư Nguyễn Viết Nhật - chủ nhân của đề tài “Sử dụng hệ thống nước siêu nhanh để làm sạch nước” áp dụng cho vùng lũ lụt hoặc vùng chưa có nước sạch, cho biết: mặc dù ý tưởng có tác động rất lớn trong việc giải quyết nhu cầu cấp bách về nước sạch cho con người và đã được thử nghiệm thành công ở một số địa phương vùng lũ nhưng đến thời điểm này, đề tài vẫn không có cơ hội nhân rộng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các ý tưởng, giải pháp sáng tạo sau khi được công nhận hầu như không có cơ hội để hoàn thiện và ứng dụng khi chúng ta chưa tạo dựng được môi trường trợ giúp thuận lợi. Các giải pháp sáng tạo vẫn chưa bứt mình ra khỏi sân chơi phong trào và chưa thu hút được sự quan tâm của những ai có nhu cầu tìm hiểu sử dụng các sáng tạo khoa học. Thêm vào đó, bản thân tác giả của những ý tưởng sáng tạo là công nhân, nông dân, học sinh, sinh viên... nên việc đầu tư, hoàn chỉnh ý tưởng đã khó, nói gì đến việc quảng bá, xúc tiến cho ý tưởng.

Ngoài ra, cũng cần phải thừa nhận rằng, công tác tuyên truyền, hướng các sáng tạo vào những lĩnh vực bức thiết vẫn chưa được chú trọng. Điều này đã khiến các phong trào thi đua lao động sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân thiếu tính hấp dẫn, chưa khai thác được tiềm năng trí tuệ của đội ngũ trí thức và những người hoạt động KHKT, đồng thời thiếu vắng sự gắn kết giữa người sản xuất và người làm công tác nghiên cứu khoa học.

Ông Đỗ Khoa Văn - Giám đốc Sở KH&CN: Từng bước xây dựng và phát triển thị trường KH&CN

Đa số các ý tưởng, giải pháp sáng tạo từ trước đến nay chỉ tồn tại dưới dạng mô hình, chưa hình thành được những ý tưởng sáng tạo lớn, bài bản. Chúng ta chưa xây dựng được mối liên hệ giữa nhà sản xuất, doanh nghiệp (DN) với người có ý tưởng sáng tạo khoa học, do đó, chưa vận dụng được sự hỗ trợ của các đơn vị, DN cho hoạt động sáng tạo. Cần hiểu rằng, đây không phải là cuộc thi giữa thầy và trò, giám khảo chấm bài và thí sinh tham gia, mà quan trọng hơn phải thu hút sự tham gia của toàn xã hội, trong đó ưu tiên khuyến khích DN xâm nhập vào sân chơi sáng tạo theo hướng hình thành thị trường KH&CN.

Chị Hà Việt Ánh – Phó Bí thư Tỉnh đoàn: Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền

Sáng tạo là “bản chất” của tuổi trẻ, vì vậy, chúng ta cần thực hiện hiệu quả các biện pháp thông tin, tuyên truyền để kích thích cảm hứng sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Bên cạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức sáng tạo trong thanh niên, cần tập hợp những thanh niên, CNVC có ý thức, năng lực sáng tạo, thường xuyên tổ chức các hình thức trao đổi, học tập, xây dựng mối liên kết trong cộng đồng sáng tạo... biến các hoạt động sáng tạo đơn lẻ của từng đơn vị, cá nhân thành một phong trào lớn.

Ông Nguyễn Xuân Thiều - Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội KHKT Hà Tĩnh: Cần ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ

Cơ sở để đánh giá sáng tạo là ý tưởng chứ không phải ở mức độ hoàn thiện hay độ phức tạp về kỹ thuật của sản phẩm dự thi, nhưng qua quá trình tổ chức các cuộc thi cho thấy, nếu bản thân các tác giả, nhóm tác giả được hỗ trợ kinh phí để đầu tư, hoàn thiện ý tưởng, thì hiệu quả sử dụng sẽ được phát huy. Do đó, chúng ta cần ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ để xây dựng cầu nối giữa các DN, chuyên gia, các cơ quan nhà nước với tác giả của các ý tưởng, giải pháp đưa các ý tưởng có giá trị và tính thực tiễn đi vào cuộc sống.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast