Đưa nấm ăn và nấm dược liệu trở thành sản phẩm chủ lực

Chiều 4/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn chủ trì buổi làm việc để nghe và cho ý kiến Đề án phát triển sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020. Tham dự có các Giáo sư: Võ Quý, Vương Khả Cúc là những chuyên gia đầu ngành hóa sinh, cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.

Nấm là loại thực phẩm được xếp vào rau sạch, rất giàu dinh dưỡng có thể thay thế thịt, cá và là nguồn dược liệu quý hiếm. Sản xuất nấm được du nhập vào Hà Tĩnh khá sớm, bước đầu mang đem lại hiệu quả kinh tế và khẳng định được nhiều ưu thế vượt trội so với các loại hình sản xuất khác. Tuy nhiên, việc sản xuất nấm hiện nay ở Hà Tĩnh còn manh mún, nhỏ lẻ, số hộ tham gia trồng nấm chưa nhiều, chủ yếu còn mang tính tự phát trong nông hộ, kỹ thuật thâm canh của người trồng nấm còn nhiều hạn chế, chưa mạnh dạn đầu tư dẫn đến năng suất thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của cây nấm và lợi thế của tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn: Xây dựng quy trình, công nghệ khép kín, từng bước đưa sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn: Xây dựng quy trình, công nghệ khép kín, từng bước đưa sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực

Nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế cho người sản xuất nấm, góp phần chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh giao cho Sở KH&CN chủ trì phối hợp với các ban ngành liên quan xây dựng Đề án “Phát triển sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020”.

Đề án được xây dựng với mục tiêu phát triển sản xuất nấm hàng hóa ổn định, bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, tiến tới phát triển sản xuất nấm thành một nghề sản xuất đạt hiệu quả cao kinh tế cao trong nông nghiệp, nông thôn.

Đề án cũng đưa ra các nhóm giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực, giải pháp quy hoạch và đầu tư mặt bằng sản xuất, nhóm giải pháp về tổ chức sản xuất, chính sách đầu tư, thị trường tiêu thụ sản phẩm, giải pháp về vốn và huy động vốn.

Sản xuất nấm ở Thạch Hà

Sản xuất nấm ở Thạch Hà

Phát biểu tại buổi làm việc, đa số các ý kiến tham gia đều cho rằng, phát triển sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu phù hợp với điều kiện kinh tế và tiềm năng của địa phương. Song thực trạng sản xuất nấm trên địa bàn còn nhiều hạn chế, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, năng suất, sản lượng thấp, sản phẩm chưa tìm được đầu ra ổn định...

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn cho rằng, để sản xuất nấm sớm trở thành hàng hóa phát triển, người sản xuất cần xây dựng chuỗi công nghệ kỹ thuật, quy trình sản xuất khép kín. Để đề án phát huy hiệu quả cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, trong đó chú trọng giải pháp quy hoạch, trên cơ sở đó hình thành các trang trại nuôi trồng nấm mới, thực hiện tốt các giải pháp liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp với nông hộ để sản xuất quy mô lớn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị, trên cơ sở chủ trương, chính sách đã được ban hành, các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền, từng bước nâng cao nhận thức về sản xuất và sử dụng nấm cho bà con nhân dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast