Dùng tin nhắn giả trúng thưởng từ Zalo để lừa đảo qua mạng

Mặc dù các cơ quan truyền thông đã liên tục cảnh báo về tình trạng một số đối tượng lập Công ty ma, giả mạo thương hiệu của các doanh nghiệp lớn, sử dụng chiêu trò trúng thưởng qua mạng để lừa đảo. Tuy vậy, không ít người dân vẫn tiếp tục “dính bẫy” và bị chiếm đoạt tài sản.

Lập Công ty “ma” lừa đảo người dân

Vừa qua, ICTnews nhận được phản ánh của người dân về việc một số đối tượng sử dụng chiêu trò trúng thưởng qua mạng để lừa đảo tiền của khách hàng.

Theo đó, anh Hà Duyên Hạnh (sinh năm 1969, trú tại TP Thanh Hóa) phản ánh ngày 29/09/2014 trong quá trình sử dụng Zalo, anh Hạnh nhận được tin nhắn thông báo đã trúng giải nhất của chương trình “Zalo – nhắn lời yêu thương” trị giá giải thưởng là 1 chiếc xe máy Liberty và số tiền mặt là 50 triệu đồng. Tin nhắn này cũng hướng dẫn anh Hạnh truy cập vào địa chỉ wWw.goiqua.vn để cung cấp thông tin cá nhân và nộp khoản lệ phí để làm thủ tục nhận giải là 950 ngàn đồng bằng hình thức thẻ cào điện thoại. Địa chỉ để nhận giải thưởng là số 66 đường Võ Văn Tần, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng.

Anh Hà Duyên Hạnh, nạn nhân của vụ lừa đảo

Anh Hà Duyên Hạnh, nạn nhân của vụ lừa đảo

Bất ngờ vì “được trúng thưởng” lớn, tuy nhiên để chắc ăn, anh Hạnh đã gọi điện thoại đến đường dây nóng của chương trình này theo số điện thoại 008. 4963.937.617 và gặp người tự xưng là Cao Văn Minh – Tổng Giám đốc Công ty. Ông này xác nhận thông tin là anh Hạnh đã trúng thưởng và yêu cầu anh nhanh chóng nộp tiền vào tài khoản của chương trình để nhận giải thưởng.

Để thuyết phục “con mồi”, ông Minh đề nghị anh Hạnh truy cập vào Website wWw.goiqua.vn để xác nhận tư cách pháp nhân của Công ty.

Truy cập vào Website: wWw.goiqua.vn/huongdan.php thì thấy có chứng nhận của Bộ Thông tin và Truyền thông : “Cam Kết Đảm Bảo 100% Khi Làm Thủ Tục Hồ Sơ Tại Http:/GoiQua.Vn”. Trên website này còn có các thông tin giả mạo như: Giấy phép số 41/GP-TTĐT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp, Tên Công ty chủ quản: Công ty Cổ phần Kỹ thuật số Truyền thông (Intermedia)...

Tin tưởng vào những thông tin giả mạo trên website wWw.goiqua.vn nên chiều cùng ngày, anh Hạnh đã nộp 950 ngàn đồng vào tài khoản của chương trình này. Nhưng khi anh Hạnh liên hệ với ông Minh để xác nhận đã nộp tiền thì ông này yêu cầu anh Hạnh phải nộp thêm số tiền là 3,7 triệu đồng phí vận chuyển quà tặng. Nhận thấy có sự vô lý về khoản tiền phát sinh này nên anh Hạnh không đồng ý và tắt máy điện thoại.

Tin nhắn trúng thưởng của bọn tôi phạm dùng để lừa người dân

Tin nhắn trúng thưởng của bọn tôi phạm dùng để lừa người dân

Sau đó, ông Minh liên tục gọi vào số máy của anh Hạnh yêu cầu nộp tiền trong vòng 24h nếu không giải thưởng sẽ bị hủy. Lúc này, nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo nên anh Hạnh nhờ người quen thường trú tại TP Đà Nẵng đến địa chỉ của doanh nghiệp này tại số 66 Võ Văn Tần để xác minh.

Tuy nhiên, khi người thân của anh Hạnh đến địa chỉ trên thì được bảo vệ của tòa này cho biết đó là trò lừa đảo của bọn tội phạm chứ chẳng có doanh nghiệp Zalo nào ở đây cả?

Theo tìm hiểu của PV ICTnews tại Đà Nẵng thì địa chỉ 66 Võ Văn Tần, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng là 1 Trung tâm thương mại và Văn phòng cho thuê. Hiện nay, Tòa nhà này có rất nhiều doanh nghiệp đang hoạt động.

Anh Đoàn Văn Cương, nhân viên bảo vệ Tòa nhà 66 Võ Văn Tần cho biết: “Ở đây mỗi tháng có hàng chục người đến hỏi thăm doanh nghiệp Zalo, Vinagame… để nhận giải thưởng. Hầu hết những người này đến từ các tỉnh phía Nam và phía Bắc chứ người miền Trung rất ít. Tất cả người dân đều bị lừa cùng với một thủ đoạn trúng thưởng giống nhau, giải thường là xe máy và tiền mặt lên đến 50 triệu đồng”.

Cơ quan Công an vào cuộc

Trao đổi với PV ICTnews, Trung tá Kiều Văn Vương, Phó Trưởng Công an quận Thanh Khê cho biết: “Trong thời gian qua, Công an quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng đã nhận được phản ánh của người dân về việc các đối tượng lập công ty “ma” để lừa đảo người dân. Hầu hết những người đến trình báo với cơ quan Công an đều là người từ địa phương khác, với số tiền thiệt hại không nhỏ.

Cũng theo Trung tá Vương, hiện Công an quận Liên Chiểu đang lập hồ sơ điều tra, tuy nhiên đấu tranh với loại tội phạm này là hết sức khó khăn do các đối tượng chỉ sử dụng địa chỉ giả mạo tại quận Thanh Khê, còn hiện trường phạm tội (quá trình nộp tiền cho tội phạm – PV) cũng như các đối tượng phạm tội đều không nằm trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Nhận định về cách thức lừa đảo của các đối tượng, Trung tá Kiều Văn Vương cho biết: “Đây là tôi phạm công nghệ cao nên rất tinh vi và chuyên nghiệp. Khi dụ được nạn nhân, chúng mạo nhận là các doanh nghiệp lớn để lấy lòng tin. Sau đó, viện các lý do làm thủ tục nhận giải, chúng yêu cầu nạn nhân nộp tiền vào tài khoản của chúng với số tiền không nhiều, thường là dưới 1 triệu đồng. Khi nạn nhân đã nộp tiền, các đối tượng lại tiếp tục yêu cầu nạn nhân nộp thêm tiền thuế, tiền vận chuyển cao hơn gấp 2 đến 3 lần so với số tiền đã nộp trước đó”.

“Việc lừa đảo qua mạng là không mới. Thực tế, rất nhiều người dân đã bị lừa đảo nhưng do tâm lý xấu hổ với gia đình, bạn bè nên không trình báo. Vì thế, người dân cần hết sức cảnh giác trước hình thức lừa đảo này, không nên nghe và làm theo chỉ dẫn của các đối tượng trên mạng; mạnh dạn cung cấp thông tin cho cơ quan công an khi nhận thấy dấu hiệu lừa đảo”, Trung tá Kiều Văn Vương nhấn mạnh thêm.

Hiện vụ việc đang được Cơ quan điều tra tội phạm quận Thanh Khê phối hợp với Công an TP Đà Nẵng, phòng cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế PC46 điều tra làm rõ.

Theo ictnews.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast