Google rất sợ những gì Facebook đang làm

Facebook đang xâm chiếm "lãnh thổ" của Google và nhăm nhe "thịt" mất con gà đẻ trứng vàng của Google, chính là công cụ tìm kiếm. Vậy Google nên làm gì để ngăn chặn tình trạng này?

Trải nghiệm internet trên di động đã khác rất nhiều so với việc truy cập vào các trang web từ máy tính để bàn. Mọi người sử dụng ứng dụng thay vì trình duyệt, và điều đó có nghĩa là những công ty sở hữu các ứng dụng phổ biến nhất đang hưởng lợi lớn.

Theo công ty nghiên cứu thị trường đa quốc gia Nielsen, Facebook và Google sở hữu 8 ứng dụng phổ biến nhất nước Mỹ. Nhưng Facebook dường như đang chiếm lĩnh toàn bộ việc sử dụng của người dùng so với Alphabet. Nhà quản lý của Facebook cho biết, ứng dụng của công ty chiếm 20% thời gian người dùng sử dụng di động.

Hiện nay, Facebook đang xâm chiếm “lãnh thổ” của Google bằng hàng loạt những cải thiện cho các chức năng tìm kiếm trên ứng dụng chủ đạo của mình và thử nghiệm chức năng tìm kiếm trên Messenger, ứng dụng có hơn 700 triệu người sử dụng toàn cầu. Phản lại “đòn” của Facebook, Google cũng đưa ra một ứng dụng nhắn tin kèm theo công cụ tìm kiếm.

Google liệu có thể chặn đứng Facebook?

Ứng dụng di động trong kế hoạch của Google nghe giống một lời đáp trả trực tiếp tới Facebook M. M là một trợ lý ảo sử dụng trí thông minh nhân tạo có thể làm được bất cứ thứ gì, từ trả lời những câu hỏi tìm kiếm đơn giản tới đặt phòng khách sạn. Nó hiện chỉ dành cho số ít người dùng tại Bay area, nhưng nó thể hiện một ví dụ nữa của việc sử dụng Messenger như một nền tảng.

Khi M tới tay nhiều người sử dụng hơn, Google có thể bị mất số lượng yêu cầu tìm kiếm trên trang của mình. Ứng dụng nhắn tin trong kế hoạch chính nhằm để tránh tình trạng này xảy ra. Thế nhưng Google đã lỡ mất một bước ngay từ đầu khi Facebook chuẩn bị “thịt” mất “con gà đẻ trứng vàng” của mình.

Cái Google cần làm là xây dựng một mạng lưới. Mọi người sử dụng một ứng dụng nhắn tin bởi tất cả bạn bè của họ đều đang sử dụng nó. Hiệu quả của mạng lưới là rất rõ ràng trong những khu vực mà các ứng dụng nhắn tin như WhatsApp, Messenger, WeChat, Line và KakaoTalk thống trị.

Xây dựng một dịch vụ nhắn tin bằng các công cụ chat dựa trên trí thông minh nhân tạo không thể thành công nếu như không lôi kéo được đám đông người sử dụng. Google từng thất bại với mạng xã hội của mình (Google+) và dịch vụ chat hiện tại (Hangouts) cũng không đủ khả năng thu hút đủ người sử dụng. Thêm một công cụ chat vào công cụ tìm kiếm chẳng làm thay đổi điều gì cả.

Vậy Google nên làm gì?

Google chắc chắn có đủ điều kiện để làm đối thủ của Facebook khi nói về trí thông minh nhân tạo. Năm ngoái, Google đã thuê Geoffrey Hinton, một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về mạng nơ-ron học sâu, nhằm thiết kế những thuật toán trí thông minh nhân tạo mới. Động thái này xuất hiện ngay sau khi Facebook thuê giáo sư trường Đại học New York Yann LeCun để tiếp quản phòng thí nghiệm nghiên cứu trí thông minh nhân tạo.

Như đã nói ở trên, Google thiếu một mạng lưới. Vậy tại sao Google không tung ra một công cụ chat ngay trên nền tảng của Facebook? Facebook đã mở cửa Messenger cho những nhà phát triển bên thứ ba từ tháng 3 vừa rồi, cho phép người sử dụng thêm ảnh, video và media từ những ứng dụng khác. Google có thể phát triển các công cụ chat dựa trên trí thông minh nhân tạo cho Messenger.

Google đã không ngần ngại phát triển phần mềm cho các nền tảng do các đối thủ của mình sở hữu, chẳng hạn như công ty có hàng chục ứng dụng cho iOS. Thế nhưng phát triển cho nền tảng của Facebook có thể không phải là điều Google hứng thú nhất, bởi công ty sẽ bị hạn chế quyền kiểm soát và phải giao nộp tất cả dữ liệu cho chính công ty cũng đang sử dụng cùng một phương thức kiếm tiền với mình. Vậy nên, Google chỉ biết tạo ứng dụng mà mọi người sẽ sử dụng và sử dụng để tìm kiếm.

Tìm kiếm trên di động tăng

Đầu năm nay, Google tuyên bố lượng tìm kiếm trên di động đã vượt desktop. Chắc chắn, số lượng lệnh tìm kiếm trên di động sẽ còn tăng nữa nhưng Google cũng sẽ đánh mất thêm số lượng lệnh tìm kiếm. Khả năng tìm kiếm của M và ứng dụng chủ đạo của Facebook thực sự là những mối đe dọa với Google. Thế nhưng Google có thể tạm an tâm bởi sự phát triển của công cụ này khá chậm và còn hạn chế. Chắc chắn Google vẫn còn thời gian để tìm ra cách đánh bại Facebook và duy trì thị phần tìm kiếm của mình.

Theo ictnews.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast