Hoạt động KH&CN - Động lực phát triển KT-XH

(Baohatinh.vn) - Những năm qua, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN ở Hà Tĩnh có những bước tiến quan trọng. Việc nghiên cứu, ứng dụng KH&CN đã góp phần đáng kể thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn...

Ông Đỗ Khoa Văn - Giám đốc Sở KH&CN cho biết: Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong 10 năm qua (2004-2014) ở Hà Tĩnh đã đạt nhiều thành quả đáng ghi nhận. Các đề tài, dự án KH&CN được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, bám sát mục tiêu, định hướng phát triển KT-XH của tỉnh; gắn kết giữa nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ với sản xuất, kinh doanh.

Gian hàng trưng bày các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao của Sở KH&CN.
Gian hàng trưng bày các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao của Sở KH&CN.

10 năm qua, có 148 đề tài, dự án KH&CN được triển khai trên địa bàn tỉnh, trong đó có 18 đề tài, dự án cấp nhà nước; 130 đề tài, dự án cấp tỉnh. Các đề tài, dự án được triển khai khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực đã góp phần động viên các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân tích cực ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống. Theo đó, trên 70% đề tài, dự án KH&CN được ứng dụng tốt vào thực tiễn sản xuất và đời sống, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của Hà Tĩnh, cung cấp luận cứ khoa học giúp các nhà quản lý hoạch định chủ trương, chính sách, lập kế hoạch, quy hoạch phát triển chung của tỉnh; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ.

Đối với lĩnh vực văn hóa, du lịch, dịch vụ, các nghiên cứu tập trung vào các giải pháp bảo vệ, tôn tạo và phát huy những giá trị truyền thống vật thể và phi vật thể, kết hợp hài hòa giữa du lịch sinh thái với du lịch tâm linh, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa quê hương. Điển hình là đề tài “Nghiên cứu các giá trị văn hóa làng Trường Lưu, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh trong việc xây dựng mô hình làng văn hóa - du lịch”. Đề tài đã kế thừa và phát huy các nghiên cứu trước đây về làng Trường Lưu, đồng thời xây dựng được quá trình phát triển của làng Trường Lưu từ giữa thế kỷ XV tới nay; cung cấp những tài liệu đầy đủ, hệ thống về các giá trị di sản văn hóa làng Trường Lưu cũng như mô hình nghiên cứu và thực nghiệm cho việc xây dựng điểm làng văn hóa - du lịch, xây dựng Trường Lưu thành một điểm của du lịch văn hóa lịch sử trong mối liên kết: chùa Hương - Trường Lưu - Ngã ba Đồng Lộc. Đồng thời, đề tài cũng đã đưa ra được những giải pháp để Trường Lưu thành điểm du lịch: khôi phục, xây dựng cảnh quan địa đạo Phượng Sơn, Phúc Giang thư viện, Chợ Quan…; khôi phục và bảo tồn các lễ hội, hát phường vải, tuồng, chèo, tế thần, cầu tiên…

Về y tế có đề tài khoa học “Nghiên cứu điều trị bệnh viêm loét dạ dày, hành tá tràng bằng thuốc y học cổ truyền tại Hà Tĩnh”. Việc nghiên cứu thành công bài thuốc Amossear đã mở ra một hướng mới trong điều trị viêm loét dạ dày, hành tá tràng, góp phần cải thiện và nâng cao sức khỏe cho người dân.

Bên cạnh đó, nhiều mô hình ứng dụng KH&CN đã thực sự phát huy hiệu quả như: sản xuất rau, củ, quả an toàn tại xã Tượng Sơn (Thạch Hà), Kỳ Hoa (Kỳ Anh) cho thu nhập 200-300 triệu đồng/ha/2 vụ; sản xuất hoa ly, hoa loa kèn, hoa cúc tại Thạch Môn (TP Hà Tĩnh), Bắc Sơn (Thạch Hà) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/vụ. Hoạt động KH&CN thực sự góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập trên đơn vị canh tác. Sản lượng lương thực, giá trị sản xuất nông nghiệp, tỷ trọng chăn nuôi theo đó tăng nhanh.

Tiến sỹ Hồ Ngọc Luật - Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương - Bộ KH&CN đánh giá cao hoạt động KH&CN của Hà Tĩnh thời gian qua đối với sự phát triển KT-XH của địa phương. Thành công của hoạt động KH&CN là sự đóng góp của các nhà khoa học, các tổ chức KH&CN huyện, thị, các trường đại học, cao đẳng, doanh nghiệp… Đặc biệt, hoạt động KH&CN ở Hà Tĩnh nhận được sự quan tâm sát sao của UBND tỉnh và đây cũng là mấu chốt của thành công.

Tuy vậy, hoạt động ứng dụng KH&CN trong 10 năm qua vẫn còn tồn tại, hạn chế. Các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng đã có bước phát triển mạnh nhưng vẫn chưa theo kịp tiến trình của đất nước và thế giới. Một số vấn đề phát sinh trong sản xuất và đời sống chậm được giải quyết, nhất là vấn đề dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, suy thoái về năng suất, chất lượng trên cây ăn quả có múi. Một số đề tài, dự án quá trình nghiên cứu triển khai được đánh giá đạt yêu cầu nhưng chưa được nhân rộng.

Để KH&CN tỉnh nhà tiếp tục phát triển, bên cạnh tiếp tục duy trì và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, cần quan tâm hơn nữa đến lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ; tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Đồng thời, sớm khuyến khích, yêu cầu các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế thành lập quỹ KH&CN để phục vụ hoạt động KH&CN; cần có sự liên kết giữa các doanh nghiệp, trường đại học và các viện nghiên cứu.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast