Khoa học - công nghệ thúc đẩy phát triển bền vững

(Baohatinh.vn) - Những năm gần đây, Hà Tĩnh trở thành một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế cao nhất cả nước. Thành tựu ấn tượng đó có đóng góp không nhỏ của ngành KH-CN. việc áp dụng các tiến bộ KH-KT vào sản xuất tạo nền tảng vững chắc, động lực then chốt góp phần đưa Hà Tĩnh phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Dấu ấn nhiệm kỳ 2010 - 2015 (bài 41):

Khoa học - công nghệ thúc đẩy phát triển bền vững ảnh 1
Kỹ thuật thụ phấn bổ sung và quản lý chỉ dẫn địa lý đã góp phần “giải cứu” thành công bưởi Phúc Trạch, xây dựng thương hiệu và tìm kiếm thị trường ấn định cho người dân.

Bước chuyển lớn trong nông nghiệp, thủy sản

Ứng dụng tiến bộ KHKT là giải pháp mang tính đột phá, là động lực thúc đẩy Hà Tĩnh phát triển nhanh và bền vững theo hướng hiện đại cả về công nghiệp và nông nghiệp. Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khá đồng bộ từ giống cây, con, nhập khẩu các công nghệ sản xuất nông nghiệp hiện đại từ Israel, Hồng Kông…; hỗ trợ, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hướng đến sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết sản phẩm; tạo vùng sản xuất quy mô lớn, vừa tập trung, vừa phân tán. Đồng thời, xây dựng thương hiệu và bảo hộ sở hữu trí tuệ với các sản phẩm nhằm nâng cao giá trị trên thị trường.

Từ đó, nông nghiệp, nông thôn phát triển khá đồng đều, toàn diện, tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu. Sản xuất nông nghiệp hình thành rõ mô hình tăng trưởng mới và một số sản phẩm hàng hóa chủ lực quy mô lớn. Biến cái không thể thành có thể, đến nay, Hà Tĩnh đã có thể sản xuất rau, củ, quả quanh năm trên vùng cát trắng bạc màu ven biển với hơn 30 loại giống, năng suất 52-58 tấn/ha, thu nhập 250-300 triệu đồng/ha/năm.

Bên cạnh đó, triển khai chuỗi liên kết chăn nuôi bò, lợn giống và thịt chất lượng cao, quy mô lớn; dự án nuôi tôm, cá mú, cá bơn; chuyển giao thành công tiến bộ kỹ thuật ổn định ra hoa, đậu quả cây bưởi Phúc Trạch trên diện rộng, diện tích cam, bưởi trồng mới tăng khá nhanh: cam 3.294 ha (tăng 802 ha so với năm 2010), bưởi Phúc Trạch 1.100 ha (tăng 412 ha); làm chủ công nghệ sản xuất nhiều loại nấm, sản lượng toàn tỉnh ước đạt 1.000 tấn/năm, doanh thu 2,5 tỷ đồng/ha/năm... Hiện tại, toàn tỉnh có gần 8.000 mô hình có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Cùng với đó, công tác bảo quản, chế biến ngày càng được quan tâm, bước đầu đã ứng dụng các kỹ thuật khai thác thủy sản tiên tiến, xây dựng hệ thống kho lạnh tại các cảng cá, cải tiến hầm bảo quản trên tàu cá; xây dựng nhà máy chế biến súc sản có công suất giết mổ 500 con lợn, 60 con bò/ngày, chế biến trên 1.500 tấn sản phẩm/năm…

Khoa học - công nghệ thúc đẩy phát triển bền vững ảnh 2
Nhà máy Chế biến súc sản Mitraco có công suất giết mổ 500 con lợn, 60 con bò/ngày, góp phần hiện đại hóa ngành chế biến, giải quyết đầu ra cho người chăn nuôi.

Nâng cao chất lượng sản phẩm bằng công nghệ sinh học

Với mục tiêu hướng đến một nền nông nghiệp công nghệ cao, sạch, hiện đại, ngành công nghệ sinh học (CNSH) của Hà Tĩnh đã tuyển chọn được nhiều giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản có ưu thế năng suất, chất lượng, chống chịu điều kiện ngoại cảnh và sâu bệnh hại, có hiệu quả kinh tế. Thời gian gần đây, ngành khoa học tỉnh nhà đã nghiên cứu, ứng dụng thành công công nghệ nuôi cấy mô tế bào, vi ghép, mô – hom, sản xuất các loại giống cây ăn quả (cam, bưởi, chuối), các loại hoa và cây cảnh, cây lâm nghiệp với số lượng lớn, nhanh, sạch bệnh, bảo đảm chất lượng…

Bên cạnh đó, bảo tồn và lưu giữ được các nguồn gen sinh học quý của địa phương (dược liệu quí như mộc hoa trắng, ích đồng nam, sâm đại hành, bồ công anh…), đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với công nghệ nhân giống thông thường; làm chủ công nghệ từ phân lập giống gốc đến giống cấp 2, giống cấp 3 đối với nhiều loại nấm, đủ khả năng sản xuất và cung ứng giống nấm trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Đồng thời, tuyển chọn được hàng chục giống cây trồng đưa vào cơ cấu sản xuất của tỉnh như: lúa, lạc, tập đoàn giống ngô nếp, ngô lai, khoai lang, khoai sọ, sắn; các loại rau, củ, quả…

Khoa học - công nghệ thúc đẩy phát triển bền vững ảnh 3
KH&CN được ứng dụng trong sản xuất rau, củ, quả trên cát đã khiến không ít người thán phục

Cùng với đó là thành công trong tạo giống cá rô phi đơn tính, hàng năm cung cấp giống cho các hộ nuôi cá nước ngọt trong và ngoài tỉnh; đưa các giống mới có năng suất, chất lượng và giá trị vào nuôi trồng như tôm thẻ chân trắng, cá chẽm, cá hồng mỹ, cá diêu hồng...; sử dụng CNSH phân tử (phương pháp xét nghiệm bằng PCR) phát hiện virus đốm trắng trên tôm.

Nhiều chế phẩm sinh học được sản xuất, ứng dụng rộng rãi, được người dân đánh giá cao. Trong đó, chế phẩm Hatimic đã được ứng dụng thành công, trở thành một trong những sản phẩm nổi trội nhất trong thời gian gần đây. Quá trình triển khai cho thấy, việc sử dụng chế phẩm Hatimic giảm thời gian ủ phân, hạn chế mùi hôi thối trong quá trình ủ, tận dụng được các phế phụ phẩm nông nghiệp, tiết kiệm khoảng 20% chi phí mua phân hóa học. Bón phân hữu cơ vi sinh cũng làm đất tơi xốp hơn, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Ông Phan Trọng Bình - Giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN Hà Tĩnh cho biết, phát triển CNSH là một đòi hỏi xuất phát từ thực tiễn sản xuất và kinh doanh và là việc làm hết sức cần thiết hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Vì thế, CNSH thời gian qua đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp, ngành và đạt nhiều kết quả khích lệ. Cùng với việc Sở KH&CN vừa triển khai xây dựng dự án “Nâng cao năng lực Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Hà Tĩnh”, tin rằng, CNSH tỉnh nhà sẽ có bước phát triển đột phá trong thời gian tới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast