Microsoft "đại tu", muốn biến thành Apple thứ hai

Microsoft vừa công bố cuộc tái cơ cấu nội bộ lớn nhất trong vòng 5 năm trở lại đây nhằm hướng tới vị trí cao hơn trong cuộc đua di động và điện toán đám mây.

Sự thiếu cộng tác và đấu tranh nội bộ đã làm tổn thương tính sáng tạo của “gã khổng lồ” phần mềm có tới 98.000 nhân viên này. Microsoft đang kỳ vọng thúc đẩy nhanh hơn nữa công cuộc thiết kế các sản phẩm để thu hút thế hệ người dùng mới vốn gắn bó với smartphone, máy tính bảng hơn là laptop, PC.

Steve Ballmer, Tổng Giám đốc Microsoft. Ảnh: Getty Images
Steve Ballmer, Tổng Giám đốc Microsoft. Ảnh: Getty Images

Việc phát triển Windows hiện được gộp vào một nhóm do Terry Myerson dẫn đầu. Trước đây, ông chỉ tập trung vào Windows Phone và hiện nắm trong tay hai hệ điều hành cho đủ loại thiết bị từ máy tính truyền thống tới tablet và máy chơi game.

Julie Larson-Green, trước đây là đồng Chủ tịch bộ phận Windows, sẽ giám sát bộ phận mới chuyên về phần cứng, từ tablet Surface tới Xbox.

Gần như mọi lãnh đạo cấp cao đều chuyển sang vai trò mới trong tổ chức và không có thêm cuộc tuyển dụng đình đám nào.

Động thái nhằm biến Microsoft thành cái mà Tổng Giám đốc Steve Ballmer gọi là doanh nghiệp “thiết bị và dịch vụ”, khá giống với Apple, công ty đã vượt mặt Microsoft cả về lợi nhuận và thị phần trong vài năm gần đây. Nó cũng cho thấy “phần mềm”, ngành kinh doanh Microsoft đi tiên phong và mở ra điện toán cá nhân cho cả thế giới, đang dần bị ghẻ lạnh.

"Apple hóa" Microsoft

Steve Ballmer, người kế nhiệm đồng sáng lập Bill Gates từ năm 2000 cho biết ông muốn công ty trở nên giống Apple hơn. Ông muốn mang sản phẩm ra thị trường nhanh hơn, hoạt động hiệu quả hơn, muốn người dùng sử dụng Windows trên nhiều loại thiết bị thay vì chỉ trên máy tính cá nhân.

Bản thân Microsoft đang gặp khó khi phải cạnh tranh trong thế giới thiết bị di động và dịch vụ nền web do Apple, Google thống trị. Hãng giới thiệu tablet Surface năm 2012 nhưng nhanh chóng thất bại trước iPad hay thiết bị Android do Samsung và các hãng khác sản xuất.

Windows 8 ra mắt cùng năm cũng không như ý khi người dùng gắn bó lâu năm với giao diện hệ điều hành cũ không hài lòng, buộc Microsoft phải đưa trở lại nút “Start” “huyền thoại” trong bản cập nhật 8.1.

“Chúng tôi đi theo chiến lược trở thành một công ty thống nhất - không phải sự tập hợp của các chiến lược khác nhau”, Ballmer viết trong thư nội bộ cho nhân viên công ty.

Tháng 7/2008, Microsoft từng có cuộc tái cơ cấu lớn khi Ballmer tách bộ phận “Nền tảng và Dịch vụ” làm 3 đơn vị nhỏ: Windows, Dịch vụ Trực tuyến, Máy chủ và Công cụ sau khi không mua được Yahoo.

Microsoft ở thế bí khi doanh số máy tính cá nhân ngày càng giảm, ảnh hưởng tới doanh thu từ phần mềm khi người tiêu dùng và nhiều doanh nghiệp ngày càng ưa chuộng smartphone và tablet hơn. Theo số liệu của hãng nghiên cứu IDC, xuất xưởng PC toàn thế giới trong quý II/2013 giảm 11,4% so với cùng kì năm 2012, là quý thứ năm liên tiếp sụt giảm.

Từ góc độ chiến lược, có thể thấy Microsoft muốn đưa các bộ phận thành một thể thống nhất, tập trung hoàn toàn vào ứng dụng, đám mây, thiết bị.

Cụ thể, chi tiết của cuộc tái cơ cấu lần này của Microsoft như sau:

4 bộ phận lớn được thành lập:

- Bộ phận Kỹ thuật Hệ điều hành: Do Terry Myerson, người trước đây điều hành bộ phận Windows Phone, dẫn đầu. Nó bao gồm mọi hệ điều hành, Windows, Windows Phone, và Xbox OS. Dịch vụ đám mây cho PC cũng nằm trong nhóm này.

- Bộ phận Kỹ thuật Studio và Thiết bị: Do Julie Larson Green, người trước đây điều hành bộ phận Windows đứng đầu. Đây là nhóm chuyên về phần cứng bên cạnh game, nhạc, video và giải trí khác.

- Bộ phận Kỹ thuật Dịch vụ và Ứng dụng: Do Qi Lu, trước đây điều hành Bing, đứng đầu, phụ trách “danh mục tìm kiếm, liên lạc, năng suất” (bao gồm cả bộ phận Office).

- Bộ phận Kỹ thuật Doanh nghiệp và Đám mây: Do Satya Nadella, trước đây điều hành mảng Máy chủ và Công cụ, giám sát cơ sở dữ liệu doanh nghiệp và đám mây.

Theo ictnews.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast