Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm bằng các giải pháp, sáng kiến kỹ thuật

Với đặc thù của một địa phương sản xuất CN-TTCN, việc cải tiến quy trình công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm trở thành yếu tố quyết định đến tính sống còn của các doanh nghiệp trong xu thế cạnh tranh, hội nhập. Bằng niềm say mê, tâm huyết của mình, đội ngũ tri thức ở Trung Lương ( Thị Xã Hồng Lĩnh) đã dày công tìm tòi, nghiên cứu ra nhiều giải pháp kỹ thuật, góp phần khẳng định uy tín, thương hiệu cho từng sản phẩm.

Là một trong những đơn vị tiên phong trên lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng ở Thị xã Hồng Lĩnh. Song hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH sản xuất vật liệu xây dựng Trung Nam luôn phải chịu sự canh tranh gay gắt với nhiều đối tác và những đòi hỏi khắt khe của thị trường. Vì vậy việc cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm là một trong những giải pháp được Công ty TNHH sản xuất vật liệu xây dựng Trung Nam lựa chọn.

Sản xuất ấm lợp FIBRO xi măng tại Công ty TNHH sản xuất vật liệu xây dựng Trung Nam,

Sản xuất ấm lợp FIBRO xi măng tại Công ty TNHH sản xuất vật liệu xây dựng Trung Nam,

Theo ông Trần Công Hảo – Giám đốc Công ty TNHH sản xuất vật liệu xây dựng Trung Nam, để sản xuất tấm lợp FIBRO xi măng đạt chất lượng cao thì cần có khuôn thép. Muốn ngói có chất lượng, hiệu quả thành phẩm cao cần phải có khuôn cứng, chịu độ uốn, hạn chế biến dạng khuôn trong quá trình vận hành. Hiện nay trong nước đã có một số nhà máy sản xuất được khuôn ép nhưng công nghệ này máy ép cồng kềnh, khuôn ngắn, độ chính xác không cao và giá thành cao.

Từ thực tiễn sản xuất của đơn vị, kỹ sư Trần Công Hảo đã chế tạo ra máy nắn khuôn tấm lợp FIBRO xi măng, máy có ưu điểm dễ chế tạo, do công nhân trong xí nghiệp tự sản xuất được, máy có cấu hình gọn nhẹ, kết cấu hợp lý gồm: Khung, hệ thống bánh răng và xích chuyển động, hệ thống 10 trục với hệ thống trục lăn chính xác theo bước sóng của khuôn, máy sử dụng động cơ điện từ 8-12 KV, vận hành thao tác thuận lợi, tốc độ cán từ 10-12 phút/khuôn. Máy cán khuôn ra đời khắc phục việc nhập ngoại, dừng sản xuất để đưa khuôn ra Hà Nội nắn lại đã mang lại hiệu quả kinh tế cho công ty mỗi năm hơn 1 tỷ đồng. Không dừng lại ở đó, Kỹ sư Trần Công Hảo đã tiếp tục, hoàn chỉnh phát minh máy bốc khuôn tấm lợp, đây được coi là một rô bốt tổng hợp, có thể xử lý linh hoạt các thao tác phức tạp. Máy được cấu tạo theo nguyên lý dẫn hướng bằng ray, truyền động bằng hơi, với hệ thống phân phối hơi liên hoàn, tự động, đảm bảo cho các thao tác của máy luôn nhịp nhàng và chính xác. Theo kỹ sư Trần Công Hảo, việc áp dụng giải pháp kỹ thuật máy bốc khuôn tấm lợp có thể thay thế đươc 15 lao động trong dây chuyền sản xuất ba ca, đồng thời tăng 30% năng suất sản lượng so với trước khi ứng dụng.

Theo ông Nguyễn Thiện, Chủ tịch Hội KH&KT phường Trung Lương, giải pháp chế tạo máy nắn khuôn, bốc khuôn trong dây chuyền sản xuất tấm lợp FIBRO xi măng là một trong hàng trăm đề tài, giải pháp kỹ thuật do các hội viên mày mò nghiên cứu, sáng tạo. Sau khi áp dụng vào đời sống sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Được thành lập từ năm 2008, Hội Khoa học và Kỹ thuật phường Trung Lương ( TX Hồng Lĩnh) thu hút sự tham gia của 103 hội viên hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Đây cũng là đơn vị cấp phường, xã đầu tiên và duy nhất ở Hà Tĩnh thành lập được tổ chức hội. Nhờ làm tốt công tác tập hợp đội ngũ trí thức vào tổ chức hội nên hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội trên các lĩnh vực phát triển KT, VH-XH, QP-AN của địa phương bàn được các hội thành viên tham gia tích cực như: dự thảo báo cáo BCH đảng bộ phường các khóa XXI, XXII, dự án Jibic về phát triển hạ tầng làng nghề, đề án phát triển kinh tế xã hội chuyển xã lên phường và các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng của địa phương... Đặc biệt, lĩnh vực sản xuất CN – TTCN, các hội viên đã trở thành nồng cốt trong việc tuyên truyền, ứng dựng các công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh, tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật rèn, đúc, gia công cơ khí cho các thợ rèn trên địa bàn Hồng Lĩnh. Bước đầu thực hiện có hiệu việc liên kết sản xuất giữa các làng nghề theo nội dung dự án “ Phát triển sản xuất sản phẩm của làng nghề truyền thống Hà Tĩnh do tổ chức JiCa tài trợ...Cũng theo ông Nguyễn Thiện, nhờ tập hợp được các hội viên hoạt động rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực nên hàng năm, theo định kỳ các hội viên đều được tiếp thu kiến thức KHKT, chuyên môn nghiệp vụ do ngành chủ quản tổ chức. Từ đó, hội có điều kiện phân công cán bộ, hội viên của mình tiếp tục tuyên truyền, phổ biến kiến thức KHKT vào đời sống, sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển.

Đánh giá về hoạt động của Hội Khoa học và Kỹ thuật phường Trung Lương, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội KH& KT Hà Tĩnh Nguyễn Xuân Thiều khẳng định, hoạt động của Hội Khoa học và Kỹ thuật đã đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, với đội ngũ hội được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tiễn, góp phần chuyển giao kết quả nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KHCN vào đời sống sản xuất. Trên cơ sở hoạt động, kinh nghiệm tổ chức, tập hợp đội ngũ trí thức của Hội KH&KT phường Trung Lương, Liên hiệp hội sẽ xây dựng phương án nhân rộng mô hình tổ chức hội cơ sở.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast