Nhóm hacker bí ẩn định đánh sập toàn bộ Internet

Một nhóm hacker đã tấn công từ chối dịch vụ vào 13 máy chủ tên miền gốc khiến người dùng Internet cảm thấy việc truy cập website chậm hơn bình thường.

Nhóm hacker bí ẩn định đánh sập toàn bộ Internet ảnh 1

13 máy chủ tên miền gốc (root name server - máy chủ tên miền mức cao nhất) là 13 mạng lưới máy chủ với hàng trăm DNS server được đặt khắp thế giới. Những server này có vai trò giống nhau để khi một số máy bị tấn công thì các máy khác có thể sẵn sàng thay thế. 13 máy chủ tên miền gốc được điều hành bởi 12 tổ chức độc lập trên thế giới.

Trong giai đoạn từ ngày 30/11 đến 1/12 vừa qua, những máy chủ này hứng chịu một cuộc tấn công DDoS khổng lồ với tần suất 5 triệu lệnh truy vấn mỗi giây và tổng cộng đã có 60 tỷ lệnh chỉ trong hai ngày. Trong khi đó, suốt hai năm qua, vào những ngày bận rộn nhất, máy chủ tên miền gốc A do Verisign quản lý cũng chưa bao giờ nhận được hơn 10 tỷ lệnh.

Lưu lượng khổng lồ trong ngày 1/12 mà máy chủ tên miền A của Verisign nhận được.
Lưu lượng khổng lồ trong ngày 1/12 mà máy chủ tên miền A của Verisign nhận được.

Trong lịch sử Internet, đã xảy ra hàng trăm cuộc tấn công vào 13 máy chủ gốc như đầu năm 2012, nhóm hacker Anonymous đã huy động lực lượng nhằm DDoS 13 root server với mục đích đánh sập Internet. Tuy nhiên, chưa có cuộc tấn công từ chối dịch vụ nào thành công.

Nhưng lần này, trang Root-servers.org - website do các nhà quản lý tên miền gốc điều hành - phải thừa nhận cuộc tấn công này quá lớn và có ảnh hưởng nhất định đến Internet.

"Tại một số khu vực trên thế giới, các máy chủ DNS không kịp xử lý các truy vấn thông thường của người dùng trong một thời gian nhất định", website này cho biết.

Theo IBTimes, nhiều người dùng lo lắng một ngày nào đó, 13 máy chủ tên miền gốc có thể bị "hạ gục" khi hacker tấn công DDoS lớn hơn nữa. Tuy nhiên, điều này sẽ không xảy ra vì các nhà điều hành những máy chủ này luôn có những server dự phòng để cân bằng và thay thế. Không một tổ chức nào trên thế giới có đủ tiềm lực để tiêu diệt toàn bộ những máy chủ này chỉ bằng kỹ thuật DDoS bởi chúng có cấu hình khác nhau, chạy phần mềm và có cách thức bảo vệ cũng khác nhau.

Theo Châu An/VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast