Những điều Việt Nam cần lưu ý trong cuộc đua công nghệ

Gần đây, câu chuyện về thành công vang dội của trò chơi điện tử Flappy Bird của kỹ sư tin học Nguyễn Hà Đông đã góp phần giúp cho thế giới hiểu hơn về tài năng công nghệ thông tin của người Việt Nam, gia tăng niềm tự hào của người Việt Nam.

(Ảnh minh họa: Thế Anh/TTXVN)
(Ảnh minh họa: Thế Anh/TTXVN)

Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam cũng đang có kế hoạch xây dựng một ngành công nghiệp phần mềm nhằm đưa Việt Nam trở thành một cường quốc về sáng chế công nghệ cao.

Tuy nhiên, đây rõ ràng không phải là một việc dễ làm, bởi nhiều nước trong khu vực cũng đã có những kế hoạch tương tự nhưng hoặc là đã thất bại, hoặc là đang hoạt động cầm chừng.

Báo mạng Asia Sentinel của Hong Kong vừa đăng bài viết xung quanh vấn đề này. Vietnam+ xin lược dịch bài viết này:

Liệu Việt Nam có thể trở thành một cường quốc về sáng chế công nghệ cao, thu hút sự đầu tư của quốc tế và nhảy qua những nấc thang phát triển hay không?

Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đang bảo trợ một dự án Thung lũng Silicon được thực hiện nhằm mục đích thúc đẩy nước này trở thành một quốc gia làm được nhiều thứ hơn là một nhà sản xuất các linh kiện điện tử đơn thuần (Intel có một nhà máy trị giá 1 tỷ USD ở Việt Nam), để tạo ra một ngành ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp và các doanh nghiệp sáng chế hùng mạnh.

Thành công gần đây của trò chơi điện tử Flappy Bird, một trong những ứng dụng được tải xuống nhiều nhất kể từ trước đến nay, được coi là bằng chứng về tiềm năng lớn hơn của Việt Nam (mặc dù “cha đẻ” của trò chơi này đã quyết định gỡ bỏ vĩnh viễn “đứa con tinh thần” của mình ra khỏi thị trường).

Thông báo về nhiệm vụ của dự án nói trên không khác so với những ý tưởng của Việt Nam từ giữa những năm 1990 về “kỷ nguyên tri thức” sắp tới. Theo trang web techinasia.com, nó bao gồm 400.000 USD chi phí giành cho hoạt động khởi nghiệp, được cấp cho giai đoạn ươm tạo doanh nghiệp, tăng tốc, gây vốn ban đầu, và cuối cùng là xuất xưởng sản phẩm.

Một quan chức Việt Nam nói: “Đây là thời điểm để Việt Nam tham gia vào cuộc đua công nghệ. Các quốc gia không đổi mới trong thế giới do công nghệ chi phối như hiện nay sẽ rơi vào một vòng xoáy dữ dội của sự lạc hậu và nghèo đói.”

Sự sáng tạo được Chính phủ Việt Nam ủng hộ và phê chuẩn, đồng thời doanh nghiệp cũng đã được đánh giá cao. Tuy nhiên, cùng với việc chỉ ra rằng 400.000 USD là một số tiền rất nhỏ để tái tạo một bản sao của một khu phức hợp công nghệ lớn ở California, Việt Nam có lẽ cũng nên nhìn vào các quốc gia khác, những quốc gia đã cố gắng để thúc đẩy một cách gượng gạo các môi trường Thung lũng Silicon của họ.

“Siêu Hành lang Truyền thông Đa phương tiện”, một dự án được quảng cáo rầm rộ của Malaysia và là một “con ngựa gỗ” của cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad, đã rơi vào tình trạng lúng túng, không thể tạo ra được những doanh nghiệp khởi nghiệp quan trọng cũng như không thu hút được sự chú ý đa quốc gia.

Singapore, quốc gia đã đầu tư lớn vào nghiên cứu và phát triển công nghệ thông qua các trường đại học và các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp của họ, trong thực tế gần như chắc chắn vượt qua Malaysia. Nhật báo Phố Wall đã chỉ ra rằng những sự đầu tư mạo hiểm vào công nghệ ở Singapore trong năm ngoái đã bỏ xa những sự đầu tư mạo hiểm vào công nghệ ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Hong Kong.

Tuy nhiên, bản thân Singapore, mặc dù có nhiều năm được chính phủ đầu tư và nâng đỡ về công nghệ sinh học, truyền thông và giải trí, nhưng ngoài những thành công cũng vẫn có cả những thất bại. Mặc dù Singapore vẫn công khai cam kết tự do Internet, nhưng nước này nhìn chung vẫn không thể củng cố bất kỳ kiểu tinh thần sáng tạo nào trong hệ thống giáo dục của họ.

Hong Kong cũng đã cố gắng thiết lập một trung tâm công nghệ có tên gọi là Cyberport, được thiết kế để giúp các doanh nghiệp địa phương vốn hóa sự phát triển công nghệ thông tin. Tuy nhiên, giống như phiên bản của Malaysia, CyberPort của Hong Kong chủ yếu là một “vở kịch bất động sản” đem lại lợi ích cho Richard Li, con trai của tỷ phú giàu nhất châu Á Li Ka-shing.

Tuy Việt Nam đã đón nhận và sử dụng Internet một cách nhanh chóng, với sự đam mê lớn, vượt ra ngoài sự tranh cãi về những giá trị của Internet, nhưng vẫn có những khoảng trống trong lĩnh vực này. Mọi người đều có thể sử dụng Google, nhưng ít doanh nghiệp địa phương được hưởng lợi từ sự bùng nổ của các trang web và các thiết bị di động.

Bryan Pelz, một nhà phát triển công nghệ thông tin, nói rằng Việt Nam “không có biện pháp để kiếm tiền trực tiếp” từ Internet. Chuyên gia này nhấn mạnh: “Ngành ngân hàng và môi trường điều hành vẫn chưa thực hiện những bước đi mạnh mẽ để tạo nền tảng cho việc dễ dàng thanh toán trực tuyến. Về cơ bản không ai có các thẻ tín dụng. Nếu như bạn đang xây dựng một website và hy vọng thu hút được người sử dụng hay thu hút được quảng cáo, thì đó là một con đường khó khăn ở Việt Nam.”

Theo ông Bryan Pelz, mặc dù Việt Nam có nhiều người say mê máy tính cùng các kỹ sư phần mềm tài năng - Flappy Bird được thiết kế bởi một kỹ sư người Việt Nam - với kinh nghiệm và kỹ năng có thể so sánh được với phần còn lại của châu Á, nhưng phần mềm vẫn chưa được coi là một lĩnh vực sinh lợi lớn.

Theo Cimigo, trong số những người ở độ tuổi từ 15-24, có tới 95% người thường xuyên lên mạng và sử dụng nhiều hơn hai giờ đồng hồ mỗi ngày trên các trang web, hoặc ở các quán café, trên máy tính để bàn hoặc là trên điện thoại di động. 95% sử dụng Internet vào việc đọc tin tức.

Google vẫn là trang web có tỷ lệ truy cập hàng đầu ở Việt Nam, sau đó là trang giải trí địa phương có tên Zing. Những trang web về tin tức như Dân Trí và Tuổi Trẻ cũng là những địa chỉ nổi bật, cùng với Yahoo!, Facebook và YouTube.

Theo hãng tin AP, năm ngoái, một “kẻ thách thức” Google có tên gọi Coc Coc (knock knock) đã bắt đầu kinh doanh.

Trang web này được tạo ra nhằm mục đích chiếm 97% thị phần của Google, với lập luận rằng Google chưa có văn phòng nào ở Việt Nam và cũng không có các thuật toán được viết dễ hiểu đối với người Việt Nam.
Không giống như những doanh nghiệp khởi nghiệp khác, nó được ủng hộ bằng sự đầu tư nghiêm túc và một đội ngũ nhân viên lên tới hơn 300 người./.

Nguồn: vietnamplus.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast